Những tác phẩm được khen thưởng tại “Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2018” là những tác phẩm xuất sắc, để lại dấu ấn và cảm xúc sâu đậm trong lòng khán giả. Phía sau mỗi tác phẩm là sự đam mê, dấn thân của các ê-kíp khi thực hiện những thước phim này.
Bản Hùng Ca Mùa Xuân: Chân Trần – Chí Thép
Bản Hùng Ca Mùa Xuân: Chân trần – chí thép
(Chương trình Giao lưu – Đối thoại – Tọa đàm)
Đây là Cầu Truyền hình do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 và là bản anh hùng ca thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Cầu truyền hình Bản hùng ca mùa xuân: Chân Trần - Chí Thép, được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV 9, vào ngày 21/1/2018.
Bản hùng ca mùa xuân: Chân Trần - Chí Thép thêm một lần khắc họa rõ nét tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong cuộc quyết chiến lịch sử này thông qua những hình ảnh chân thực của cuộc chiến, qua góc nhìn của những người trong cuộc và ý kiến của các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, khách mời tham gia chương trình. Chỉ với Chân trần và Chí thép, chúng ta đã làm nên một Bản anh hùng ca bất diệt!
Cầu truyền hình trực tiếp đặc biệt này kết nối giữa 3 địa danh lịch sử trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, gắn liền với sự kiện Mùa xuân Mậu Thân 1968: Di tích Dinh Độc Lập - nay là Hội trường Thống Nhất; Khu tưởng niệm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh và Khu nhà bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
Chương trình quy tụ lực lượng biên tập, đạo diễn, quay phim, thiết kế, hậu kỳ… xuất sắc của HTV đã tái hiện những câu chuyện từ mùa xuân Mậu Thân với khí thế hào hùng 50 năm trước, đã khẳng định nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, sự sáng tạo trong việc lãnh đạo của Đảng ta và sức mạnh của lòng dân, góp phần động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhiều năm qua, Cầu Truyền hình đã trở thành thế mạnh, thương hiệu của HTV khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị và gây được dấn ấn, sự xúc động mạnh đối với quý khán giả. Các chương trình Cầu truyền hình của HTV cũng liên tục nhận các giải thưởng cao nhất tại các liên hoan truyền hình toàn quốc nhiều năm liền.
Trở về từ Paris (Phim tài liệu - Hãng phim TFS)
Mùa xuân 2018, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên - Giảng viên âm nhạc Trường đại học Quốc gia Australia như bao người con nơi xứ xa, lại “khăn gói” tìm về nguồn cội quê hương Việt Nam. Với ông cũng như nhiều nghệ sĩ khác, tình yêu âm nhạc nếu không đi cùng sự kính trọng nơi chôn nhau cắt rốn - mảnh đất Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, ông không thể bay cao, bay xa trong bầu trời âm nhạc.
Khác với những lần gặp trước, quà xuân 2018 ông tặng, không chỉ là những giai điệu đẹp, sự hôn phối giữa guitar và các loại nhạc cụ cổ truyền thống đến từ quê hương các nước Âu - Phi. Lần này, ông hé lộ một dự án phục dựng bản cổ - ca tài tử Nam bộ năm 1900 mang tên Vọng Lang (tên bản cổ do nhạc sĩ Huỳnh Khải và nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên tạm đặt). Đây là một trong số 400 tác phẩm âm nhạc của nhiều quốc gia dân tộc và vùng lãnh thổ trên thế giới được tuyển chọn ghi âm tại Hội chợ toàn cầu tại Paris năm 1900 (Exposition Universelle 1900 - là một sự kiện quan trọng của thế giới vào đầu thế kỷ 20). Đó là cơ hội để nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên - người con xứ xa cùng những người bạn trải lòng với bản cổ tài tử của tiền nhân. Ông tìm hiểu và tìm cách “bảo tồn âm thanh”, giọng ca người Sài Gòn xưa.
Hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ khi yêu là được bày tỏ lòng mình. Hơn nữa mùa xuân lại là thời khắc để tự tình nhớ - thương, vui - buồn… Song, khi bước vào cuộc dạo chơi nghệ thuật mới lường hết những khó khăn. Với nhạc sĩ Huỳnh Khải, để cảm nhận được hồn cốt của bản cổ Vọng Lang, ông phải lần dở trong ký ức tuổi thơ bên dòng Vàm Cỏ Đông, với lời mẹ hát ru cùng hơn năm mươi năm theo đuổi hình - bóng: hò, xự, xang, xê, cống…
Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên, tiếp cận bản cổ Vọng Lang thì khác hẳn. Chính câu chuyện hành trình kỳ thú cây đàn guitar phím lõm trên đất phương Nam đã thôi thúc, dẫn dắt ông trong những năm tháng khao khát giai điệu đẹp của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nhờ vậy, mà ông có được sự trải nghiệm ngọt ngào, hành trình cùng Vọng Lang gần 120 năm lưu lạc (1900) ở kinh đô ánh sáng - Paris trở về bản quán - Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh vào năm 2018.
Vọng Lang đã mê hoặc đạo diễn Việt Bình (Hãng phim TFS). Anh cho biết: “Tôi thích thú, khi lạc vào mê cung của Vọng Lang, sắc màu âm nhạc lạ lùng đến quyến rũ:
“Sầu đêm, sầu đêm… thấu canh tàn…
Băn khoăn ơ mà tình khuya, gió ra tư lự
Chút ân tình, tri nghĩa bát loan
Con chim nó bắt cầu sông Ngân
Đau lòng Nữ lang
Tào khang…”
Cảnh quay trong vở "Trở về từ Paris"
Đạo diễn Việt Bình chia sẻ thêm: “Câu chuyện phim Trở về từ Paris khởi nguồn từ ý tưởng, mong muốn Vọng Lang về với đất mẹ Việt Nam - nơi Vọng Lang thai nghén, chào đời. Vọng Lang là mối nhân duyên cuộc đời, là sức sống Việt Nam trong quá trình hội nhập văn hóa thế giới. Phim Trở về từ Paris là duyên kỳ ngộ. Ở đó toát lên tấm lòng chung của những ai quý trọng, gìn giữ kho báu văn hóa nước nhà. Câu chuyện bản cổ Vọng Lang khiến người ta giật mình, thổn thức; tưởng chừng quá khứ đã khép lại số phận của một tác phẩm độc đáo của quê hương cách nay hơn thế kỷ. Với tôi, phim tài liệu Trở về từ Paris là một sự khởi đầu hành trình chinh phục thể loại phim tài liệu truyền hình...”.
Kịch bản & lời bình: Anh Linh
Đạo diễn: Việt Bình
Quay phim: Vĩnh Hưng - Đức Thịnh
Căn bệnh bị lãng quyên (Ban Khoa giáo)
Để thực hiện tác phẩm này, biên tập viên Phương Lan chia sẻ: "Cách đây 2 năm, lần đầu tiên tôi gặp Trang trong một buổi diễn nghệ thuật mang tên Wintercearig. Ấn tượng để lại sau buổi diễn là nỗi ám ảnh bởi sự điên loạn của những bạn trẻ trong cái giếng sâu trầm cảm. Tôi hoài nghi: Trầm cảm khủng khiếp đến thế sao? Để trả lời câu hỏi này, tôi đã đi theo Trang suốt 2 năm. Chẳng thể nhìn thấy đây là cô gái có vấn đề về tâm lý vì cô vui vẻ hơn bất cứ ai, đáng yêu hơn bất kỳ cô gái nào ở độ tuổi 20. Có những lúc tôi và êkíp theo Trang cả tuần lễ liền nhưng chẳng thể ghi hình được một đoạn phim nào vì không tìm thấy biểu hiện nào của nỗi buồn, của sự đau đớn. Thế là tôi bỏ lơ Trang và bộ phim. Tôi chạy theo đề tài khác, chủ đề dễ “nhìn thấy” hơn.
Rồi một ngày, tôi đọc dòng status của Trang trên facebook nói về năm thứ 2 cô tổ chức chương trình Wintercearig. Tôi không nghĩ Trang kiên trì đến thế. Tôi quyết định đến gặp Trang lần nữa. Và tôi đã “nhìn thấy” một Trang rất khác: cô đơn, buồn khổ, giận dữ, thất vọng và hoài nghi về con người.
Sau đó, bộ phim của chúng tôi được tiếp tục. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi mọi tiến trình không diễn ra đúng kế hoạch. Nhưng khó khăn lớn nhất là nỗi sợ hãi khi tôi nhìn thấy chính mình trong câu chuyện của Trang. Vì thế, từng góc hình, từng lời thuyết minh và cách dẫn dắt câu chuyện đều đến từ cảm xúc thực sự của chúng tôi. Dĩ nhiên khi bộ phim này đoạt huy chương vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38 tại Đà Lạt, êkip chúng tôi rất vui, nhưng niềm vui thực sự không phải đến từ tấm huy chương mà từ việc bộ phim đã tạo nên nhiều suy nghĩ không chỉ cho Ban giám khảo mà còn cho công chúng.
Căn bệnh bị lãng quên đã khiến cho ai từng xem đều nhìn thấy chính mình hay người thân của mình hoặc bạn mình trong đó, vì có lẽ không ai là chưa từng một lần rơi vào khủng hoảng tâm lý”.
Biên tập: Phương Lan
Quay phim: Hoàng Khiêm, Đinh Hiếu, Vũ Khoa, Lê Hoà, Nguyễn Quốc.
(còn tiếp)
Minh Diệu