NSƯT Thanh Tuấn: Cần bảo vệ không gian của đờn ca tài tử

Khi vòng tuyển chọn cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (CVVC) 2018 đang diễn ra sôi động, cũng là lúc những hoạt động chuẩn bị chào mừng sự kiện 100 năm sân khấu cải lương ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam được thực hiện.


NSƯT Thanh Tuấn trong vở Đường gươm Nguyên Bá 

NSƯT Thanh Tuấn – thành viên Hội đồng chuyên môn cuộc thi CVVC 2018 đã bày tỏ nhiều trăn trở về chiếc nôi của sân khấu cải lương, đó là nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ.

Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh niềm tự hào thì một yêu cầu cấp bách đặt ra đối với ĐCTT, đó là cần bảo vệ không gian của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bởi, từ chiếc nôi này mới sản sinh ra bài vọng cổ.


NSND Bạch Tuyết và NSƯT Thanh Tuấn trong vở Trăng thề vườn Thúy 

Cần động thái tích cực

“HTV đã là một chiếc cầu nối thân thương dẫn các thí sinh qua 12 mùa thi đến với không gian chuẩn mực của bài vọng cổ, góp phần làm cho phong trào ĐCTT Nam bộ thêm khởi sắc” – NSƯT Thanh Tuấn khẳng định.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý – Phó Cục Trưởng Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “UNESCO xét duyệt di sản này trong năm 2012. Tính đến nay, đã 6 năm trôi qua, và chúng ta cứ 2 năm một lần tổ chức Liên hoan ĐCTT Nam bộ tại các tỉnh, thành có phong trào mạnh. Các nghệ sĩ, nghệ nhân tài danh đã làm cho sức sống của ĐCTT Nam bộ thêm vững bền. Trong đó, phải kể đến những nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Hoa Hạ... đã gắn bó, đồng hành tích cực với cuộc thi CVVC của HTV”.

ĐCTT là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ, nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam, nữ nông thôn hát ca sau những giờ lao động. Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và độc huyền cầm (gọi là tứ tuyệt). 

Sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia ĐCTT phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục. Do đó, vấn đề quan trọng của chúng ta chính là góp phần tích cực trả lại cho ĐCTT không gian như nó vốn có để bảo tồn và phát triển.


NSND Lệ Thủy và NSƯT Thanh Tuấn trong vở Mùa thu trên Bạch Mã Sơn

Không để đờn ca tài tử bị biến tướng

Theo NSƯT Thanh Tuấn, thời gian gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, các nhóm ĐCTT miệt vườn được thành lập, hoạt động bán chuyên nghiệp. Ở các tỉnh thành có sự phát triển về du lịch như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp… ĐCTT đã có những đội chuyên phục vụ du khách trong các khu ẩm thực. 

Trong cuộc hội thảo về ĐCTT Nam bộ, được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2018, không ít ý kiến lên án việc cổ xúy cho những biến tướng, làm mất đi vẻ đẹp và tính chất nghệ thuật của ĐCTT. Những quán nhậu miệt vườn, những đội ĐCTT lạm dụng việc ca hơi dài, pha cải lương hồ quảng, tấu hài, thậm chí sử dụng nhạc đĩa MD phần hòa âm cổ nhạc để hát, hoặc ca nhép đã làm mất đi tính nghệ thuật vốn là đặc trưng của ĐCTT. 

NSƯT Thanh Tuấn cho rằng: “Nhìn rõ một cách trung thực những yếu kém trong việc quản lý khiến ĐCTT bị biến dạng. Lỗi này là do khâu quản lý, sau đó là ý thức của người chơi ĐCTT. Đừng đổ lỗi cho cuộc sống, hoàn cảnh mưu sinh mà bán rẻ cái nghề của mình. Là nghệ sĩ, tôi bức xúc lắm khi ĐCTT bị biến tướng”.


Cũng theo NSƯT Thanh Tuấn, HTV đã tạo điều kiện để nghệ thuật ĐCTT Nam bộ có sức sống mạnh mẽ và lan tỏa khắp nơi qua những chương trình truyền hình được dàn dựng công phu. Các diễn viên, giọng ca trẻ của các mùa thi CVVC được tạo điều kiện để biểu diễn trên sân chơi này, mang lại nét tươi trẻ cho phong trào ĐCTT Nam bộ.

“Không gian đó chính là những sáng tạo trẻ trung trong cách ca, cách đờn của những nghệ nhân thế hệ mới. HTV đã tạo được sự tương đồng giữa các bộ môn nghệ thuật, để bổ sung cho phong trào ĐCTT Nam bộ và sân khấu cải lương nguồn lực mới” – danh ca Thanh Tuấn đã nói.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp