Các khách mời, cũng như diễn thuyết gia Francis Hùng trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” đều thống nhất quan điểm cho rằng, gia tăng giá trị nông sản là một cách giúp nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Anh Phạm Văn Công – giám đốc công ty cổ phần Dori, chuyên kinh doanh các sản phẩm từ tỏi Lý Sơn
Kỹ sư Phạm Văn Công trở về với đồng tỏi Lý Sơn
Được sinh ra và lớn lên từ huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, anh Phạm Văn Công cũng như những người dân nơi đây đều tự hào về cây tỏi, được mệnh danh là vàng trắng của vùng đất quê hương. Tỏi Lý Sơn có những đặc trưng riêng biệt, không thể nhầm lẫn với các giống tỏi khác trên thị trường. Từ những tép tỏi nhỏ, thịt trong, đến vị thanh ngọt nhẹ nhàng mà tinh túy, có mùi thơm dễ chịu khi giã nhuyễn, đến sắc trắng thanh tao nhẹ nhàng của vỏ bọc, cùng kích thước nhỏ nhắn từ 2-4 cm, chỉ bằng 1/3 củ tỏi thông thường khác.
Biết rõ về đặc điểm tỏi Lý Sơn và sự yêu thích của người tiêu dùng đối với nông sản này, anh Công không khỏi bức xúc, trăn trở khi các sạp chợ lan tràn nhiều giống tỏi xa lạ được đóng gói với nhãn mác tỏi Lý Sơn. Anh quyết định trở về với đồng tỏi, giúp đặc sản quê hương giữ gìn thương hiệu, gia tăng giá trị và sản lượng trên thị trường.
Trên vùng đảo quê nhà, anh đã tập hợp, liên kết các hộ dân sở hữu vài trăm mét vuông đất trồng riêng lẻ thành một vùng canh tác trên 2 hecta để tăng quy mô, áp dụng quy trình sản xuất Viet Gap và dời xưởng lên men tỏi đen từ TP. Hồ Chí Minh về vùng nguyên liệu trên đảo để tiếp tục chế biến tỏi thành phẩm có giá trị sử dụng và xuất khẩu cao.
Trên đảo Lý Sơn
Tháng 7 năm 2018, khi Hội Kỷ lục gia Việt Nam tiến hành bình chọn 15 nông sản Việt Nam được yêu thích nhất thì trong đó, tỏi Lý Sơn đứng đầu. Tuy nhiên, để bước ra thị trường thế giới thì đặc điểm tép nhỏ của tỏi Lý Sơn lại trở thành rào cản đáng kể. Không để sản phẩm hồn cốt của đất mẹ bị từ chối, chê bai, anh Công lại càng quyết tâm đầu tư vào khâu chế biến để cho ra những thành phẩm tốt về công dụng, đạt về mĩ quan, gia tăng giá trị cho nông sản rồi mới xuất khẩu.
Mong muốn giúp tỏi Lý Sơn trở thành nhóm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra nước ngoài trong tương lai, anh Công hy vọng được sự hỗ trợ từ các cấp quản lý, tạo điều kiện dồn điền đổi thửa, mở rộng vùng canh tác, đưa công nghệ thân thiện với môi trường và sức khỏe người nông dân vào quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, đồng thời nâng cao đời sống của người dân nơi đây.
Lê Nguyễn Ngọc Quỳnh – Người mang sen đi khắp năm châu
Không trực tiếp sinh trưởng trên vùng đất Cao Lãnh, Đồng Tháp, tình yêu hoa sen được truyền đến Lê Nguyễn Ngọc Quỳnh qua một người bạn là thạc sĩ hóa học đã có dịp du học cùng cô bên Pháp. Anh yêu sen, mong muốn làm điều gì đó cho quê hương mình. Họ đã cùng nhau nhen nhóm dự án và khởi nghiệp từ sen.
Chị Lê Nguyễn Ngọc Quỳnh – Giám đốc kinh doanh thương hiệu Ecolutus
Sen Đồng Tháp nở rộ và đẹp nhất vào mùa hè. Để lưu giữ vẻ đẹp thuần khiết nhưng ngắn ngủi đó, họ thay nhựa sống tự nhiên của lá sen, thân sen, hoa sen để kéo dài tuổi thọ rồi đưa vào “sản xuất”.
Từ màu hồng óng ánh trong trắng, đến những đường gân mảnh mai trên lá đều được thể hiện thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo không trùng lắp. Những sản phẩm có thể kể đến như tranh sen 3D trang trí nội thất, hoa sen sấy cắm nghệ thuật, quạt lá sen, sen trang trí trên sản phẩm túi sách, bìa sổ, bút viết... Một trong những sản phẩm đó vinh dự làm quà tặng cho những chính khách Úc trong một chuyến công du Việt Nam gần đây.
Những sản phẩm từ sen ứng dụng vào trang trí mĩ thuật
Theo truyền thống, sen được khai thác nhiều nhất trong ẩm thực và du lịch sinh thái. Hình thức này phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và chu kỳ sinh sống của sen. Chị Ngọc Quỳnh cùng người bạn của mình đã khắc phục được nhược điểm đó bằng cách chế tác sen sấy khô, mở ra hướng khai thác lâu dài và ổn định cho những cánh đồng sen.
Xử lý và chế tác sen
Được biết sen là loại cây có khả năng lọc phèn nên chị Ngọc Quỳnh có kế hoạch hướng dẫn nông dân vùng Đồng Tháp canh tác sen chuyên nghiệp, vừa mở rộng vùng nguyên liệu vừa cải thiện nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt cho người dân.
Không ngại khó để mở ra hướng đi mới trên cơ sở chú trọng nguồn nguyên liệu và những giá trị hiện có của quê hương, anh Phạm Văn Công và chị Lê Nguyễn Ngọc Quỳnh là hai con người tiêu biểu cho phương pháp khai thác nông nghiệp bền vững, hiệu quả, đem lại lợi ích cho mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”, phát sóng lúc 22g45 các ngày trong tuần trên HTV9.
Xuân Long