Những thông điệp ấn tượng về ngày Tết ở “Tiếu lâm nhạc hội”

Bên cạnh tiếng cười sảng khoái, khán giả đã có những phút giây lắng đọng trước những tiết mục giàu ý nghĩa mà các nhóm kịch đã mang lại trong các đêm thi có chủ đề Mùa Xuân.


Các thành viên nhóm Son với tiểu phẩm "Đòi nợ cuối năm"

Tết đầm ấm 

Nhắc đến Tết là nhắc đến niềm vui, niềm hạnh phúc khi được quây quần, sum họp với gia đình, người thân, bạn bè. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những người, dù Tết đến xuân về, vẫn đang tha hương, thậm chí phải giấu mình khắp nơi vì... trốn nợ. Đồng cảm với những hoàn cảnh đó, nhóm Son đã quyết định đem tiểu phẩm Đòi nợ cuối năm lên sân khấu Tiếu lâm nhạc hội với sự tham gia của các thành viên: Tuấn Kiệt, Tâm Anh, Phương Lan, Cẩm Hò, Thanh Phượng. 

Trong tiểu phẩm, Tâm Anh – Thanh Phượng bao phen khốn đốn để đi đòi nợ từ đôi vợ chồng Tuấn Kiệt – Phương Lan đã vay 6 năm. Khó khăn lắm, Tâm Anh mới lấy lại được số tiền lớn, nhưng chưa bao lâu, số tiền ấy lại quay về với chủ nợ của Tâm Anh là Cẩm Hò. Tưởng mọi chuyện kết thúc thì mọi người lại chứng kiến bất ngờ lớn nhất, vợ chồng Tuấn Kiệt lại chính là chủ nợ của Cẩm Hò.

Quan hệ chủ nợ - con nợ xoay vòng làm người xem bấn loạn nhưng lại vô cùng hài hước, không nhịn được cười. Cuối cùng, dù là con nợ hay chủ nợ thì mong muốn chung đều là một cái Tết đầm ấm, vui tươi và an lành bên cạnh người thân tại mảnh đất quê hương thân thuộc.

"Tết ơi" - Thông điệp ý nghĩa

Nhóm Hảo Hảo với tiểu phẩm mang tên Tết ơi. Tiểu phẩm là câu chuyện về một cặp vợ chồng già từ quê lên thành phố thăm con dịp Tết. Vì đã 3 năm trôi qua mà đứa con và vợ mãi bận rộn với công việc đến nỗi không có thời gian về quê, thế là đôi vợ chồng già chẳng ngại đường sá xa xôi lên ăn Tết cùng các con.

Thế nhưng cũng tại đây, cuộc sống thành thị lạ lẫm cùng những khác biệt giữa cha mẹ chồng và con trai, con dâu đã tạo nên những hiểu lầm không đáng có. Tuy nhiên, cũng chính từ những hiểu lầm đó mà các thành viên trong gia đình dần hiểu nhau hơn, cùng nhau đón một cái Tết đoàn viên, hạnh phúc.

Với thông điệp "Chỉ có Tết đoàn viên mới làm gia đình hạnh phúc", Dương Thanh Vàng cùng các thành viên nhóm Hảo Hảo đã rất thành công khi xây dựng một câu chuyện vừa thú vị, hài hước lại vừa có thể truyền được ý nghĩa đáng quý. Đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất mỗi dịp xuân về là cả nhà được quay quần bên nhau. 


Nhóm Hảo Hảo với tiểu phẩm mang tên "Tết ơi"

Ấm áp tình quê 

Mỗi dịp Tết đến xuân về là người người nhà nhà đều nôn nao chuẩn bị đón Tết. Đó không chỉ là tâm lý chung của người dân trên đất Việt mà kiều bào hải ngoại cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong lòng những người con xa xứ luôn có một nỗi niềm riêng mỗi khi Tết đến, đó là nỗi nhớ quê da diết, nhớ gia đình, bạn bè cùng bà con hàng xóm láng giềng, song song đó là nỗi lo chi phí lớn. 

Hiểu được điều đó, nhóm Hey Men đã tái dựng tiểu phẩm mang tên Ấm áp tình quê xoay quanh anh chàng Việt kiều tên Tài và thái độ của những người bạn, người hàng xóm láng giềng khi nghe anh về nước. 

Tiểu phẩm không chỉ hài hước mà còn thấm đẫm tính nhân văn của nhóm đã đem đến những tràng cười sảng khoái bên cạnh đó là những phút giây suy ngẫm cho khán giả. Nhóm Hey Men hy vọng thông qua tiểu phẩm này, khán giả có thể hiểu và thông cảm cho những khó khăn vật lộn của những đứa con xa quê, để cho sự trở về, sự đoàn tụ không phải gợn những toan tính, mệt mỏi, mà chỉ là những giây phút nồng ấm trên chặng đường nặng gánh mưu sinh. 


Nhóm Hey Men hy vọng thông qua tiểu phẩm này, khán giả có thể hiểu và thông cảm cho những khó khăn vật lộn của những đứa con xa quê

Bao giờ lấy chồng?

Bên cạnh tiền nong, quà mừng Tết, "Bao giờ lấy chồng?" cũng là một vấn đề "gây nhức nhối" cho nhiều người. Ông bà xưa có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, có những gia đình, các bậc làm cha làm mẹ rất lo lắng khi con cái tới tuổi dựng vợ gả chồng nhưng vẫn chưa có ai “xin cưới hỏi”. Trong khi đó, cũng có những phụ huynh không muốn con mình lấy chồng sớm vì sợ con mình khổ, bị tổn thương. 

Nhân vật của Duy Khương trong trong tiểu phẩm Bao giờ lấy chồng? là một phụ huynh như vậy. Bà luôn ra sức cấm cản 4 cô "Tiên" là Hữu Đằng - Tiên, Ngọc Hoa - Tiên, Trà Ngọc - Tiên và Xuân Tiến - Tiên yêu đương dù chị cả Hữu Đằng - Tiên cũng đã ngoài 40 tuổi. 

Năm mẹ con cứ thế "ru rú" trong nhà, không tiếp xúc với bất kì người khác giới dù đó là ngày Tết đến xuân về, cho đến khi một chàng trai bất ngờ xuất hiện và gây nên không ít những xáo trộn trong căn nhà nhỏ. Để rồi "mẹ Duy Khương" nhận ra trái tim vẫn luôn có lý lẽ riêng của nó, các cô con gái của bà đều đã lớn và họ có quyền tự quyết định cuộc sống của mình, dù đau khổ hay hạnh phúc.

Tiết mục "nói trúng tim đen" của nhiều bậc phụ huynh và những người con đã giúp nhóm Sức Sống Trẻ nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ khán giả.


Sức Sống Trẻ nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ khán giả

Thanh xuân 

Nghĩ đến Tết, mọi người thường hay nghĩ đến không khí vui tươi, rộn ràng hay sự đoàn tụ của gia đình. Tuy nhiên, với tiết mục Thanh xuân, nhóm Kịch Nắng đã đem đến một khía cạnh khác mà rất ít người nghĩ đến khi nhắc về Tết, đó chính là mỗi cái Tết qua đi, mỗi chúng ta lại già thêm một tuổi.

Sự tàn nhẫn của tạo hóa có lẽ là thời gian, bởi khi thời gian đi qua sẽ không bao giờ lấy lại được, kể cả có nhiều tiền đi chăng nữa. Thời gian có một “quyền lực” tuyệt đối vì nếu bỏ lỡ nó sẽ cuốn đi tuổi trẻ, cuốn đi cái mà mọi người vẫn hay gọi là thanh xuân. 

Theo dõi tiết mục Thanh xuân của nhóm Kịch Nắng, khán giả đã một lần nữa được sống lại những giây phút thanh xuân, cùng với các ông già, bà cả trong viện dưỡng lão để qua đó biết thêm trân trọng hiện tại, trân trọng thanh xuân mà mỗi người đang sở hữu. 

Với một thông điệp ý nghĩa và thực tế đó, nhóm Kịch Nắng đã đem đến cho khán giả Tiếu lâm nhạc hội một phần thi ngập tràn cảm xúc, đặc biệt là MC Sam, cô đã rơi nước mắt trong cánh gà khi chứng kiến câu chuyện mà nhóm đem đến.


Kịch Nắng đã đem đến một khía cạnh khác mà rất ít người nghĩ đến khi nhắc về Tết

Thanh Nga