“Ðợi Mai”: Món quà tinh thần đầy ắp tiếng cười trong ngày Tết truyền thống

“Đợi Mai” không chỉ là món quà tinh thần đầy ắp tiếng cười trong ngày Tết mà còn truyền tải thông điệp về lòng tốt, sự tử tế vẫn luôn tồn tại trong xã hội, dù là nhỏ bé, nhưng đầy sức sống, nảy lộc đâm chồi như hoa lá mùa xuân.


“Đợi Mai là một bộ phim ấm áp về tình cảm cha - con

Tết sum vầy, trọn vẹn niềm vui

Đợi Mai là một bộ phim về tình cảm cha - con, kể về hành trình của một người cha suốt 16 năm ròng rã đi tìm đứa con gái nhỏ tên Mai. Dù ông đã phải trả qua không ít khó khăn nhưng chưa bao giờ người cha này từ bỏ hy vọng. Ông luôn tin rằng, một ngày nào đó sẽ tìm thấy đứa con thất lạc của mình. Bộ phim ca ngợi sức mạnh mãnh liệt của tình nghĩa cha - con. Nếu không may đứa con bị thất lạc, những bậc làm cha làm mẹ, sẽ sống cả đời trong đau đớn, nhớ thương và mòn mỏi đợi mong. Họ như những bông mai giả ngày Tết, buộc phải nở một cách vô hồn. Tết chỉ thực sự trọn vẹn khi gia đình sum vầy.  

Kịch bản Đợi Mai do cặp đôi biên kịch Hạnh Ngộ và Nguyễn Quỳnh chắp bút. Trước đó, họ từng chuyển thể cuốn tiểu thuyết Sống gượng thành kịch bản phim truyền hình cùng tên phát sóng trên HTV, và bộ phim này đã nhận được rất nhiều tình cảm của người xem bởi sự chân thật, dung dị về cuộc đời của chính tác giả. 


Biên kịch Hạnh Ngộ

Với Đợi Mai, bộ phim được phát sóng trong dịp Tết, chia sẻ về “đứa con” của mình, biên kịch Hạnh Ngộ cho biết: “Đợi Mai là kịch bản mà tôi viết chung với biên kịch Nguyễn Quỳnh, sở dĩ viết “cặp đôi” để có thể sáng tạo tốt hơn và cũng nhanh hơn. Vì vậy,  chúng tôi hoàn thành trong khoảng 2 tháng, với sự trợ giúp của biên tập Minh Diệu và đạo diễn Đỗ Khoa. Nhân vật trung tâm của bộ phim là người cha đi tìm đứa con gái thất lạc. Hành trình của ông bắt đầu từ sự thương nhớ vô vọng đến được toàn tụ trong ấm áp ngày xuân phương Nam, có hoa mai rực rỡ, vì con gái mang tên loài hoa đặc trưng cho mùa xuân phương Nam - hoa mai. Tôi cũng hy vọng bộ phim này sẽ mang lại cho khán giả món quà tinh thần có ý nghĩa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc”.

Tết ấm áp giữa đô thị hoa lệ

Năm vừa qua, những bộ phim Tết phát sóng trên các kênh HTV trong dịp đầu xuân đều mang một nét riêng biệt, truyền tải những thông điệp ý nghĩa. Đầu tiên phải kể đến Tân xuân đón tân lang (phát sóng dịp Tết 2019) của biên kịch, đạo diễn Hoàng Thơ đã lấy bối cảnh miền Tây sông nước để miêu tả sống động nét sinh hoạt và tư tưởng văn hóa của con người nơi đây. Bên cạnh đó là câu chuyện hài hước xoay quanh cuộc thi tuyển rể giữa một anh chàng ngoại quốc và gia đình miền Tây chính gốc. 


“Đợi Mai” là món quà tinh thần mà ê-kíp gửi đến khán giả trong những ngày đầu xuân

Khác với Tân xuân đón tân lang, Chàng rể tuổi Hợi (phát sóng dịp Tết 2019) của biên kịch Châu Thổ vẽ ra cảnh đời sống Việt Nam gần gũi, nơi có gia đình, làng xóm láng giềng và cả những cặp đôi trai gái se duyên. Ngoài những tình tiết gây hài, kịch bản phim còn đề cập tính thời sự và giáo dục, mà cụ thể là vấn đề an toàn thực phẩm ngày Tết và quy luật nhân quả. 

Còn Ngũ Hợi tấn hỷ (phát sóng dịp Tết 2019) của đạo diễn Dũng Nghệ lại hướng về ngành nghề làm nước mắm truyền thống. Tuy đây không phải là đề tài mới lạ nhưng câu chuyện trong Ngũ Hợi tấn hỷ sẽ không mang màu sắc của sự tranh giành, hơn thua hay sự chia ly kèm theo những giọt nước mắt, mà đơn thuần chỉ là những tiếng cười ý nhị cùng sắc xuân tràn ngập trong từng thước phim.


Bộ phim gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, sự sum vầy trong ngày Tết

Vậy còn xuân Canh Tý 2020, Đợi Mai sẽ mang một màu sắc mới nào? Biên kịch Hạnh Ngộ chia sẻ: “Đất nước ta chỗ nào cũng thịnh hành câu “về quê ăn tết”, vì vậy, Đợi Mai sẽ là Tết của thành phố phồn hoa, Tết ấm áp giữa đô thị hoa lệ, cũng trong veo với mùa xuân ở công viên xanh TP. Hồ Chí Minh, bến Bình Đông tấp nập chợ hoa, thuyền hoa rực rỡ… Đã có rất nhiều bộ phim về Tết quê yên bình, ấm cúng, thì Đợi Mai sẽ là một Tết phố rất thơ và ấm áp tình người, đó là bối cảnh chính của phim. 

Tựa đề của bộ phim ngày Tết cũng được đổi đến hai lần. Tên đầu tiên của kịch bản là Mai thật mai giả, sau đó chúng tôi đổi thành Đợi con về ăn Tết, và cuối cùng Đợi Mai là tên được biên kịch và biên tập thống nhất bởi phản ánh đầy đủ những gì kịch bản đề cập. Mai là tên đứa con gái bị thất lạc tìm về ngay trong ngày xuân nắng ấm, Mai cũng là tên loài hoa tượng trưng cho mùa xuân của phương Nam. Đợi Mai là đợi mùa xuân về, và cũng là tấm lòng của bậc làm cha làm mẹ đợi con về nhà trong ngày xuân mai nở”.

Tết đoàn viên và đầy hy vọng

Tuy Đợi Mai là hành trình của người cha đi tìm con thất lạc giữa phố thị phồn hoa, và mỗi khi xuân về, trong lòng người cha ấy lại dấy lên niềm mong mỏi, hy vọng, chờ đợi ngày đoàn viên. Nếu câu chuyện chỉ đơn thuần như vậy, hẳn người xem sẽ nghĩ, bộ phim sẽ nhuốm một màu u buồn, nhịp phim cũng sẽ chậm, dường như không phù hợp với không khí rộn ràng, tươi vui của những ngày Tết đến. 


Quốc Cường vai ông Minh (người cha) và Phúc An (vai bà Mộng)

Biên kịch Hạnh Ngô chia sẻ: “Sức hấp dẫn của bộ phim sẽ đến từ hành trình tìm kiếm đứa con của người cha từng là thầy giáo, sau đó ông đổi sang nghề làm xe ôm để thuận tiện cho việc tìm con. Xung quanh người cha thông minh, nhạy cảm và tốt bụng còn có bộ ba nhân vật hài hước và lém lỉnh: Bà Mộng, phóng viên Hưng và Mai “mũm mĩm”. Bộ phim cũng mang dáng dấp đường phố thân thương với người quét rác tốt bụng, cô bán sữa đậu nành chạy chiếc xe màu xanh, nhóm “cướp đường” phố bặm trợn cùng hình ảnh “anh hùng bắt cướp” được tái hiện một phần qua nhân vật chính đầy kịch tính…”.

Mỗi bộ phim Tết ra đời ngoài việc mang đến những phút giây thoải mái, tươi vui nhân ngày đầu năm mới, còn truyền tải một thông điệp ý nghĩa gửi gắm đến người xem. Với Đợi Mai, thông điệp của bộ phim là lòng tốt, sự tử tế vẫn luôn tồn tại trong xã hội, dù là nhỏ bé, nhưng đầy sức sống, nảy lộc đâm chồi như hoa lá mùa xuân. Ngoài ra, nhân vật chính của phim mang tinh thần lạc quan, luôn hướng đến giá trị tốt đẹp dù đôi khi gặp phải tình huống trớ trêu trong cuộc đời. Và cuối cùng, sức mạnh tình cha con đã chiến thắng tất cả là thông điệp bộ phim muốn gửi gắm. 

Hoàng Minh