Theo tôi, nghệ sĩ làm nghề không biết bao lâu là đủ cả. Mỗi giai đoạn, họ phải học để tiếp cận vốn nghệ thuật mới, hết học thì đi dạy. Người làm nghề đã có một vai diễn hay, một tác phẩm để đời thì họ cứ muốn làm mãi.
NSND Việt Anh cho rằng, nghệ thuật là kho kiến thức rộng lớn mà người nghệ sĩ phải học hỏi cả đời
Nghệ sĩ phải học cả đời
Tôi là một nghệ sĩ đã có mấy chục năm gắn bó với màn ảnh Việt, từ các vở diễn sân khấu đến các bộ phim truyền hình, đặc biệt là các bộ phim truyền hình của HTV như: Mùi ngò gai, Tỷ phú tưng, Gia đình phép thuật... Vậy nên, quan niệm làm nghề của tôi khác với những bạn trẻ bây giờ.
Với tôi, làm nghệ sĩ không phải chỉ vì nổi tiếng, nghệ sĩ là phải cống hiến. Nếu một nghệ sĩ được xem là nổi tiếng nhưng họ lại không có tác phẩm để đời thì cũng bằng thừa. Nghệ thuật là kho kiến thức rộng lớn, tôi nghĩ cần phải học cả đời, 30 - 40 năm cũng vẫn phải học.
Từ trước đế giờ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nghệ sĩ nổi tiếng, người ta biết đến tôi qua những vai diễn hay, nhưng nếu tôi không có tác phẩm nào làm khán giả nhớ đến thì cũng bị đào thải. Nghệ sĩ và người nổi tiếng khác nhau nhiều lắm. Người nổi tiếng là người được nhiều người biết đến, còn nghệ sĩ là người đi tìm cái đẹp cùng với khán giả. Nghệ sĩ như chúng tôi sinh ra là để cống hiến nhiều hơn.
Khi làm nghề, NSND Việt Anh không quan trọng đó là vai chính hay phụ
Nhắc đến chuyện vai chính hay phụ, liệu điều đó có quyết định đến danh tiếng của một nghệ sĩ? Riêng với tôi, vai diễn nào cũng được, miễn sao mình làm tròn vai. Ai cũng đòi vai chính thì vai phụ để cho ai. Chưa bao giờ tôi giành vai, dù vai lướt qua cũng được, nhưng nó phải có câu chuyện.
Tôi nhớ ở vở Dạ cổ hoài lang, người được quyền lựa chọn vai là tôi, nhưng tôi không chọn vai chính. Lúc đó, tôi có hỏi Công Ninh rằng, vở diễn này chỉ đơn thuần là nghệ thuật hay nghệ thuật bao gồm cả tính nhân văn. Khi Công Ninh nói rằng nghệ thuật bao gồm cả tính nhân văn, tôi chọn vai ông Năm. Tôi tin mình sẽ làm cho nhân vật ông Năm thêm thú vị.
Và đúng như thế, vai diễn này chỉ có 5 -7 câu thoại còn lại là do tôi chế ra. Ông Năm vào vai đối trọng với ông Tư, tạo nên một hệ thống nhân vật vừa bi vừa hài, tự dưng vở đó hấp dẫn. Tôi đảm bảo nếu tôi đóng ông Tư - vai chính, thì nhân vật ông Năm sẽ không làm được như vậy ở diễn viên khác. Việc NSƯT Thành Lộc vào vai ông Tư tạo thành cái trụ, tôi vào vai ông Năm là bông hoa tô điểm thêm cho nó hấp dẫn. Và vai diễn đó cũng giúp tôi giành giải thưởng Diễn viên xuất sắc nhất toàn quốc.
Nam nghệ sĩ gạo cội và NSƯT Thành Lộc là cặp đôi ăn ý trên sân khấu
Với mỗi người, danh hiệu còn tùy mỗi người cảm nhận. Còn tôi, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) hay Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) là sự công nhận của nhà nước. Nhưng danh hiệu cao quý nhất phải là “Nghệ sĩ của nhân dân”, tôi nghĩ cần phải thêm chữ “của” vào trong đó nữa. Bởi người làm nghề được công nhận là NSND mà chính người dân không biết người đó là ai, tức là họ không xứng đáng với danh hiệu đó.
Sitcom, truyền hình hay điện ảnh đều có một thế mạnh riêng
Gần đây, tôi tham gia nhiều ở lĩnh vực phim sitcom bởi có những lý do đằng sau. Thật ra, người nghệ sĩ ngoài nhu cầu nghệ thuật, còn có nhu cầu về kinh tế. Việc tham gia sitcom cũng là bài toán giúp nghệ sĩ vừa giải quyết được kinh tế, vừa làm nghệ thuật. Sitcom không phải là cái gì đó lớn lao, nó là một câu chuyện ngắn trải dài, truyền tải thông điệp để người xem cảm nhận.
Phim sitcom thường được làm khá ngắn gọn trong một bối cảnh nhất định, trong một thời gian nhất định, nên nhiều người chưa thấy nhiều yếu tố nghệ thuật bên trong. Nhưng xin đừng xem thường sitcom bởi loại hình này đang là một xu hướng nhanh gọn, ít vốn nhưng mang lại nhiều ích lợi.
Đầu tiên, tôi thấy một sitcom thường phản ánh nhanh chóng những vấn đề “nóng” trong xã hội. Một sitcom hay có thể truyền tải được nhiều thông điệp ý nghĩa cho khán giả. Ngoài ra, khi làm sitcom, nghệ sĩ cũng có thể tự sáng tạo mảng miếng diễn xuất trong đó.
Với ông, mỗi lĩnh vực phim ảnh đều có giá trị riêng
Bên cạnh đó, bây giờ xu hướng mới là các nghệ sĩ thường thích tham gia điện ảnh. Vì điện ảnh cô đọng, tham một dự án chỉ mất toàn 30 ngày, diễn viên cũng sẽ thích hơn. Điện ảnh diễn tập trung và phô diễn hết khả năng của một diễn viên. Mỗi lĩnh vực có một vài trò khác nhau, nhưng điện ảnh là ở tầm cỡ cao nhất.
Theo tôi, nghệ sĩ làm nghề không biết bao lâu là đủ cả. Mỗi giai đoạn, họ phải học để tiếp cận vốn nghệ thuật mới, hết học thì đi dạy. Chúng ta ăn một món ăn no là đủ, nhưng nghe một bài nhạc hát hay thì phải nghe mãi. Người làm nghề đã có một vai diễn hay, một tác phẩm để đời thì cứ muốn mãi bởi giá trị tinh thần không bao giờ là đủ.
Vì vậy, nghệ sĩ phải đọc để có một tri thức nghệ thuật, làm ra những tác phẩm xứng với người xem. Họ không phải trải qua một tác phẩm là dừng lại. Nghệ sĩ thiếu tri thức là sai lầm. Muốn làm nghề tốt, nghệ sĩ phải nghiền ngẫm kiến thức không chỉ ngày hôm nay mà còn mãi về sau.
NSND Việt Anh (Tiểu Di ghi)