Sau 16 chặng đua đầy hấp dẫn, Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình TP.HCM năm 2019 – “Non Sông Liền Một Dải”, đã chính thức khép lại, với rất nhiều dấu ấn, rất nhiều kỷ niệm cho tất cả các vận động viên lẫn những ai đi theo đoàn đua.
Kết quả chung cuộc của Cúp truyền hình TP.HCM 2019:
+ Áo Vàng: Javier Sarda Perez (TP.HCM Anh văn hội Việt Mỹ)
+ Áo Xanh: Lê Nguyệt Minh (TP.HCM MM Mega Market)
+ Áo Đỏ: Mirsamad Pourseyedi (Tập đoàn Lộc trời An Giang)
+ Áo Trắng: Nguyễn Quốc Bảo (Dược Domesco Đồng Tháp)
+ Giải thưởng Vinfast – mãnh liệt tinh thần Việt Nam: Huỳnh Thanh Tùng (Quân khu 7 Trisport International)
+ Giải phong cách: Dược Domesco Đồng Tháp
+ Cúp vô địch đồng đội: TP.HCM Anh văn hội Việt Mỹ
Bên cạnh những thành công về công tác tổ chức, tuyên truyền cho giải, đặc biệt là việc toàn bộ 16 chặng đua đều được truyền hình trực tiếp trọn vẹn trên các kênh HTV9, HTV7 và HTV Thể Thao của Đài Truyền hình TP.HCM, thì những dấu ấn về chuyên môn của giải mới là điều mà mọi người sẽ còn nhắc rất nhiều trong thời gian dài tới đây.
Trong số khá nhiều những dấu ấn đặc biệt đó, hãy cùng nhìn lại những điểm nhấn đáng chú ý nhất, về tập thể các đội đua tại Cúp Truyền hình 2019.
TPHCM với “cú ăn ba” đầy ấn tượng
Nói về những dấu ấn của Cúp truyền hình 2019, chắc chắn điều đầu tiên phải nhắc đến chính là “cú ăn ba” hoành tráng của tập thể hai ê kip TP.HCM Anh văn hội Việt Mỹ và TP.HCM MM Mega Market, khi họ đoạt cả áo Vàng – áo Xanh, lẫn chiếc cúp vô địch đồng đội danh giá.
Javier Sarda Perez với khả năng đi đường đèo tuyệt vời, cùng thể lực bền bỉ để đeo bám những đối thủ chính trên suốt lộ trình đua, cộng với sự hỗ trợ hết mình từ các đồng đội, đã cho thấy chiếc áo Vàng chung cuộc mà anh đoạt được là điều hoàn toàn xứng đáng. Điều đáng chú ý nhất trong hành trình đến với chiếc áo Vàng của tay đua 31 tuổi này, chính là cuộc đấu một chống hai, giữa anh với hai đối thủ Gong Hyo Suk – Mirsamad Pourseyedi trên đèo Khánh Lê và đèo Giang Ly ở chặng Nha Trang đi Đà Lạt. Không để các đối thủ bỏ rơi, về đích ở vị trí thứ 3 trong chặng này, Javier đã lấy chiếc áo Vàng từ tay người đồng đội Nguyễn Trường Tài, và bảo vệ an toàn danh hiệu này cho đến khi hoàn tất cuộc đua.
Lê Nguyệt Minh thì đã có lần thứ 3 liên tiếp đoạt chiếc áo Xanh chung cuộc của Cúp truyền hình TPHCM, giải thưởng giành cho tay đua có khả năng nước rút tốt nhất. Tính riêng ở cuộc đua năm nay, trong số 16 chặng đua, trong đó có một chặng đua đồng đội tính giờ, thì Lê Nguyệt Minh đã giành chiến thắng ở đến 5 chặng đua.
Và cuối cùng là chiếc cúp vô địch đồng đội của tập thể TPHCM Anh văn hội Việt Mỹ. Các tay đua thuộc êkip này đã vượt hẳn lên khỏi sự đeo bám của các đối thủ, khi đã thi đấu rất tốt trong chặng 11 – chặng đồng đội tính giờ diễn ra tại Tuy Hòa.
Có thể khẳng định, những kết quả này hoàn toàn rất xứng đáng với những nỗ lực của tập thể các tay đua TPHCM đã thể hiện. Đồng thời cũng phải thừa nhận TPHCM đã gặp những may mắn nhất định ở cuộc đua năm nay, khi đối thủ cạnh tranh chính của họ gặp phải những sự cố không hề mong muốn. Vừa hay lại vừa hên, thì chiến thắng là điều không còn gì phải bàn cãi.
An Giang với sự cố đầy tiếc nuối ở chân đèo Hải Vân
Gạo hạt ngọc trời An Giang và Tập đoàn lộc trời An Giang là hai đội đua có lực lượng rất mạnh, và thậm chí trước khi cuộc đua khởi tranh, thì tay đua Mirsamad Pourseyedi của họ mới được xem là ứng viên nặng ký nhất cho chiếc áo Vàng chung cuộc. Vậy mà, những sự cố không mong muốn trên đường đua đã khiến An Giang không thể có được những thành tích đúng như sự kỳ vọng của họ.
Đầu tiên, cú ngã xe ở chân đèo Hải Vân của Mirsamad đã khiến tất cả những toan tính cho cuộc cạnh tranh danh hiệu cá nhân của tập thể An Giang rơi vào tình thế khó khăn, khi sau chặng đua từ Huế vào Đà Nẵng, Mirsamad đã bị những đối thủ chính của mình tạo ra khoảng cách đến 4 phút 31 giây. Và dù đã nỗ lực tối đa trong những chặng còn lại, anh cũng chỉ thu hẹp khoảng cách đó xuống còn hơn 3 phút.
Thứ 2 là sự cố tuột sên của Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa chỉ sau khi xuất phát 100m ở chặng đồng đội tính giờ tại Tuy Hòa. Sau đó nữa là việc Lê Ngọc Sơn không đảm bảo thể lực nên nhanh chóng bị rơi lại. Những điều này khiến tập thể Tập đoàn lộc trời An Giang rơi vào thế năm chống bảy trước đối thủ lớn nhất TPHCM Anh văn hội Việt Mỹ, và đó cũng chính là nguyên nhân họ đã không thể thắng được đối thủ lớn này.
Dù bộ đôi Gong Hyo Suk và Mirsamad Pourseyedi đã phối hợp tấn công quá tuyệt vời trong chặng đua từ Nha Trang đi Đà Lạt, qua đèo Khánh Lê, nhưng sự lì lợm và khả năng đi đèo không kém gì các đối thủ của Javier Perez khiến tập thể An Giang không thể tạo nên cuộc lật đổ. Họ phải chấp nhận vị trí thứ 2 tổng sắp của Gong Hyo Suk, vị trí thứ 3 tổng sắp và áo Đỏ của Mirsamad Pourseyedi, cùng vị trí thứ 3 trên bảng tổng sắp đồng đội. Kết quả hơi thất vọng với các tay đua An Giang, nhưng biết đâu điều này lại khiến họ trở lại mạnh mẽ hơn ở cuộc đua năm 2020.
Tham vọng của Bike Life Đồng Nai vẫn cần thêm thời gian để hiện thực hóa
Ngoài An Giang, thì cũng có đôi chút tiếc nuối cho một đội đua có thực lực mạnh là Bike Life Đồng Nai.
Họ có Loic Desriac đủ sức cạnh tranh danh hiệu áo Vàng, nhưng một chút tính toán sai lầm ở chặng đèo Hải Vân, khi không mạnh dạn đưa Trần Lê Minh Tuấn tấn công cùng các đối thủ, cộng thêm một chút trục trặc trong khả năng phối hợp giữa các tay đua Đồng Nai khiến họ chỉ có thể đoạt vị trí thứ 5 chung cuộc của Loic, vị trí thứ 6 chung cuộc của Trần Lê Minh Tuấn, cùng vị trí hạng nhì trên bảng tổng sắp đồng đội.
Dược Domesco Đồng Tháp không may mắn, nhưng vẫn là đối thủ khó chịu với bất kỳ ai
Dược Domesco Đồng Tháp và Calytos Đồng Tháp, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên kỳ cựu Trần Văn Quít, vẫn cho thấy mình là một đối thủ cực kỳ khó chịu, khi có được sự kết hợp giữa những tài năng đã được khẳng định như Phan Hoàng Thái – Nguyễn Tấn Hoài, với những tài năng trẻ được đánh giá có tiềm năng lớn như Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Quốc Bảo và Lê Hải Đăng.
Không sử dụng ngoại binh, lại không gặp may khi Nguyễn Tấn Hoài bị chấn thương ngay ở giai đoạn quan trọng để cạnh tranh vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng đồng đội, nhưng êkip Đồng Tháp đã cho thấy với những cái tên hiện có, cộng thêm sự dẫn dắt của huấn luyện viên Trần Văn Quít, thì dù bất kỳ đội đua nào, ở bất kỳ giải đua nào, cũng sẽ phải dè chừng tập thể Đồng Tháp.
Đồng Tháp cũng không hoàn toàn trắng tay ở giải đấu năm nay, khi Dược Domesco Đồng Tháp đoạt giải Phong cách, và tài năng trẻ Nguyễn Quốc Bảo giành được chiếc áo Trắng chung cuộc, giải thưởng giành cho tay đua trẻ có thành tích xuất sắc nhất.
Quân khu 7 và Quân đội Trisport International – luôn thi đấu cống hiến và nỗ lực trong từng chặng đua một
Quân khu 7 Trisport International và Quân đội Trisport International vẫn như mọi khi, hiểu rõ thực lực của mình khó có thể cạnh tranh những danh hiệu chung cuộc cao nhất, nhưng họ luôn nỗ lực thi đấu trong từng chặng đua một. Sự cống hiến và quyết tâm của tập thể này – thể hiện qua việc Huỳnh Thanh Tùng mặc chiếc áo Vàng liên tục từ sau chặng 1 đến chặng 11, đồng thời còn đoạt luôn giải chung cuộc của giải thưởng Vinfast – Mãnh liệt tinh thần Việt Nam, khiến họ trở thành một trong những đội có nhiều người hâm mộ nhất trên đường đua.
Sức trẻ và sự nỗ lực, quyết tâm của những Thanh Tùng – Duy Nhân hay những tay đua nhiều tiềm năng khác, chắc chắn sẽ còn giúp đội đua này tiến xa.
Những đội đua còn lại đều giới thiệu được những gương mặt trẻ đầy tiềm năng
Với những đội đua còn lại, Nhựa Bình Minh Bình Dương và RDCO Vĩnh Long, dù thực lực chưa bằng những ê kip còn lại, nhưng họ vẫn có trong đội hình những tài năng trẻ đầy tiềm năng, như Hà Kiều Tấn Đại của Nhựa Bình Minh Bình Dương, hay Võ Thanh An – Nguyễn Minh Thiện của RDCO Vĩnh Long.
Cứ tiếp tục nỗ lực, tiếp tục cố gắng, chắc chắn những tay đua này sẽ còn trưởng thành hơn nữa. Và biết đâu ở những cuộc đua sau, khi tìm được sự hỗ trợ tốt về tài chính, thì những đội đua này có thể tạo nên được những bất ngờ đầy thú vị.
Quang Huy