Được trình bày dưới dạng hồi kí của một cựu học sinh trường Wellesley khi nhớ về người cô của mình, "Nụ cười nàng Mona Lisa" là một bộ phim cực kỳ ý nghĩa về tình thầy trò.
Nụ cười nàng Mona Lisa là bộ phim về tình thầy trò
Katherine Watson - Hình mẫu người "thầy" lí tưởng
Nụ cười nàng Mona Lisa (Mona Lisa Smile) do Mike Newell đạo diễn, Lawrence Konner và Mark Rosenthal đảm nhiệm phần kịch bản. Bộ phim xoay quanh học sinh trường Wellesley, một trong những trường Cao đẳng danh giá của Mỹ những năm 50, là kiểu mẫu của một trường học hoàn hảo. Wellesley sở hữu một bộ phận giáo viên ưu tú và hội tụ toàn các nữ sinh với nhưng phẩm chất mà ai nhìn cũng phát thèm: xinh đẹp, kỷ luật, nhà giàu và trí thức.
Tuy đã được học cao, có vị thế, nhưng tư tưởng “Một phụ nữ thành công phải là người có gia đình hoàn hảo với người chồng thành đạt và căn bếp hoàn hảo” đã ăn sâu vào tư tưởng của các nữ sinh và khó có thể sửa đổi.
Những nữ sinh tài giỏi nhưng chỉ muốn làm "bình hoa" trong sau khi kết hôn
Nhưng có một người phụ nữ đã đi ngược lại những điều này, đó chính là cô giáo Katherine Watson (Julia Roberts đóng) chuyển từ Carlifornia đến Wellesley để giảng dạy bộ môn Lịch sử nghệ thuật. Cô ôm giấc mộng đào tạo ra những phụ nữ hiện đại và tân tiến, không phải phụ thuộc vào hôn nhân và đàn ông. Nhưng “đời không như là mơ” khi lần đầu tiên đứng lớp, cô đã bị một “vố” bẽ bàng. Tất cả nữ sinh ở đây đều đọc trước ở nhà hết sách giáo khoa và biết trước đáp án cho mọi câu hỏi giáo viên định đặt. Vậy mà lạ thay, tất cả lại họ lại chọn cuộc sống “vợ đảm” sau khi tốt nghiệp.
Không chấp nhận luật lệ phi lý này, Kartherine đã cố gắng thay đổi nếp sống của Wellesley bằng mang đến nhiều sự khác biệt: Khác biệt trong cách truyền tải, trong suy nghĩ, sẵn sàng hạ điểm C cho một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường, nghiêm khắc phê bình thái độ tự cao của một cô sinh viên khi nghĩ phụ nữ vừa lấy chồng luôn phải nhận được những đặc ân cao quý.
Katherine quyết định thay đổi tư tưởng của các nữ sinh bằng các bài học mới mẻ
Cô vứt bỏ giáo trình cũ, đưa vào giờ học các tác phẩm hiện đại mới mẻ để nữ sinh phát triển cảm nhận. Ngoài giờ học, cô trò chuyện tâm tình cùng học trò, nộp đơn vào trường đại học hộ nữ sinh và khuyến khích họ sống tự do phóng khoáng…
Vì điều này, Kartherine đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía ban giám hiệu, cựu học sinh và nhiều nữ sinh trong trường. Liệu cô có thay đổi được tư tưởng của các thế hệ trước hay không?
Mỗi nhân vật nữ mang một tư tưởng khác nhau
Kartherine là một giáo viên mà bất kì học trò nào cũng mong muốn: nhạy cảm, yêu nghề, hết lòng quan tâm và thông cảm, giúp đỡ học sinh vô điều kiện… Công việc của cô không chỉ đơn giản là truyền thụ kiến thức mà còn cả những bài học cuộc đời. Đó là một người giáo viên đáng trân trọng bởi tất cả những gì cô làm đều vì những học trò của mình, dù cho điều đó có thể khiến mọi người căm ghét.
Betty Warren (Kristen Dunst thủ vai) độc tài, tự cao, xấu tính, sẵn sàng làm tổn thương người khác và luôn cho rằng mình đúng. Chỉ vì cảm thấy chướng mắt hay không thích điều gì đó mà làm những việc có thể phá hủy sự nghiệp của người khác. Trải dài suốt bộ phim luôn là sự đối đầu giữa cô giáo Katherine Watson và Betty Warren.
Betty đối đầu với cô giáo Katherine trong mỗi tiết học
Joan Branwyn (Julia Stile thủ vai) là bạn thân của Betty có phần hiền lành và nhu nhược hơn. Joan thuộc kiểu không thể tự quyết định mọi thứ, luôn bị ảnh hưởng bởi người khác và lúc nào cũng băn khoăn với những quyết định đó. Cột mốc đáng chú ý nhất trong bộ phim là sự lựa chọn của cô giữa Đại học Yale và việc yên vị làm bà nội trợ. Cô sẽ lựa chọn thế nào?
Một người bạn khác là Giselle Levy (Maggie Gyllenhaal thủ vai) có xuất thân Do Thái với nền tảng gia đình không mấy tốt đẹp cùng những mối quan hệ lằng nhằng ngoài xã hội. Giselle coi Katherine như hình mẫu và quyết định hướng mình trở nên như vậy. Vì bình thường người ta hay nói “Những ngôi sao sáng nhất thường đến từ những gia đình tăm tối nhất”. Những điều không trọn vẹn giúp sinh ra những tư duy khác biệt.
Ẩn ý khi sử dụng hình ảnh "Nụ cười Mona Lisa"
Mona Lisa là bức họa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci và cũng là bài hát cùng tên được trình bày trong phim. Vậy tại sao ê-kíp lại sử dụng hình ảnh này?
Từ trước đến nay, ý nghĩa nụ cười của Mona Lisa trong bức tranh của Leonardo da Vinci vẫn còn là một ẩn số. Có người cho rằng nàng nở nụ cười bí ẩn như để mỉa mai cũng là mãn nguyện, nhưng cũng có thể là sự giả tạo nhằm che giấu những tăm tối bên trong.
Nụ cười này có liên hệ với quyết định của các nhân vật trong phim. Chẳng hạn như một Betty tức giận, tuyệt vọng về cuộc hôn nhân hoàn hảo mà mình vẽ ra, nhưng phải nở nụ cười giả tạo che đậy cho cái gọi là “gia đình kiểu mẫu”. Hoặc là nụ cười an vị của Joan khi chấp nhận làm một người vợ, không muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Nở nụ cười nhưng Betty có thực sự hạnh phúc?
Cũng có thể là nụ cười của Katherine khi ngộ ra rằng: Người nội trợ không phải là phụ nữ ngu ngốc, sống suốt đời nô lệ cho đàn ông mà không cảm thấy oán trách. Hơn hết là nụ cười hạnh phúc của “người thầy” khi nhìn thấy học trò lựa chọn đúng đường đi mà họ cảm thấy hạnh phúc.
Thông qua tình huống trong phim, bộ phim đã đề cập đến lòng tự trọng của phụ nữ, sự dũng cảm, sự vững chắc trong các quyết định. Không những thế bộ phim còn khiến mỗi chúng ta nghĩ về chính bản thân mình.
Đón xem bộ phim "Nụ cười nàng Mona Lisa" (Mona Lisa Smile) phát sóng lúc 16g55 ngày 29/5 trên kênh HBO thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.
Thu Hạc