NSND Trọng Hữu có giọng ca đẹp, ấm, truyền cảm; có phong cách nghệ thuật riêng, nên hàng chục năm qua, ông vẫn được đông đảo công chúng ái mộ.
Khán giả hay gọi Trọng Hữu là "Người nông dân hát cải lương" vì những vai diễn của ông đa số đều đi chân trần, xuất thân ở vùng sông nước Nam Bộ và những vai diễn đó đều chân chất, mộc mạc, đậm chất miền quê
Cái duyên với nghề
Nghệ sĩ Trọng Hữu tên thật là Đặng Trọng Hữu, sinh ra và lớn lên ở đất Phụng Hiệp, Cần Thơ trong một gia đình đờn ca tài tử. Công chúng biết đến bởi anh là danh ca vọng cổ được yêu thích với hàng trăm bài tân cổ được thu và phát trên sóng phát thanh.
Lớn lên ở miền sông nước dân ca, nên những câu hò điệu lý mênh mang của vùng sông nước Nam bộ là những gì rất đỗi gần gũi, thân thương đối với chàng trai đất Phụng Hiệp. Hơn nữa, được thừa hưởng gen của gia đình nên ngay từ nhỏ, Trọng Hữu đã sớm bộc lộc năng khiếu, để rồi anh đến với sân khấu như một cái duyên.
Vai diễn đầu tiên của anh trên sân khấu đoàn Nhân dân Kiên Giang là vai tướng cướp Đại Thành trong vở Tình yêu và tướng cướp. Với tư cách là phó đoàn phụ trách nghệ thuật, Trọng Hữu đã mạnh dạn đề nghị Ban lãnh đạo mời những đạo diễn tên tuổi ở thành phố như: Đoàn Bá, Diệp Lang, Trần Ngọc Giàu, Thanh Điền… về dựng cho đoàn những vở diễn mới như: Hàn Mạc Tử, Trọn đời chỉ yêu em, Con thuyền không bến, Lan và Điệp, Tình ca biên giới… Những vở diễn mới ra mắt được công chúng đón nhận nồng nhiệt và tạo được tiếng vang.
Khi về cộng tác với đoàn cải lương Tây Đô, nghệ sĩ Trọng Hữu có một vai diễn rất thành công, đoạt HCV ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1995, đó là vai Phương trong vở Loài hoa không tên.
Năm 10 tuổi, Trọng Hữu đã theo ông nội ngồi ca ở đám cưới, hội đình, liên hoan sau mùa gặt rồi học đàn. Từ đó, cuộc đời ông gắn liền với sân khấu
Ở cái tuổi nhiều bạn diễn cùng thời đã chọn cách nghỉ ngơi hoặc rời xa sân khấu, nhưng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trọng Hữu vẫn cần cù, nghiêm túc sáng tạo, vẫn kín lịch đi hát khắp đồng bằng và miệt mài cống hiến cho sân khấu cải lương.
Với thành tích hoạt động nghệ thuật xuất sắc, năm 1997 – Trọng Hữu được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Trọng Hữu là một trong các nghệ sĩ kháng chiến, tiếp tục phát triển sự nghiệp cải lương, gặt hái được nhiều thành công trong thời bình.
Đầu năm 2016, NSƯT Trọng Hữu được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Trọng Hữu từng chia sẻ rằng, đây là niềm vui bất ngờ bởi nếu dựa vào tiêu chí huy chương thì anh không đủ chuẩn. “Tôi rất vui sướng và hạnh phúc khi được Đảng và Nhà nước quan tâm. Khi mới đi hát, tôi chỉ mong sao mình hoàn thành mọi nhiệm vụ do cấp trên giao và hát làm sao cho khán giả thương mến, yêu thích mình là được rồi, chứ không ước mơ cao xa. Nhận được danh hiệu NSND, tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để tiếp tục cống hiến cho đời, cho nghề, đáp lại những kỳ vọng, yêu thương từ mọi người. Đó là cách tốt nhất mà tôi trả ơn cho Tổ nghiệp, cho những khán giả lâu nay đã hết lòng yêu quý tôi” - NSND Trọng Hữu bày tỏ.
Năm 1976, nghệ sĩ Trọng Hữu là giọng ca nổi tiếng trên Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khi ca chung các bài vọng cổ với những nghệ sĩ: Lệ Thủy, Mỹ Châu,Thanh Kim Huệ, Minh Vương, Thanh Tuấn,…
Những dấu ấn đẹp
Những năm hoạt động nghệ thuật, cuộc đời có biết bao thay đổi, nhưng nhìn lại các vai do nghệ sĩ Trọng Hữu thể hiện, dường như chỉ có dạng vai kép mùi. Anh cười bảo rằng: “Có lẽ tôi đã lớn lên bên bờ đê, ruộng lúa nên hình ảnh người nông dân đã trở nên rất gần gũi, thân quen với mình. Do vậy, tôi rất tự tin khi hóa thân vào số phận của những người nông dân nghèo khổ, yêu thầm trộm nhớ người ta nhưng không dám thổ lộ hoặc “nghĩa hiệp” cưu mang những người bị tình phụ...”.
Bên cạnh lối diễn xuất chân phương, NS Trọng Hữu còn khiến người xem yêu mến bởi giọng ca ngọt ngào, trầm ấm, đặc biệt là luôn có một chút gì đó nghèn nghẹn ở cuối câu khiến người nghe cảm thấy nao nao trong dạ. Anh rất thích hát những bài vọng cổ vì nội dung ngắn gọn, nhưng chuyển tải được sâu xa những cung bậc tình cảm. Hát chung với nhiều nghệ sĩ, mỗi người đều để lại những dấu ấn riêng nhưng người nghệ sĩ mà anh cảm thấy diễn ăn ý với mình nhất là NSND Lệ Thuỷ. Nhắc đến đây, có lẽ khán giả mộ điệu sân khấu cải lương không thể nào quên được họ trong một chuyện tình buồn của Lan và Điệp, một mối tình đậm đà, thủy chung của nàng Mai Đình với thi nhân Hàn Mạc Tử, một bi kịch tình yêu của Nguyệt và Minh… Chính những vai diễn này đưa họ đến với giải thưởng đôi nghệ sĩ được yêu thích nhất (giải thưởng báo Sân khấu TP. Hồ Chí Minh).
NSND Trọng Hữu và NSNS Lệ Thủy trong chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” của HTV - số 202 tổ chức tại Hậu Giang
Nếu như trên sân khấu, những vai diễn chân chất, hiền lành của anh luôn chiếm được nhiều tình cảm của khán giả thì giữa đời thường, anh cũng chọn cho mình một cuộc sống giản đơn, bình lặng. Anh cho rằng: “Tôi luôn sống thật với mình, không muốn hơn thua. Đôi khi, dù vô tình tôi nói lỡ lời làm ai đó không vui, tôi cảm thấy ray rứt có khi đến mất ngủ”.
Trong nhiều năm qua, Trọng Hữu là một trong những nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương. Phần lớn đào kép chánh nổi danh đều sống tại TP. Hồ Chí Minh, các đoàn cải lương các tỉnh miền Tây, miền Trung hiếm khi có tên tuổi nào trụ lại lâu và tỏa sáng ngoài Trọng Hữu bên kép, Thanh Nam bên hề và Phượng Loan bên đào. Ngoài ra, NSND Trọng Hữu đã nhận nhiều học trò, anh dìu dắt họ đến với nghề, chỉ dẫn để họ phát huy tài năng trong hoạt động nghệ thuật.
Từng diễn nhiều vai bi kịch đến quặn lòng nhưng ở đời thường, NSND Trọng Hữu lại là người vui tính. Anh hiếm khi làm phiền lòng ai, cứ dung dị như bản tính vốn có của một người nông dân cần cù, chất phác.
Nguyễn Hợp