Khoảnh khắc cuộc đời - Tập 74

NSƯT Hải Phượng: Mang tinh hoa dân tộc ra thế giới

Năm 1993, chuyến lưu diễn Paris cùng với Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê là khoảnh khắc mang dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời nghệ thuật của NSƯT Hải Phượng.

Hải Phượng học đàn tranh từ lúc 7 tuổi, đạt được giải thưởng đàn tranh trẻ vào năm 23 tuổi. Gần ba thập kỷ trôi qua, tiếng đàn tranh của Hải Phượng đã ngân vang khắp mọi nơi, trong và ngoài nước. Nói như người xưa là "nghề chọn người", NSƯT Hải Phượng đã chia sẻ cùng NSƯT Vũ Thành Vinh về con đường nghệ thuật như được sắp bày sẵn cho mình.

Lựa chọn nhạc cụ đầu tiên của Hải Phương khi bước chân vào Nhạc viện TP.HCM là đàn bầu. Nhưng do sức vóc nhỏ mà cần cây đàn bầu bằng tre cứng, Phượng không kéo nổi. Thầy cô nhận thấy Hải Phượng có năng khiếu nên chuyển cô sang đàn tranh. Từ đó về sau, cái tên Hải Phượng đã gắn bó với tiếng đàn tranh suốt nhiều thập kỷ qua.

Trong hội nhập, chúng ta phải bắt kịp những xu hướng mới, nhưng điều cần thiết nhất vẫn là phải giữ gìn giá trị cốt lõi - NSƯT Vũ Thành Vinh nhận định

Con đường hoạt động nghệ thuật của Hải Phượng gần như không có khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời, nhưng khoảnh khắc làm thay đổi tư duy âm nhạc đã đến trong chuyến lưu diễn ở Pháp cùng Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê. Ở đó, Hải Phượng được xem những tiết mục trình diễn âm nhạc hiện đại sôi động. Bản thân nữ nghệ sĩ trẻ lúc đó rất thích, nhưng cô lại nhận ra vẻ mặt thất vọng của những nhạc sĩ, nghệ sĩ gạo cội. Mang thắc mắc này hỏi thầy Trần Văn Khê, Hải Phượng mới nhận được câu trả lời sâu sắc về sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Cô nhớ như in lời dạy của người thầy quá cố: "Bất kỳ cái cây nào muốn ra hoa đẹp trái ngon, thì phải nhờ đến gốc rễ vững vàng".

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê là người thầy đã dạy Hải Phượng chuyên môn âm nhạc lẫn những bài học về giá trị con người trong cuộc sống

NSƯT Hải Phượng cũng chia sẻ sự viên mãn trên con đường nghệ thuật của mình khi có cùng lúc hai người thầy dẫn đường. Một là cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê, người thứ hai chính là mẹ cô - nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan. Góp mặt trong chương trình Khoảnh khắc cuộc đời, nhà giáo Thúy Hoan đã kể về những tháng ngày đóng cả hai vai trò, vừa là mẹ vừa là thầy của NSƯT Hải Phượng. Dù xót xa khi thấy con vừa học vừa hoạt động nghệ thuật vất vả, nhưng nhà giáo Thúy Hoan vẫn động viên con nỗ lực để theo đuổi một cách vững vàng con đường nghệ thuật mà Phượng đã chọn.

Mẹ vừa là người chăm sóc, vừa là người dẫn dắt, đồng hành cùng Hải Phương trên mọi con đường

Đón xem Khoảnh khắc cuộc đời, phát sóng lúc 22g45 hàng ngày trên HTV9.

Bảo Châu