6 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 19 Bằng khen là kết quả của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) tại "Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38" diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22/12/2018 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Cảnh quay trong vở "Chúng em ký tên dưới đây"
"Chúng em ký tên dưới đây" (Ban Văn nghệ)
Đây là câu chuyện về học đường nhưng không chỉ về các em học sinh phổ thông trung học, không chỉ về các thầy cô giáo và không chỉ về các bậc phụ huynh.
Từ khi nào mà việc đến trường đã không còn là niềm vui của các em học sinh, thậm chí trở thành ám ảnh?
Từ khi nào, việc đứng trên bục giảng chỉ còn thuần túy là nghiệp vụ của thầy cô, không còn nữa lòng nhiệt huyết để là một “kỹ sư tâm hồn” như các thế hệ đã từng?
Từ khi nào, kết quả học tập của con đã trở thành mục tiêu tối thượng mà phụ huynh buộc con mình phải đạt được, bất chấp khả năng, tâm tư, tình cảm của con?
Câu chuyện Chúng em ký tên dưới đây chúng tôi muốn gửi một thông điệp: Tất cả chúng ta hãy lắng nghe con, em mình. Thầy cô giáo hãy lắng nghe, người lớn hãy lắng nghe, và cha mẹ hãy dành một phút, một giờ nghe con nói.
Chị Thu Hồng, đạo diễn dàn dựng cho biết: “Ý tưởng kịch bản này là do anh Nguyễn Minh Hải - trưởng Ban Văn Nghệ Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đưa ra. Anh nói với tôi là muốn đề cập tới đề tài giáo dục. Anh Hải nhắc lại câu nói của cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Sự sụp đổ của nền giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia. Để phá hủy bất kì quốc gia nào, không cần bom nguyên tử, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận hoành hành”.
Anh Hải muốn chuyển tải thông điệp này vào kịch bản. Đọc xong tôi lặng người và nghẹt thở. Thông điệp này quá lớn, tôi lo lắng không biết tác giả có thể chuyển tải được nội dung đó hay không. Và tôi rất hạnh phúc khi tác giả Lê Thu Hạnh đã thành công khi chuyển tải thông điệp này. Cảnh quay các học sinh lớp 12A1 đồng lòng ký tên dưới một lá đơn để minh oan cho bạn, cảnh quay đã lột tả được trọn vẹn sự tin yêu trong sáng của các em học sinh trong nội dung lá đơn với lời văn ngô nghê nhưng đầy chân thành của những trái tim chưa từng biết dối lừa. Trong đơn, các em đã dẫn lời của cố Tổng thống Nelson Mandela thật giản dị và trân trọng - đã làm lay động tất cả mọi người từ thầy hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh và cả êkip thực hiện… Bản thân tôi muốn truyền đạt ý tưởng: Hiệu trưởng sai thì phải có lời xin lỗi, người lớn sai cũng phải xin lỗi, đó là sự thật rất khó tìm trong cuộc sống”.
Tác giả: Lê Thu Hạnh
Biên tập và đạo diễn dàn dựng: Võ Thị Thu Hồng
Thiết kế sân khấu: Họa sĩ Tuấn Hùng
Âm nhạc: Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh
Đạo diễn truyền hình: NSƯT Trung Nam
Diễn viên: NSƯT Tuyết Thu, Mai Huỳnh, Quốc Thảo, Ngọc Tưởng, Hoàng Vân Anh, Quang Thái, Gia Linh...
"Bản sắc phương Nam" (Ban Ca nhạc)
Kịch bản: Minh Trí
Biên tập: Thu Thương - Minh Trí
Đạo diễn truyền hình: Minh Thiện
Đạo diễn dàn dựng: Hồng Phước
Hoạ sĩ thiết kế: Vĩnh Thuyên
Quay phim: Quốc Hưng, Kim Hoàn.
Bản sắc Phương Nam là câu chuyện về cuộc hành trình khám phá nét văn hóa độc đáo của người Nam bộ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung thông qua một nhân vật người ngoài hành tinh lần đầu đến với trái đất. Không chỉ dừng lại ở những tác phẩm âm nhạc đậm dấu ấn dân tộc, Bản sắc Phương Nam đưa tới cho người xem một hơi thở mới mẻ, trẻ trung thông qua những phân cảnh sử dụng đồ họa bắt mắt, hiện đại, những bản hòa âm phối khí bắt kịp thị hiếu âm nhạc của người trẻ. Bản sắc Phương Nam là nơi những giá trị văn hóa dân tộc được tỏa sáng, tôn vinh cùng những giá trị hiện đại.
Ý tưởng thực hiện tác phẩm này từ thực tế xã hội khi giới trẻ đang dần đánh mất đi những bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc. Tác phẩm Bản sắc Phương Nam đưa tới người xem những hơi thở mới thông qua hòa âm phối khí của ca khúc hay việc sử dụng đồ họa bắt mắt và ẩn sâu trong đó là giá trị nhân văn cao cả.
Biên tập viên Minh Trí chia sẻ: “Điều êkip tâm đắc nhất trong Bản sắc Phương Nam là hai chữ “bản sắc”. Đó là giá trị lớn nhất trong văn hóa của mỗi dẫn tộc, bản sắc sẽ kết nối mọi người với nhau, hay nói cách khác muốn hiểu con người nơi đó thì hiểu bản sắc văn hóa của họ. Trong thời kỳ bùng nổ về mọi mặt, con người dễ quên bản sắc văn hóa của mình. Chính vì thế, tác phẩm Bản sắc Phương Nam gởi thông điệp vào việc gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
BTV Minh Trí
"Người Thầy" (Trung tâm Tin tức)
“Gắn với nghề phóng viên truyền hình 3 năm nhưng chưa có nhân vật nào để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi như thầy Phạm Đông Phương. Chính những đức tính cao quý của thầy trong nghịch cảnh là nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ thôi thúc tôi “sống chết” thực hiện phóng sự Người Thầy với nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống” - Biên tập viên Thanh Tuyền (Trung tâm Tin tức) đã nói như thế về tác phẩm lần đầu đoạt huy chương vàng của mình.
Chị cho biết, khi xem chương trình Biệt đội phấn trắng phát sóng trên kênh HTV9, chị rất cảm phục thầy Phạm Đông Phương, giáo viên dạy môn Vật lý, trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11, TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù câu chuyện về cuộc đời thầy chỉ được giới thiệu ngắn gọn nhưng lại tạo cảm xúc khó tả. “Tôi vội ghi lại những dòng thông tin ngắn ngủi và tìm cách liên hệ thầy Đông Phương để thực hiện phóng sự ngắn nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tuy nhiên, tôi rất buồn khi thầy Phương từ chối vì cho rằng những thử thách đã đối diện chỉ là khó khăn trong cuộc sống mà rất nhiều người khác đều có thể vượt qua”.
Thanh Tuyền cho biết thêm: “Tôi rất bất ngờ khi thầy Phương gọi điện cho tôi và bảo thầy đồng ý. Tôi rất mừng và càng quyết tâm thực hiện phóng sự này bằng tất cả tâm huyết của mình để thể hiện đúng nhất hình ảnh, con người thật của thầy Phương: người thầy đơn giản, tận tâm và yêu nghề, yêu học trò hơn cả mạng sống của mình. Trong buổi chiều tiếp xúc và trò chuyện với thầy Phương cũng như các đồng nghiệp, học sinh, hình ảnh thầy Phương, nhân cách “người gieo chữ” khiến tôi càng thêm kính phục.
Tôi trằn trọc nhiều đêm liền, trong đầu hiện lên suy nghĩ về mạch phim để lan tỏa câu chuyện đẹp về tình yêu thương, nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan của một con người chưa từng từ bỏ ước mơ làm giáo viên như thầy Phương. Vì gia cảnh khó khăn, gần 40 tuổi thầy Phương mới thực hiện ước mơ được đứng trên bục giảng. Tai ương cuộc đời giáng xuống, thầy phải vượt qua căn bệnh ung thư gan quái ác để tiếp tục thực hiện đam mê với công việc giảng dạy. Mạch phim từ đó hình thành… Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn, liệu những điều tôi cảm nhận về thầy có phải là chủ quan trong khi thầy luôn nói: “đó là chuyện bình thường trong cuộc sống”. Tôi chợt nhận ra, những điều tốt đẹp nằm trong cái bình thường, giản dị, như tấm gương thầy Phương. Tôi đã gặp đạo diễn Võ Gia Ninh, chia sẻ ý tưởng thực hiện phóng sự chân dung thầy Phương và nhận được câu trả lời khiến tôi tăng thêm niềm tin: “Mình bắt tay làm thôi!”. Đó cũng là thời điểm nước rút Trung tâm Tin tức thực hiện và lựa chọn những tác phẩm tham gia dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38 nên giám đốc Trung tâm động viên tôi cố gắng hoàn thành tác phẩm một cách nhanh nhất.
Cảnh quay trong phóng sự "Người Thầy"
Buổi quay cuối cùng chính là ngày cơn bão số 9 (Usagi) đổ bộ vào TP. Hồ Chí Minh. Ban Phụ trách phòng Đạo diễn - quay phim đã gọi điện hỏi tôi có đi quay hay không vì với tình hình bão xoáy khá nguy hiểm. Tôi quyết định phải đi. Mưa trắng trời, nước ngập sâu, nhiều xe chết máy, cây đổ. Tôi thật sự hồi hộp và lo sợ đây sẽ là quyết định khiến mình hối hận nếu chẳng may xảy ra điều gì bất trắc, gây nguy hiểm không chỉ cho riêng tôi mà còn với đồng nghiệp. Do quãng đường đến nhà thầy Phương khá xa nên chúng tôi xuất phát từ lúc 16 giờ và đến gần 22 giờ mới về đến Đài. Bước vào cửa cơ quan, tôi nhẹ nhõm cả người vì chúng tôi đã hoàn thành những cảnh quay đắt giá. Đạo diễn Gia Ninh cũng không ngần ngại trời mưa như trút nước vẫn ôm máy quay thêm cảnh cận những giọt mưa dù anh vừa hồi phục sức khỏe sau cơn bệnh nặng. Tôi quả thật may mắn vì luôn có những đồng nghiệp tận tâm với công việc như vậy.
Hạnh phúc, vinh dự và biết ơn. Đó là cảm xúc của tôi khi nghe tin phóng sự Người Thầy đạt huy chương vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38. Người mà tôi muốn gửi lời cảm ơn nhất trong giây phút được vinh danh và trao tặng huy chương vàng chính là thầy Phạm Đông Phương, người đã truyền cảm hứng và động lực mạnh mẽ để tôi hoàn thành một phóng sự ý nghĩa".
Minh Diệu