Tiếng nói là công cụ quan trọng để chúng ta giao tiếp hằng ngày và có mối quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ và điệu bộ khác của cơ thể.
Anh Cao Thanh Danh gặp gỡ nhà báo Phước Lập
Tiếng nói sau màn ảnh
Cùng một lời nói nhưng với cách diễn đạt khác nhau sẽ biểu đạt những dụng ý khác nhau. Vậy nên, tiếng nói đã và đang trở thành một “tài nguyên” để xã hội cùng nhau khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả.
Nếu là người yêu thích phim hoạt hình nước ngoài, bạn sẽ nhớ mãi những nhân vật đáng yêu trò chuyện như một con người thực thụ, được thể hiện chân thật qua tiếng nói của những người lồng tiếng. Họ đa phần là diễn viên, ca sĩ có kinh nghiệm diễn xuất. Phía sau màn ảnh, họ thổi hồn và nhập vai vào nhân vật bằng tiếng nói của mình. Cao Thanh Danh cũng là một người như thế - một diễn viên lồng tiếng.
Chia sẻ với nhà báo Phước Lập, Thanh Danh cho biết, bởi gia cảnh khó khăn nên sau khi học hết bậc phổ thông trung học, anh quyết định thi vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh học nghề diễn xuất để có điều kiện giúp đỡ gia đình. Sau quá trình học và trở thành một diễn viên kịch có tay nghề, Thanh Danh tham gia nhiều vở kịch được giới chuyên môn đánh giá cao như: vở “Tội ác và quyền lực” – Huy chương Vàng, vở “Chí Phèo” – Huy chương Bạc Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp.
Cơ duyên Thanh Danh đến với nghề lồng tiếng bắt đầu từ lời khen của một người bạn về chất giọng mà anh thể hiện trên sân khấu cùng lời khuyên thử tạo cho mình cơ hội hoạt động trong lĩnh vực mới, anh đã không chần chừ mà đăng kí vào một công ty lồng tiếng. Từ đó, càng làm, Thanh Danh càng bị hấp dẫn bởi những thú vị riêng có của nghề này.
Lồng tiếng không chỉ là thoại cho khớp khẩu hình, mà còn phải thể hiện chiều sâu nội tâm, kết hợp với diễn xuất hình thể mà khắc họa nên nhân vật. Để nhập vai, diễn viên lồng tiếng phải nghiên cứu kỹ kịch bản, tập sống với cảm xúc của nhân vật trong từng cảnh diễn, thậm chí còn phải sáng tạo giọng nói, thanh âm đặc trưng cho những nhân vật có tính cách riêng biệt. Một diễn viên lồng tiếng lâu năm có thể nhập thoại cho nhiều tuyến nhân vật, từ thiếu niên tinh nghịch đến lão nông cần cù chân chất.
Mặc dù việc xoay xở giữa những vở diễn và việc lồng tiếng vô cùng khó khăn, nhưng Thanh Danh vẫn luôn cố gắng rèn luyện giọng nói của mình. Kết quả, sau khi nổi danh thành một diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp, anh nhận được lời mời từ rất nhiều công ty, tham gia công tác hậu kỳ làm phim, lồng tiếng, đọc thuyết minh, đọc quảng cáo…
Nhận thấy nhu cầu thị trường sử dụng tiếng nói đang sôi động, Thanh Danh đã phát triển nghề “kinh doanh tiếng nói”. Bước đầu là đào tạo diễn viên lồng tiếng kế thừa chuyên nghiệp, sau đó tổ chức thành một nơi có nhiều sản phẩm, đa dạng về thanh âm, chất giọng để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Bằng việc thực hiện dịch vụ lồng tiếng, anh chia sẻ cơ hội cọ xát thực tiễn và kiếm sống bằng nghề cho các bạn trẻ. Với sự nghiêm túc trong công việc và nhạy bén trong kinh doanh, Thanh Danh đã và đang tạo nên con đường khác biệt có nhu cầu phát triển, sử dụng cao đối với xã hội và cộng đồng.
Khánh và Hiếu, hai học viên trẻ cùng thầy giáo Cao Thanh Danh
Trên mọi nẻo đường, trong từng con tim
Hiện nay, trong thời đại kĩ thuật số, thời đại của những chiếc ti vi, máy tính, điện thoại thông minh, người ta đã và đang quên dần đi những chiếc radio, máy phát thanh. Nhưng, hằng ngày, trên những chiếc xe taxi, những cuốc GrabCar, ta luôn có thể nghe thấy được giọng nói phát ra, chia sẻ về những tâm sự của các bác tài, những điểm giao thông nóng cần lưu ý để việc lưu thông tiện lợi hơn. Giọng nói ấy chính là từ các phát thanh viên của kênh VOV Giao thông trên tần số 91 MHz. Trong số họ, Chu Tấn Văn là cái tên không xa lạ gì đối với thính giả, một chàng phát thanh viên trẻ luôn đồng hành với các bác tài trên mọi nẻo đường.
Chu Tấn Văn trong phòng ghi âm, sản xuất chương trình phát thanh VOV giao thông
Khi đăng kí nguyện vọng, Văn đã quyết tâm dự tuyển vào trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình thay cho Học viện hàng không. Dù có những khúc mắc nhưng Văn vẫn chắc chắn với lựa chọn của mình, bởi anh mong muốn được tự lập để giúp đỡ gia đình nhiều hơn.
Chu Tấn Văn ngoài đời thật trẻ trung khác hẳn với ấn tượng về anh trong lòng thính giả
Ban đầu, Văn không nghĩ mình sẽ đạt được nhiều thành công. Ngày ngày làm nhịp cầu nối giúp các bác tài, nhận được sự quan tâm và yêu mến từ đông đảo thính giả, chàng phát thanh viên trẻ được tiếp thêm nhiệt huyết với nghề và tự tin phát triển tài năng của mình. Đối với anh, mỗi một cuộc trò chuyện thực tế là một khoảnh khắc cuộc đời, vì những hiện thực đa dạng, những trăn trở đa chiều trong cuộc sống mà nó chứa đựng, vì đó là tiếng nói chân tình từ trái tim của những con người ngày ngày rong ruổi trên những nẻo đường đất nước.Vì vậy, anh luôn bắt đầu buổi làm việc của mình với một tâm niệm “Vì việc lái xe đã nặng nhọc, hãy để những người cầm lái có thể chia sẻ tâm sự của mình để tâm trạng thư thả hơn, làm việc năng suất hơn”.
Anh cùng các thính giả trò chuyện, thông tin tin tức, chia sẻ kinh nghiệm, bày tỏ những cảm xúc của mình bằng tiếng nói. Qua năm tháng, những bản tin thời sự đơn thuần đã trở thành chương trình phát thanh nổi tiếng, mang đậm dấu ấn nhân văn. Nhắc đến VOV Giao Thông là nhắc đến Chu Tấn Văn, chàng trai đã tự khẳng định mình bằng bản lĩnh của một phát thanh viên, một chuyên viên tâm lý, và người bạn đồng hành của những người tài xế trên mọi nẻo đường.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi