NSƯT Phượng Loan: Cải lương cần “hiện đại” để đi đường dài

Theo NSƯT Phượng Loan, mỗi thành công đều mang tính thời điểm. Thời kỳ vàng son của bộ môn cải lương là một điển hình. Vì vậy, muốn tìm lại những năm tháng đỉnh cao đó thì yếu tố trước tiên là chương trình phải tìm được tiếng nói chung với người xem.


NSƯT Phượng Loan làm giám khảo tại cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2018

Thị hiếu của khán giả thay đổi theo từng thập niên. Nếu những người đồng trang lứa với Phượng Loan bị cuốn hút vào một vở diễn “cải lương thuần cải lương” thì các bạn trẻ ngày nay lại khác, ảnh hưởng từ cuộc sống hiện đại nên dễ thích nghi với nghệ thuật mang tiết tấu nhanh, kết hợp âm thanh, hình ảnh đa dạng... Ðó là lý do tân cổ giao duyên ra đời, và sau này áp dụng vào cả những vở diễn kinh điển. Cá nhân Phượng Loan nhận thấy sự kết hợp đó giúp vở diễn có bố cục chặt chẽ và gần gũi hơn với người xem thế hệ mới.

Trong năm 2018, NSƯT Phượng Loan đã ghi dấu ấn với khán giả mộ điệu qua hai vai diễn: vai phản diện Nguyễn Thị Anh trong vở Rạng Ngọc Côn Sơn và vai phản diện hài Mẹ Cám trong Chuông vàng vọng cổ 2018. 

Trong Liên hoan sân khấu toàn quốc, Phượng Loan có hai vai diễn có thể nói “nặng ký” với bản thân, đó là Thái hậu Dương Vân Nga trong vở diễn cùng tên và vai Hoàng thái hậu nhiếp chính Nguyễn Thị Anh trong Rạng Ngọc Côn Sơn. Ðặc biệt là vai diễn Nguyễn Thị Anh - một trong những bà hoàng “ác nhất sử Việt” - đã khiến Phượng Loan “mất ăn mất ngủ” nhiều nhất. “Cái ác” trên sân khấu không phải tự nhiên mà toát ra, không phải bị đánh giá là “ác” qua một câu nói hay hành động, mà “cái ác” đó phải được phát ra từ nội tâm của nhân vật, chuyển thể đến người xem qua ánh mắt, khóe môi và ngữ điệu trong từng lời nói, thậm chí tốc độ của bước chân, cách ra bộ cũng truyền tới người xem nhân cách của nhân vật trên sân khấu. Trong một vở kịch, cái ác càng được đẩy lên tột cùng thì cái thiện càng tỏa sáng! Ðó là điểm khó khi thủ diễn một vai phản diện. 

Trong năm 2018, NSƯT Phượng Loan đã nhận lời tham gia Chuông vàng vọng cổ với vai trò thành viên Hội đồng nghệ thuật kiêm huấn luyện viên vòng Chung kết. Lần đầu tiên giữ nhiệm vụ huấn luyện, NSƯT Phượng Loan đã hỗ trợ thành công cho thí sinh nhỏ tuổi nhất nhì Chuông vàng vọng cổ 2018 tiến thẳng đến danh hiệu Chuông vàng. Ðó chính là thí sinh Lâm Thị Kim Cương - sinh viên trường Ðại học Cần Thơ. Trích đoạn cải lương hài Tấm Cám của NSƯT Phượng Loan và Kim Cương đã trở thành “hiện tượng” của mùa Chuông thứ 13. Lần đầu tiên trong lịch sử Chuông vàng vọng cổ có một cặp đôi huấn luyện viên - thí sinh đưa cải lương hài đến dự thi vòng Chung kết. Và “hiện tượng” ấy đã thành công! 


NSƯT Phượng Loan vai Mẹ Cám

NSƯT Thanh Tuấn cùng Ban Giám khảo đều tán thưởng sự liều lĩnh đúng lúc và đúng mực của “thầy trò” thí sinh Kim Cương, các nghệ sĩ cũng khẳng định Chuông vàng vọng cổ nói riêng, cải lương nói chung cần những đột phá như thế này để đi tiếp con đường dài phía trước.


Không chỉ truyền lửa, truyền nghề cho các nghệ sĩ trẻ mà NSƯT Phượng Loan cũng đã học hỏi được sự sáng tạo và hơi hướng hiện đại từ những bạn trẻ yêu nghệ thuật cải lương, theo lời chia sẻ của nữ nghệ sĩ. Những bạn trẻ thế hệ này rất giỏi và năng động, nhưng thời gian “bám” nghề của các bạn lại không có nhiều thời gian như các nghệ sĩ thế hệ trước. Giờ các em không có nhiều thời gian tập, một vở cùng lắm tập một tháng rồi vội vàng chớp nhoáng lên sân khấu, không kịp cảm thụ nhân vật, tâm lý nhân vật cũng chưa nắm vững, sơ sài. Nhưng Phượng Loan tin rằng tuổi trẻ, tri thức và đam mê và nếu cộng thêm sự nỗ lực thì các nghệ sĩ trẻ luôn đóng vai trò then chốt để gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật này trong tương lai.

Bảo Châu