NSƯT Quyền Văn Minh được biết đến như một “huyền thoại Jazz Việt Nam” - người đã mang dòng nhạc độc đáo này đến với công chúng Việt.
NSƯT Quyền Văn Minh tham gia chương trình “Mãi mãi thanh xuân”, phát sóng ngày 4/11/2018 trên HTV7
Yêu thích kèn từ nhỏ
Vốn sở hữu dòng máu nghệ thuật từ bố mẹ, cậu bé Quyền Văn Minh khi ấy đã sớm bộc lộ khả năng cảm thụ âm nhạc từ năm 13 tuổi.
Lúc đầu, chú chơi nhạc bằng đàn guitar, nhưng ước vọng của mẹ muốn con chơi kèn saxophone giống ba. Năm 14 tuổi, mẹ mua cho một chiếc kèn Clarinet và từ đó, cậu bé Quyền Văn Minh bắt đầu tự học nhạc.
Một lần tình cờ nghe chương trình nhạc Jazz, chú ngạc nhiên và cảm nhận được những điều kỳ diệu, rồi tự hứa với bản thân sẽ quyết tâm và kiên định với dòng nhạc này.
Chia sẻ với chương trình “Mãi mãi thanh xuân”, NSƯT Quyền Văn Minh cho biết, đây là lần đầu tiên chú biểu diễn ca khúc “Khát vọng” trên sân khấu với mong muốn gửi gắm tới khán giả một chút cảm xúc của những người lớn tuổi vẫn còn ước mơ và khát vọng
Phần biểu diễn của NSƯT Quyền Văn Minh như ru hồn khán giả vào từng giai điệu nồng nàn, quyến rũ của cây kèn saxophone
Năm 1988, sau 20 năm “dùi mài kinh sử”, chú đã tổ chức chương trình “Quyền Văn Minh với ba dòng nhạc: Cổ điển, Dân gian và Jazz”. Buổi biểu diễn đã gây tiếng vang lớn trong làng âm nhạc thời đó. Có thể nói rằng, chú Quyền Văn Minh là người đầu tiên thổi nhạc cổ điển bằng kèn saxophone và cũng là người đầu tiên đưa nhạc Jazz đến với công chúng Việt.
Sau hơn 50 “sống và yêu” Jazz, ông đã “sản sinh” được 4 thế hệ nghệ sĩ nhạc Jazz cùng biểu diễn ở câu lạc bộ, con trai ông - nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc là thế hệ thứ tư. Với những đóng góp của mình, năm 2001, ông được Đại sứ Liên minh Châu Âu ca ngợi là “Huyền thoại sống của nhạc Jazz Việt Nam”. NSƯT Quyền Văn Minh trân trọng những tình cảm đó, với ông, đó là những ghi nhận một chặng đường ông đã đi.
Tuy đã ngoài 60 tuổi, NSƯT Quyền Văn Minh vẫn giữ được sự trẻ trung, yêu đời đáng ngưỡng mộ
Khát vọng chinh phục âm nhạc thế giới
NSƯT Quyền Văn Minh từng là Giảng viên âm nhạc Saxophone của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chú cũng được xem như người đi đầu trong việc nghiên cứu và giảng dạy nhạc Jazz ở Việt Nam.
Khi bắt đầu đảm nhận công việc này, chú gặp khá nhiều khó khăn. Thứ nhất, làm sao để chơi được nhạc Jazz theo đúng phong cách của ta, khó khăn thứ hai khi bắt đầu chơi được nhạc Jazz thì chơi cho ai nghe? Từ đó, chú tập trung thành lập và phát triển một Jazz Club để mỗi tối, các nghệ sĩ trẻ có “đất dụng võ”, cùng nhau đắm mình trong không gian nhạc Jazz. Khán giả yêu Jazz cũng có nơi đến để thưởng thức. Tại Hà Nội, Bình Minh’s Jazz Club được mở vào các buổi tối trong tuần do 5 nhóm nhạc của chú luân phiên biểu diễn và con trai chú là người quản lý chính.
Một ngày chú làm việc với kèn Saxophone từ 10 đến 12 tiếng, vừa giảng dạy vừa tập luyện cùng với những học sinh của mình
Cuộc đời làm âm nhạc của chú chủ yếu là chơi nhạc Jazz nhưng điều đó không có nghĩa là chú quên đi phần âm nhạc Việt Nam. Khát vọng lớn nhất của chú là đưa các học sinh của mình một Tour nhạc Jazz đi vòng quanh thế giới: “Tôi muốn đưa một top nhạc Việt Nam và chơi những bài nhạc dân gian của mình để giới thiệu với thế giới rằng, chúng tôi có một dòng âm nhạc để chơi Jazz với các bạn”.
Một người nghệ sĩ vừa đi giảng dạy, vừa biểu diễn, sống và làm việc với Saxophone 12 tiếng một ngày thì quả thật chú Quyền Văn Minh luôn tâm huyết tạo nên một dòng nhạc Jazz mang bản sắc riêng của Việt Nam - một dòng nhạc cuốn hút được công chúng trong nước yêu thích, và trên cả, có tiếng nói riêng khi chơi cùng bạn bè quốc tế.
Khánh Nguyễn