Gặp một người khiếm thính, đa số chúng ta đều lúng túng nếu cần giao tiếp bởi vì họ có cách nói riêng thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Nên để hiểu họ, chúng ta cũng phải học cách nói ấy từ những chữ abc đầu tiên.
Lớp học tiếng Anh cho học sinh khiếm thính
Thầy Phạm Hữu Thịnh – giáo viên dạy tiếng Anh
Thầy Phạm Hữu Thịnh đã mô tả tâm trạng “hoảng loạn” trong suốt 2 tuần đầu, khi tiếp xúc với các em trong chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thính. Trong tầm mắt của thầy, các em “quơ tay múa chân” đến hoa cả mắt mà hai bên vẫn không thể hiểu nhau, thì làm sao mà dạy học?
Không nản chí, thầy Thịnh tự động viên mình phải cố gắng và kiên trì. Nhớ tại phương pháp trực quan sinh động mà mình đã được trải nghiệm ở các lớp dạy học của người nước ngoài, thầy chiếu bài học lên màn hình kết hợp với vô số trò chơi, hoạt động đội nhóm giúp các em hiểu bài sâu và nhanh. Thêm vào đó, thầy Thịnh còn học ngôn ngữ ký hiệu để bắt kịp suy nghĩ của các em. Lâu dần, thầy và trò ngày càng hợp ý, nên có những điều chẳng cần “nói” ra cũng được phối hợp rất nhịp nhàng.
Các em rất ham học, ham hiểu biết. Có em 15-16 tuổi, đem nguyên cái điều khiển tivi vào lớp, hỏi thầy từ stop (dừng), play (chơi) là gì? Có em chuyển giao diện facebook qua tiếng Anh rồi nhờ thầy dịch nghĩa của share (chia sẻ), tag (gắn thẻ) để vừa chơi vừa học. Điều đáng nói là những kiến thức trên đã rất quen thuộc đối với trẻ bình thường từ độ tuổi 6-7.
Chênh lệch trình độ khá nhiều khiến thầy Thịnh băn khoăn. Khiếm thính là lỗi của tạo hoá, nhưng quyền được học hành, được chăm sóc thì trẻ em nào cũng như nhau. Vì vậy, thầy Thịnh đã quyết định gắn bó lâu dài với các em thông qua dự án “Hear us now” (lắng nghe chúng tôi). Trong dự án này, các em được học ngoại ngữ, được dạy kỹ năng sống, hướng nghiệp và đào tạo nghề, để khi trưởng thành các em có thể tìm việc làm, nuôi sống bản thân và gia đình.
Thầy Phạm Hữu Thịnh - quản lý dự án "Hear us now"
Thông qua chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”, thầy Thịnh nhắn nhủ đến học trò của mình: “Nếu các em thích một ngôn ngữ hay kiến thức mới nào đó, các em hãy cố gắng đến cùng. Người lớn và thầy sẽ hợp sức lại để giúp các em”. Câu nói đã khẳng định trên hành trình xây dựng cuộc sống, các em sẽ không cô đơn, thế giới của các em không chỉ có chính mình mà còn có những người bạn, người thầy đến từ cộng đồng, kết nối các em vào vị trí mà các em xứng đáng được hưởng trong xã hội. Cố gắng của thầy Thịnh mỗi ngày khiến cho ngọn lửa tin yêu cuộc sống sẽ không bao giờ tắt trong tâm hồn trẻ thơ và trong lòng của các tình nguyện viên cùng tham gia dự án Hear us now.
Thầy Nguyễn Huy – Huấn luyện viên cầu lông cho người khuyết tật
Có một người thầy chăm lo về thể chất cho cộng đồng người khuyết tật được nhiều người biết đến, đó là thầy Nguyễn Huy – nhân vật của chương trình Khoảnh khắc cuộc đời tập 42.
Dạy thể thao cho người khuyết tật từ năm 1997 theo yêu cầu nhiệm vụ, đến năm 2003, thầy được mời ra Hà Nội huấn luyện cho đội tuyển thể thao khuyết tật cầu lông Việt Nam. Chính trong thời gian này, một sự kiện đã xảy ra khiến việc huấn luyện cho người khuyết tật không còn là nhiệm vụ mà đã trở thành tâm huyết của thầy Huy.
Trong một buổi tập huấn, khi các vận động viên không hoàn thành định mức giáo án yêu cầu, thầy đã tức giận ném chiếc đồng hồ huấn luyện xuống sàn đấu. Thái độ nôn nóng đó, nảy sinh do vô tình đặt tiêu chuẩn rèn luyện của người bình thường lên người khuyết tật, khiến thầy lo lắng mình đã làm tổn thương người học. Ấy vậy mà trò mừng lắm. Mừng vì nhận được thái độ quan tâm nghiêm túc, mừng vì trong suy nghĩ của thầy, họ không phải là người khuyết tật.
Luyện tập thể thao bình thường đã khó, luyện tập để đạt thành tích trong các giải thi đấu đỉnh cao lại càng là một hành trình gian khổ, thậm chí có người đã không thể đi đến mục tiêu cuối cùng. Người khuyết tật phải chiến thắng chính mình, vượt qua ngưỡng chịu đựng của người bình thường và ngưỡng chịu đựng của chính họ mới có thể thành công.
Trong số những học viên bộ môn cầu lông mà thầy Huy huấn luyện, có một vận động viên đã kiên trì mài giũa suốt 6 năm, sau khi thua đối thủ người Malaysia tại Para games (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á) Việt Nam 2003, để trở thành người chiến thắng trong trận chung kết không cân sức tại Para games 2008. Thể thao đã giúp vận động viên ấy tìm lại sức mạnh và niềm tin vào bản thân. Giờ phút anh trở thành quán quân cuộc thi, giành lại vinh quang cho đất nước, cũng chính là khoảnh khắc cuộc đời tuyệt vời và tự hào nhất của thầy Nguyễn Huy.
Đoàn thể thao Việt Nam tại Asian Para Games - 2008
Phía sau những thành tích đỉnh cao luôn có hình bóng của người thầy, sự đam mê và quá trình luyện tập của học viên. Trong đó, người thầy có vai trò như một đòn bẩy giúp cho vận động viên của mình rèn luyện “sâu” về mục tiêu, về độ chuyên cần và ý chí trong hoạt động thể thao. Thầy cũng chính là kim chỉ nam định hướng chiến lược luyện tập, chiến lược tâm lý… đưa vận động viên đi đến thành công cuối cùng.
Trong cả hai câu chuyện, rõ ràng việc gắn bó với người khuyết tật không phải là mục tiêu ban đầu mà những người thầy của chúng ta đề ra. Nhưng chuyển biến trong nhận thức về mục đích giáo dục đã nâng nghề dạy học cho người khuyết tật lên tầm cao và trở thành sự nghiệp “giáo dục cho những đối tượng yếu thế trong xã hội”. Họ, những người thầy, đã trao cho học trò của mình cơ hội học tập bình đẳng, hy vọng vào tương lai tươi sáng và quan trọng nhất là niềm tin vào chính bản thân mình.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22h45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Thủy Nguyễn