Những người dùng ống kính để nhìn sâu hơn vào nét đẹp giản đơn của cuộc sống

Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, mỗi người đều có thể dễ dàng chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời. Tuy nhiên, ở mức độ cao hơn, những nhiếp ảnh gia không chụp ảnh cho vui mà họ sáng tác nghệ thuật qua những bức ảnh của mình.


Nhà báo Giản Thanh Sơn và câu chuyện với thời gian

Những bước ngoặt trong cuộc đời

Nhắc đến tên ông, khán giả nhớ đến một nhà báo mảng chính trị - ngoại giao, một nhiếp ảnh gia tâm huyết với nghề với bốn lần xác lập kỉ lục Việt Nam về mảng nhiếp ảnh - báo chí: Người chụp ảnh chân dung chính khách nhiều nhất (2005), Nhà nhiếp ảnh sở hữu bộ ảnh đất nước nhìn từ không trung nhiều nhất, "Dấu ấn hội nhập" - Bộ sách ảnh đầu tiên về hoạt động ngoại giao của Việt Nam (2011), Bộ sách ảnh đầu tiên về đảo và bờ biển Việt Nam (2015). Không ai khác đó chính là nhà báo - nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn với hơn bốn mươi năm tác nghiệp đầy đam mê và nhiệt huyết.

Được biết, từ nhỏ ông đã có một niềm yêu thích đặc biệt đối với nghề báo, khi mua những gói xôi sáng đi học, ông đều dành thời gian để đọc qua những mẩu tin nhỏ hằng ngày. Cho đến sau năm 1975, ông mới có cơ hội làm cộng tác viên cho toà soạn, đưa tin cho đài truyền thanh. Từ đó, ông bắt đầu hoạt động trên con đường báo chí của mình. 

Những ngày xưa ấy khi công nghệ chưa phát triển, người bạn đồng hành của những nhiếp ảnh gia là những chiếc máy phim cồng kềnh và bất tiện. Nhưng những khó khăn ấy không ngăn được cái tâm của người nghệ sĩ.


Quá trình thực hiện bộ ảnh “Không ảnh Đảo và Bờ biển Việt Nam”

Trong hơn 40 năm làm việc với chiếc máy ảnh, ông đã lưu lại rất nhiều chân dung của các chính khách từ nhiều quốc gia khác nhau, từ chủ tịch nước Cuba Fidel Castro, tổng thống An- giê-ri, đến chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết. Ngoài ra, bất kể tuổi tác và sức khoẻ của mình, cho đến hiện tại ông vẫn tiếp tục thực hiện và ấp ủ những dự án quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến với thế giới. Hình ảnh của một nhiếp ảnh gia nhìn xuống dải đất Việt Nam chữ S trên chiếc trực thăng qua ống kính với cả một niềm cảm mến, đam mê và đầy nhiệt huyết thật đẹp và đầy sức hút. Hiện tại, ông đã cho ra đời 5 công trình sách song ngữ với mục đích như trên, đồng thời nhận được danh hiệu “Tiến sĩ danh dự” của Học viện Đại học kỉ lục thế giới bởi công trình ấy.


Một trong những quyển sách đã xuất bản của ông

Chiêm ngưỡng các tác phẩm của ông, khán giả thấy được sự đam mê - nhiệt huyết - nhẫn nại - chịu khó của một người nghệ sĩ chân chính, không chịu lùi bước trước gian khó, thay vào đó là sự cố gắng theo đuổi để lưu giữ được khoảnh khắc đẹp nhất, hoàn mĩ nhất để chia sẻ với cộng đồng. Đối với ông, nhiếp ảnh là sự chờ đợi để nắm bắt được thần sắc của chủ thể, và ảnh chính là cả một quá trình sáng tác không ngơi nghỉ, chất chứa cái tâm, cái tình của con người với trái tim truyền cảm hứng.

“Cổ điển” giữa lòng hiện đại

Ngày nay, trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhịp sống tấp nập, con người càng ít có thời gian để thưởng thức những nét đẹp của cuộc sống hằng ngày. Nhưng đối với chàng nhiếp ảnh gia trẻ Thạch Thanh Bình, công nghệ càng tiên tiến đồng nghĩa với việc ta càng có nhiều phương tiện để lưu giữ những giá trị, khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ, bình dị của quá khứ và hiện tại giữa cuộc sống hối hả. Anh lưu lại những cảm xúc thật bình thường thôi, nhưng lại là hồn thơ của cả một bức ảnh, là tâm hồn của những con người đồng điệu.

Theo lời chia sẻ của anh, khi anh thực hiện bộ ảnh mang tên “25 năm gắn bó với cánh đồng” với nhân vật là cha mẹ mình. Bình mong muốn lưu giữ tất cả những khoảnh khắc dù nhỏ bé nhưng ý nghĩa nhất xung quanh. Với bối cảnh mộc mạc, giản đơn và nụ cười hạnh phúc của người cha, người mẹ, dẫu vất vả nhưng tin yêu cuộc sống trong những khung hình lại trở thành tiếng lòng chung của những người con xa xứ nhớ quê hương, nhớ về cha mẹ. Từ đó, người ta biết đến anh như một “quyển nhật kí của cảm xúc”. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, mỗi bức ảnh là một trang nhật ký chứa chan cảm xúc để lại trong lòng người thật nhiều dư vị, một chút gì đó bình yên giữa dòng đời.


Một bức ảnh trong bộ “25 năm gắn bó với cánh đồng”

Con đường định hình và theo đuổi sự nghiệp của của bất kỳ ai dường như lúc nào cũng có chông gai. Thời điểm Bình có được chiếc máy ảnh đầu tiên, mở studio riêng của mình đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ. Giữa một cộng đồng nhiếp ảnh với sự cạnh tranh của rất nhiều phong cách chụp khác nhau, tạo nên dấu ấn cho mình không hề dễ dàng. Bình cũng không vì những khó khăn ấy mà bỏ cuộc, anh kiên trì làm việc giúp đỡ cha mẹ và phát triển sự nghiệp, dùng ống kính nhìn sâu hơn vào nét đẹp giản đơn của cuộc sống, tạo cho mình phong cách riêng tự nhiên - chân phương - hoài niệm - bình yên.


Bình và "người bạn" đồng hành của mình

Anh mong muốn được mở một quán cà phê tại Đà Lạt, biến nơi đây thành quê nhà thứ hai, vừa để ngắm nhìn thành phố hoa xinh đẹp vừa để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong sự nghiệp. Anh lý giải cho sự lựa chọn của mình bởi sự thanh bình của phố hoa Đà Lạt mang đậm chất cổ điển, xưa cũ, hoài niệm chan chứa tình yêu gia đình, quê hương, đất nước sẽ lan rộng hơn nữa, đến với nhiều con tim yêu nghệ thuật. 

Một nhiếp ảnh gia người Pháp đã từng nói rằng “Nhiếp ảnh là nghệ thuật quan sát. Đó là việc tìm ra điều thú vị ở chốn tầm thường... Điều này chẳng liên quan gì đến sự vật ta nhìn mà hoàn toàn do cách ta nhìn sự vật”. 

Mỗi nhiếp ảnh gia có một phong cách, một lý tưởng, những công trình khác nhau mà mình muốn theo đuổi. Nhưng, họ là những người nghệ sĩ, họ tìm kiếm vẻ đẹp ẩn giấu, nắm bắt thần sắc và cảm xúc ngay trong từng khoảnh khắc ấy. Và qua những bức ảnh, ta thấy được con người sau ống kính, luôn yêu nghề, yêu cuộc sống, yêu những gì nhỏ bé nhất xung quanh mình.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9. 

Phạm Nhi