KỶ NIỆM 320 NĂM SÀI GÒN-GIA ĐỊNH-TP.HỒ CHÍ MINH (1698 – 2018)

Những ngôi Đình cổ ở TP. Hồ Chí Minh: Phần 3: Đình Minh Hương Gia Thạnh (tiếp theo)

Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu, đình Minh Hương Gia Thạnh còn có giá trị lịch sử văn hóa quý giá.

Trong đình Minh Hương Gia Thạnh hiện còn bảo lưu nhiều di vật, cổ vật, đồ thờ tự có giá trị. Tiêu biểu nhất là bản thần tích, sắc phong của các triều đại phong kiến phong tặng cho Đình. Có tất cả 38 hoành phi và 22 câu đối, tập chạm bốn chữ "Thiện tục khả phong" (nghĩa là: Tục tốt đáng khen) do vua Tự Đức ban cho năm 1863. 

Đặc biệt là đôi câu đối của Trịnh Hoài Đức làm năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nguyên văn bằng chữ Hán như sau:

Minh đồng nhật nguyệt diệu Nam thiên, phượng chứ lân tường gia cẩm tú.

Hương mãn càng khôn binh Việt địa, long bàn hổ cứ thạnh văn chương”

Tạm dịch

Sáng cùng nhật nguyệt rạng trời Nam, lân múa phượng bay gấm vóc thêu

Hương khắp đất trời thơm cõi Việt, rồng chầu hổ phục thịnh văn chương.


Giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Việt Nam thế kỷ 19

Không rộn ràng, nhộn nhịp, đình Minh Hương Gia Thạnh quanh năm thâm trầm với không khí đậm đặc chất cổ xưa, những hàng liễn đối ngay ngắn, vàng với thời gian như tô điểm thêm cho không gian trong đình thêm lắng đọng. Và nếu có một chút tinh ý, khách vãn cảnh đình Minh Hương sẽ nhận ra một chi tiết thú vị trong số các liễn đối, đại tự phủ kín các cột đình. Có một cặp liễn được tạc từ hai thân cây dừa, chiều dài phủ từ chân cột chạm lên gần nóc mái.  

Trong số các liễn đối, đại tự ở các kiến trúc chùa Chợ Lớn, đây là một cặp liễn với chất liệu khác lạ, tồn tại cùng với ngôi đình từ hơn trăm năm qua. Những mảng điêu khắc gỗ, những đôi hài, nón đội hành lễ của các vị tiền hiền ngày xưa, những bức tranh kiếng kể lại câu chuyện vượt biển của người Minh Hương khi sang Việt Nam, diện kiến Vua Gia Long để xin đất trú ngụ, những bộ lư gốm cổ Cây Mai… cũng là hiện vật đem lại nét chấm phá thú vị cho những ai muốn tìm hiểu vẻ độc đáo của đình Minh Hương Gia Thạnh.


Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, cơ sở tín ngưỡng chính của cộng đồng Minh Hương là đình làng, đối tượng thờ tự chính là Bổn cảnh Thành hoàng chứ không phải ông Bổn hay Quan Công hoặc Thiên Hậu... như ở một số đình chùa khác của người Hoa. Các đối tượng thờ tự có nguồn gốc Hoa ở đây chiếm tỉ lệ nhỏ và hầu như cũng đã từng hội nhập vào hệ thống thần linh Việt từ lâu đời như: Thổ Địa/Phước Đức Chánh Thần, Mười Hai Mụ Bà/Bà Chúa Thai Sanh, Ngũ Thổ Tôn Thần hay Ngũ Cốc Tôn Thần.

Ở đình Minh Hương Gia Thạnh, ngoài đôi tượng thờ là thần Thành Hoàng Bổn cảnh như các đình Việt, nét độc đáo là nơi đây thờ cả các văn thần võ tướng của nhà Nguyễn như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thắng Tài, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh. Điều này biểu thị xu hướng tín ngưỡng rất thuần Việt của người Minh Hương. Hơn nữa, ở gian tri từ, các đối tượng thờ tự về cơ bản là giống hệt như ở các đình làng Nam bộ.

Điều này càng thêm khẳng định, ở vùng đất Gia Định xưa, nếu xét về mặt văn hóa, thậm chí cả về tìn ngưỡng đã có sự giao thoa, cùng phát triển giữa Việt và Hoa. Đối với cộng đồng người Hoa nói chung và người Minh Hương nói riêng, trời đất phương Nam nước Việt thực sự trở thành quê hương thứ hai của mình, trở thành điểm tựa, niềm tin để họ gắn bó trọn cuộc đời.


Trong đình còn lưu giữ hai quả chuông đồng, một quả đúc năm 1823, một quả đúc năm 1849

Bao nhiêu danh nhân Việt Nam trong lịch sử có gốc là người Minh hương, từ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản, Phan Xích Long… đến những nhân vật có tên tuổi trong văn hóa nghệ thuật gần đây như Hồ Dzếnh, Trịnh Công Sơn, Vương Hồng Sễn, Lý Lan... Họ đã hòa nhập thành người Việt. 

Nổi bật trong số đó có Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh và Lê Quang Định là ba vị quan văn võ song toàn, được người dân phương Nam tự hào gọi là “Gia Định tam gia”. Sinh thời, nhóm “Gia Định tam gia” thường đến sinh hoạt, xướng họa thơ ca ở ngôi đình nổi tiếng này và hiện nay, cả ba vị vẫn được thờ trang trọng trong ngôi đền Minh Hương Gia Thạnh uy nghiêm.

Ngược dòng lịch sử, từ những ngày đầu thành lập, làng Minh Hương không phải là một làng nông thôn nông nghiệp, mà nằm ở trung tâm xứ đô hội, sát Sài Gòn phố thị - nơi hoạt động công thương nghiệp và dịch vụ phát triển cao, biến động liên tục. Mặt khác, dân cư của làng có phần tứ tán, không cư ngụ tập trung như cố kết dân cư nơi thôn dã. Nền tảng cộng đồng của nó dựa trên yếu tố chung về huyết thống, dòng họ và văn hóa. 

Vì lẽ đó, làng Minh Hương được coi là điển hình của làng Việt và đình Minh Hương Gia Thạnh là đặc trưng của tín ngưỡng Việt trong tâm thức tín ngưỡng – văn hóa của cộng đồng cư dân Minh Hương.

 Các đôi câu đối làm cong theo thân cột, chạm nổi long, lân, qui, phụng... với đầu rồng được chạm cao hơn bề mặt câu đối

Đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng đến nay, bên trong ngôi đình cổ này vẫn bảo tồn được không gian văn hóa thờ tự và những hiện vật cổ xưa. Đình Minh Hương – Gia Thạnh được xem là một biểu tượng văn hóa đặc trưng, là nơi “trở về nguồn” khi lớp hậu thế hôm nay muốn tìm lại quá khứ nhiều thăng trầm của một cộng đồng dân cư tiêu biểu ở vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn từ những ngày đầu khai dân lập ấp. 

Qua thời gian, những kiến trúc cổ xưa của Sài Gòn – Gia Định trở thành những di sản vô giá, góp phần làm tăng thêm sự đa dạng văn hoá của vùng đất, tô đẹp thêm cho những hình thái kiến trúc cổ song hành cùng kiểu thức kiến trúc thuộc địa của người Pháp và những công trình kiến trúc hiện đại của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. 

Đình Minh Hương Gia Thạnh là một trong số rất ít dấu tích kiến trúc văn hóa của Sài Gòn - Gia Định còn được lưu giữ đến ngày hôm nay, phản ánh sinh động đời sống văn hóa của một bộ phận cư dân có mặt tại vùng đất này từ những ngày đầu khai hoang mở đất.
V.N