"Dấu ấn huyền thoại" tập 3 vừa lên sóng là câu chuyện về nữ giảng viên âm nhạc Hải Phượng cùng gia đình có ba thế hệ một lòng mong muốn được nuôi dưỡng và phát triển nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
NSƯT Hải Phượng may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhạc dân tộc với mẹ là Nghệ sĩ đàn tranh - Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, Hải Phượng được truyền dạy tình yêu âm nhạc và cảm hứng học đàn từ bé. Lên 7 tuổi, Hải Phượng bắt đầu tham gia khóa học đàn tranh đầu tiên tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và cuộc đời cô gắn liền với hai chữ “đàn tranh” từ ngày đó.
Người mẹ - Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan là người thắp lên niềm đam mê trong NSƯT Hải Phượng
Xuất sắc giành được giải Nhất trong cuộc thi "Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc lần thứ nhất" vào năm 1992, sau hơn một năm tốt nghiệp Nhạc viện, Hải Phượng được nhiều người biết đến như một “ngôi sao đàn tranh” trong làng âm nhạc dân tộc Việt Nam. Năm 1993, cô theo chân Giáo sư Trần Văn Khê sang Paris thực hiện đĩa nhạc mang tên Đàn tranh xưa và nay và giành hai giải thưởng từ Chính phủ Pháp. Giải thưởng lần đó đã giúp nữ nghệ sĩ có cơ hội tham dự các sự kiện âm nhạc, chương trình biểu diễn tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... Từ đó, tiếng đàn đặc trưng của nhạc cụ truyền thống dân tộc Việt Nam - đàn tranh được hơn 20 quốc gia biết đến.
Không chỉ sở hữu ngón đàn tài hoa, nghệ sĩ Hải Phượng còn mang trong mình quyết tâm bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc. Gắn bó với đàn tranh hơn 45 năm cùng với 20 năm làm nghề giảng dạy, Tiến sĩ – NSƯT Hải Phượng hiện là Phó Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc - Giảng viên tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Cô giáo Hải Phượng cho hay: “Không biết từ bao giờ Phượng lại yêu mến nghề dạy. Những kinh nghiệm gọi là xương máu ở trên sân khấu bao nhiêu năm nay mình đem truyền lại cho lớp đàn em. Khi thấy các bạn đánh được mình có niềm vui khó tả lắm”.
NSƯT Hải Phượng và ca sĩ Vân Khánh
Chia sẻ thêm với khán giả, nữ nghệ sĩ tâm sự: “Lúc sinh thời Giáo sư Trần Văn Khê - thầy của Phượng hay nói là bàn tay phải là bàn tay tạo ra âm thanh còn bàn tay trái lại là bàn tay làm đẹp và nuôi dưỡng âm thanh. Bàn tay trái đi từ trái tim ra cho nên những tình cảm, ý nghĩ của mình sẽ truyền qua bàn tay trái và bàn tay trái của cây đàn tranh rất quan trọng. Nó nói lên những buồn, vui, thương, giận với những cung bậc khác nhau và càng học mình lại thấy đúng thật. Bàn tay trái rất dễ đánh thế nhưng đánh để mình và mọi người cảm không hề đơn giản chút nào mà cây đàn tranh có thể làm được, những cái nhấn nhá của nó có thể nói là nhấn đứt ruột và đôi khi những bài cổ khi mình đánh mình có cảm giác một luồng điện chạy ra, lúc đó là không phải sử dụng lực của cánh tay nữa mà là lực từ trong người”.
Thế hệ thứ 3 trong gia đình của Hải Phượng là Hải Minh – con gái nữ nghệ sĩ cũng đang theo học đàn tranh. Có lẽ, Hải Minh là sẽ thế hệ kế thừa, tiếp nối Hải Phượng để tiếp tục hành trình mang nhạc cụ dân tộc đi xa hơn như cái cách bà ngoại đã truyền lửa lại cho mẹ em.
Dấu ấn huyền thoại, phát sóng lúc 20g35 thứ tư hàng tuần trên HTV7.
Lam Khanh