Đây là bộ phim tài liệu có nội dung thú vị, gần gũi, phản ảnh chân thật cuộc sống của những người nông dân hiện đại ở tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Văn Rô (trái) và ông Lê Minh Sang (phải)
Họ là những lão nông tri điền thực sự của nền nông nghiệp thế kỷ 21 mà trong quá trình đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, họ đã có những sáng tạo độc đáo về cải tiến kỹ thuật, phục vụ nuôi trồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Ứng dụng những kết quả này vào đồng ruộng đã thực sự nâng cao bước phát triển đầy thuyết phục đối với bà con nông dân, không những tiết kiệm sức lao động, chi phí sản xuất mà còn tạo ra năng lực mới vô cùng hấp dẫn đối với người trực tiếp sử dụng.
Tiêu biểu trong phim tài liệu này, đạo diễn Lê Vũ Hoàng sẽ kể đến những chân dung “kỹ sư chân đất” như: Ông Nguyễn Văn Rô – người cải tiến chiếc máy cày đất lúa thành chiếc máy cày siêu nhẹ, cày trục được trên địa hình đất nuôi tôm. Chiếc máy cày này làm thay đổi được kết cấu mặt đất nuôi tôm, giúp giải độc, làm khôi phục các thành phần hữu cơ trong đất, trả lại cho con tôm môi trường tự nhiên, chẳng những giúp con tôm nuôi lớn nhanh, mà các loài thuỷ sản khác trong tự nhiên cũng sinh sôi trở lại.
Người dân Cà Mau với chiếc máy cày do ông Nguyễn Văn Rô sáng chế
Hay như trong quá trình nuôi tôm công nghiệp, nhiều nông dân Cà Mau không những nắm vững những kiến thức khoa học để tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật, mà còn mạnh dạn sáng kiến, cải tiến máy móc cho phù hợp, trong đó có trường hợp của ông Nguyễn Hoàng Bé. Ông đã cải tiến ra được máy cho tôm ăn tư động, có chế độ hẹn giờ, tự động cho tôm ăn khi ông bận việc hoặc đi xa vuông nuôi tôm của mình.
Máy chà bông tôm khô do ông Lê Minh Sang sáng chế
Và câu chuyện của ông Văn Khén – một thợ cơ khí ở thị trấn Năm Căn đã chế tạo ra cổ máy ép bạc siêu tốc với sản lượng vài trăm cái bạc được đóng trong một ngày. Một chiếc máy đóng bạc của ông Văn Khén bằng 10 công lao động đóng bằng tay.
Ông Nguyễn Văn Rô với chiếc máy cày sáng chế của mình
Tôm khô Cà Mau ngày nay vẫn đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng. Song, xu hướng thị trường cũng như nhu cầu của người tiêu dùng ngày nay luôn đòi hỏi sản phẩm không chỉ là chất lượng mà còn phải phong phú, đa dạng hơn về chủng loại. Thế là anh Lê Minh Sang đã nghĩ ra một qui trình sản xuất chà bông tôm khô công phu, tỉ mỉ và điểm nhấn thú vị là chiếc máy cơ khí làm chà bông do tự anh sáng chế...
Ông Lê Minh Sang giới thiệu chiếc máy chà bông tôm khô do mình sáng chế
Điểm chung của những “người nông dân chân đất” này đó là xuất phát điểm của việc sáng tạo cải tiến kỹ thuật – hầu như đều bắt nguồn từ những trăn trở, phải làm sao để cho cuộc sống người nông dân đỡ cơ cực hơn, hiệu quả canh tác phải cao hơn. Và cũng chính cuộc sống họ quanh năm gắn với vùng đồng quê nên những sáng tạo của họ đã thật sự gần gũi và đáp ứng được sự mong chờ của bà con nông dân. Lợi ích mà những kỹ sư chân đất này đã đóng góp cho sự phát triển của nghề nuôi tôm ở Cà Mau là không nhỏ, đáng được tôn vinh, trân trọng.
Đón xem phim tài liệu “Những kỹ sư chân đất” do TFS sản xuất, phát sóng lúc 8g từ ngày 13/12 trên kênh HTV9.
Thùy Trang