Bộ phim phác họa chân thực cuộc đời người chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai – nhà thầu khoán Mai Hồng Quế – Năm USOM.
Chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai cũng là nhà thầu khoán Mai Hồng Quế
Ông Trần Văn Lai, sinh năm 1920 trong một gia đình nghèo khó ở xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 13 tuổi, cậu bé Lai bỏ nhà lên tỉnh, giúp việc nhà cho ông chủ người Pháp. Rồi ông chủ người Pháp trở về nước, Trần Văn Lai có cơ may đến giúp việc cho quan Án Sát Phạm Gia Nùng.
Nhờ khôn khéo, Trần Văn Lai được quan Án Sát nhận làm cháu. Kể từ đó, Trần Văn Lai trở thành người trong gia đình của quan Án Sát Phạm Gia Nùng. Thế là, khi tham gia cách mạng, với lý lịch vô cùng thuận lợi ấy, ông được tổ chức đưa vào Sài Gòn làm tình báo.
Cảnh trong phim "Ông thầu khoán biệt động Sài Gòn"
Bằng khả năng đặc biệt về nghi trang, cải dạng trong mọi hoàn cảnh, ông tìm cách thâm nhập một cách hợp pháp vào các cơ sở của địch. Nhờ sự khéo léo của bản thân, cùng với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức và gia đình giàu có bên vợ, ông dần dần tạo được vỏ bọc vững chắc trong vai nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, được nhận thầu trang trí nội thất Dinh Độc Lập, để rồi từ đây ông vẽ được sơ đồ của Dinh Độc Lập chuyển cho Cách mạng.
Gia đình ông Trần Văn Lai trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân
Là một cán bộ hoạt động đơn tuyến trong thời kháng chiến chống Pháp, và cũng là một chiến sĩ biệt động thời kháng chiến chống Mỹ giữa thành phố Sài Gòn, Ông Trần Văn Lai đã dành hết cuộc đời mình để phục vụ Cách mạng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã xây dựng trên 20 cơ sở bảo đảm có khả năng vừa cất giấu vũ khí, vừa dấu cán bộ để hoạt động bí mật. Khi thực hiện nhiệm vụ, dù khó khăn đến mấy, dù nguy hiểm thế nào, vị thầu khoán Mai Hồng Quế cũng không so đo, tính toán, bởi chính ông hiểu được cái giá phải trả cho độc lập dân tộc là vô cùng lớn lao.
Tuy nhiên, câu chuyện về cuộc đời ông những tưởng sẽ phai mờ như biết bao đồng đội làm tình báo khác. Bởi vì, người ta vẫn nói, đã làm tình báo là phải chấp nhận vô danh.
Ông Trần Văn Lai (đội mũ) đoàn vụ với gia đình sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Với thời lượng 20 phút - 4 tập, bộ phim gửi đến người xem câu chuyện về một phẩm chất Cách mạng cao quý, trở thành di sản tinh thần để lại cho các thế hệ sau này của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai, và hành trình anh Trần Kiến Xương (tức Trần Vũ Bình) – người con trai thứ ba của ông đã bỏ biết bao công sức, ròng rã hơn 20 năm để tìm lại những gì có liên quan đến hoạt động tình báo của cha mình. Để rồi, ngày 30/04/2015, ông Trần Văn Lai vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Tuy không kịp nhận danh hiệu cao quý này bởi ông mất cách đó 13 năm, nhưng vợ con ông vô cùng xúc động, tự hào vì những cống hiến của ông cho dân tộc.
Đón xem phim “Ông thầu khoán biệt động Sài Gòn” do TFS sản xuất, được phát sóng lúc 8g, thứ Hai đến thứ Năm (11/6 – 14/6) trên kênh HTV7.
Thùy Trang