Những người phụ nữ và hành trình vượt qua giới hạn

Les Brown - một nhà diễn thuyết nổi tiếng đã từng nói: “Cuộc sống không có giới hạn, chỉ trừ những giới hạn do chính bạn đặt ra”. Nhưng đó có thật sự là giới hạn của bản thân mỗi chúng ta? Hay chỉ là những cánh cửa vô hình chưa ai dám mở?


Nguyễn Thị Kim Ngân – tác giả của 9 cuốn sách

“Vết xe đạp” trên những vì sao

Ngày ngày thời gian vẫn không ngừng trôi, mọi việc vẫn đi theo quỹ đạo của nó, chúng ta đều đang học tập và làm việc trong vòng tròn lặp đi lặp lại ấy. Thế nhưng, “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời”, ta đang sống chứ đâu đơn giản là tồn tại, ta có quyền tạo lập cho mình một bản thân cá biệt theo những cách riêng. “Tôi là ai?”, có bao giờ bạn tự hỏi mình như vậy? Mong muốn khẳng định mình trước cuộc đời? Chị Nguyễn Thị Kim Ngân – tác giả cuốn “Nào mình cùng đạp xe đến Paris”, vào năm 17 tuổi cũng đã từng đặt cho mình câu hỏi như thế.

Trong bức thư gửi em gái ở cuối tác phẩm “Nào mình cùng đạp xe đến Paris” , chị từng viết:

“Có bao giờ dù chỉ một lần trong đời em tự hỏi tôi là ai?
Tuổi 17, chị đã từng hỏi lòng mình như vậy.
Tuổi 22, chị đã tìm ra câu trả lời: một người viết. Bắt đầu từ đây, chị mới biết cảm nhận cuộc sống đa chiều bằng trái tim.
Tuổi 23, chị khắc khoải một ngày khám phá thế giới.
Tuổi 24, chị mang trái tim rỗng toác chờ được lên đường nhưng vẫn chưa đủ bản lĩnh để ra đi…

Tuổi 27, em còn nhớ khi chị dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng… Em đã nói “Đã đi thì phải tới đích, đừng có quay trở về”…”.

Vào cái tuổi mười bảy, ngay từ khi cô gái trẻ tự hỏi mình “Tôi là ai?”, cô đã xác định phải dành cả phần đời còn lại để tìm ra câu trả lời. Vì là con gái, gia đình chỉ mong Ngân đi theo nghề kế toán để có một công việc ổn định. Nhưng ngay từ nhỏ đã đắm mình trong những trang sách, được nhìn thấy thế giới rộng lớn ngoài kia qua những con chữ, chị biết rằng cuộc đời còn nhiều hơn chỉ những cơm, áo, gạo, tiền. Bởi sự thôi thúc ấy, khát khao muốn chạm tay đến những điều kì diệu, chị khởi đầu hành trình tìm kiếm ước mơ trong chính bản thân mình.

Từ năm 17 tuổi đến năm 25 tuổi, chị đã dành ra một khoảng thời gian rất-rất dài để tự khám phá bản thân. “Đó mới là cuộc hành trình vĩ đại nhất” – Kim Ngân chia sẻ. Trong quá trình ấy, chị nhận thức rất rõ ràng, mục tiêu sống và ước mơ phải hòa hợp, khả năng thực hiện mong muốn phải được đặt trong sự phân biệt rạch ròi giữa thực tế và ảo tưởng. Vì vậy sau khi đã viết và xuất bản chín tác phẩm đầy cảm hứng, chị mới khẳng định được ước mơ, lý tưởng của cuộc đời mình chính là “một người viết”, tự tin mang con tim tràn đầy nhiệt huyết, hy vọng vào đời.


Nguyễn Thị Kim Ngân và hành trình đạp xe cùng bạn trai đến Pháp

Không ai nghĩ rằng, một người phụ nữ trẻ như vậy đã từng đạp xe trong 291 ngày, đi qua 15 ngàn cây số,  11 vùng biên giới và lãnh thổ, tìm đến Paris - thành phố của những kẻ mộng mơ. Kim Ngân tự nhận mình là “chiến mã khao khát đồng hoang”, chạy đi đến những nơi xa tít tận chân trời. Như Thomas Carlyle đã từng nói “Hãy đi xa đến hết tầm mắt của mình, khi bạn tới đó, bạn sẽ nhìn được xa hơn nữa”. Chị đã lựa chọn xách ba lô lên, đi và trải nghiệm. Bước đi để thoát khỏi vòng suy nghĩ nhỏ bé, để khẳng định ước mơ của mình là xứng đáng, để sáng tác cho mình cái tôi đầy cá tính, vượt lên những giới hạn xã hội để chạm tới những vì sao.

Đối với chị, “Tuổi trẻ không có lý tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời” – Belinsky, ta phải tự biết khơi cho mình một dòng sông, luôn giữ ngọn lửa để theo đuổi nó và hãy biết rằng, mỗi sớm mai thức dậy, ta lại có thêm một ngày để thực hiện ước mơ, để theo đuổi những giá trị hạnh phúc mà bản thân đã chọn.

Từ trong nương rẫy vươn lên một trái tim kiên cường

Ở đâu đó trên những miền cao, hình ảnh những người phụ nữ dân tộc thiểu số còn trẻ với đàn con nheo nhóc vây quanh vẫn còn khá quen thuộc. Đa số họ phải dừng việc học và kết hôn từ rất sớm, như một lịch trình được định sẵn cho số phận. H’Ăng Niê, một cô gái xuất thân từ dân tộc Êđê, sống trong rừng và ngăn cách với thế giới bằng nhiều dòng suối, thác gập ghềnh, dường như sẽ có một cuộc đời được định sẵn như thế. 

Trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”, xuất hiện trước khán giả, H’Ăng Niê đang là một người mẫu chuyên nghiệp, đã từng tốt nghiệp đại học Sư phạm chuyên ngành Lịch sử và hiện đang tham gia đào tạo về kỹ năng sống cho các bạn trẻ. Chị đã làm được điều đó như thế nào?


Người mẫu chuyên nghiệp và tự tin H’ Ăng Niê

Khi được Tùng Leo hỏi về “Những đeo đuổi của bạn với chính con người của bạn”, H’Ăng Niê đã chia sẻ, rào cản lớn nhất khi chị muốn thoát ly khỏi môi trường sống của buôn làng chính là tư tưởng của những người trong gia đình chị: “Con gái thì học làm gì?”. Những người bạn đồng trang lứa đến giờ đã có 3-4 người con, 17-18 mà chưa lấy chồng thì bị cho là “ế”. Họ không có suy nghĩ gì nhiều về đam mê hay những mục tiêu của cuộc đời và chỉ mong lập gia đình sớm ổn định để sản xuất kinh tế, sinh con nối dõi. Nhưng, H’Ăng Niê không muốn đi theo vết xe đổ đó, cả đời chỉ quanh quẩn trong nương rẫy. Cũng là phụ nữ dân tộc thiểu số, chị lại nhìn đời bằng một ánh mắt khác, chị tiếp tục theo đuổi sự học và vươn ra xã hội rộng lớn, quyết định sống cuộc đời do mình lựa chọn.

Mong muốn ban đầu thuở đôi mươi là được làm cô giáo đem cái chữ về cho buôn làng mình chưa có cơ hội thực hiện. H’Ăng Niê lại dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để tìm kiếm cơ hội chuyển mình khác. Ngành người mẫu mà chị theo đuổi lại bị gia đình cho là nhạy cảm, trái với những lệ làng truyền thống. Bao nhiêu gian nan, thử thách cũng như sự cạnh tranh khắc nghiệt của nghề chưa hề làm chị chùn bước. Chị đã vững vàng bước đi, tỏa sáng trên sân khấu bằng chính thực lực của mình, và tỏa sáng trong đời thường bởi phẩm chất làm người lễ phép, hòa đồng và cầu tiến. Bước qua giới hạn và định kiến, những giá trị mà H’Ăng Niê mang lại cho quê hương mình đã trở thành điều mà chính bản thân chị và gia đình tự hào.


H’Ăng Niê chia sẻ về ước mơ của mình

H’Ăng Niê mong muốn trong tương lai sẽ được học nhiều hơn nữa, để có những bước đi thật vững chắc và một bản thân hoàn thiện nhất với con đường mình đã chọn. Chị mong muốn làm nhiều hơn các dự án cộng đồng, tiếp sức cho các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Và hơn hết, loại bỏ những hủ tục và định kiến đối với người phụ nữ, thúc đẩy nữ quyền của phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng và Việt Nam nói chung, để ai cũng có sự công bằng và quyền tự chủ trong cuộc sống của mình.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9. 
Phạm Nhi