Dù số lượng chỉ đếm trên đầu các ngón tay, nhưng phim truyện ca nhạc (điện ảnh và truyền hình) Việt vẫn có sức sống riêng, và là thể loại còn nhiều tiềm năng cho các nhà làm phim khai phá.
Phim ca nhạc Việt từ trái qua: Bếp hát - Cho một tình yêu - Hát ca bềnh bồng - Mùa viết tình ca
Đôi điều về phim ca nhạc Việt
Phim ca nhạc là thể loại trong đó âm nhạc và trình diễn là cách dẫn dắt chính của mạch phim, hoặc phim được kết nối trên sự kết hợp giữa âm nhạc, các điệu nhảy, bài hát… Tính từ Broadway Melody ra đời năm 1929, phim ca nhạc Hollywood đã có rất nhiều tác phẩm gây “sốt” toàn cầu, như gần đây là La La Land (đoạt 6 giải Oscar 2017), Người đẹp và quái vật (Beauty and the Beast), Bậc thầy của những ước mơ (The Greatest Showman 2017), Mama Mia! Yêu lần nữa (Mamma Mia! Here We Go Again 2018). Tuy nội dung đơn giản, nhưng phim ca nhạc rất cuốn hút bởi thông điệp giàu nhân văn, âm nhạc truyền cảm xúc, cảnh quay đẹp long lanh và dàn diễn viên “hot”.
Ở Việt Nam, nhiều năm trước xuất hiện một số phim được xem là “phim ca nhạc” như: Lương tâm bé bỏng, Em còn nhớ hay em đã quên, Em muốn làm người nổi tiếng, Chuyện tình Sài Gòn (điện ảnh), A Cappella, Đam mê, Sau những giấc mơ hồng (truyền hình)… kể về ước mơ, khát vọng trở thành ca sĩ với dàn diễn viên chính là ca sĩ ngoài đời như: Ngô Thanh Vân, Hứa Vĩ Văn - phim Chuyện tình Sài Gòn; nhóm AC &M– phim A Cappella; Cao Thái Sơn – phim Đam mê. Nhưng phải chờ đến Giải cứu thần chết (2009) và Những nụ hôn rực rỡ ( 2010), Việt Nam mới chính thức có phim ca nhạc. Được thực hiện khá công phu, hoành tráng từ bối cảnh đến âm nhạc, diễn xuất, hai phim này đã tạo được hiệu ứng rất tốt với khán giả. Tiếp sau đó, một loạt phim ca nhạc ra đời như: Sài Gòn Yo, Vũ điệu đam mê, Cho một tình yêu (36 tập), Hạnh phúc quanh ta (30 tập), Hát ca bềnh bồng ( 40 tập), Vết xước ( 60 tập), Bếp hát (13 tập)…
Ca sĩ Mỹ Tâm trong phim Cho một tình yêu
Có lẽ do Cho một tình yêu và Bếp hát ( 2014) nhận về nhiều chỉ trích ở phần diễn xuất và lời thoại, nên mãi đến năm ngoái phim ca nhạc mới trở lại với Glee (phiên bản Việt). Được đầu tư công phu về mặt âm nhạc với nhiều bản “hit” và dàn diễn viên “hot” như Đỗ An, Yaya Trương Nhi, Rocker Nguyễn, Angel Phương Trinh, Hòa Minzy, Bích Ngọc Idol, Thái Trinh… Glee nhận được điểm cộng về âm nhạc và hình ảnh.
Còn mới nhất là Mùa viết tình ca ra mắt vào cuối tháng 8 cũng dành được nhiều thiện cảm khi nội dung nói về tình bạn, tình yêu và niềm đam mê cho nghệ thuật, âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng, cùng dàn diễn viên được bảo chứng về giọng hát và diễn xuất như Isacc, Phan Ngân, Puka, Hoàng Phi…Và tháng 11 tới, Yolo đề cập đến người trẻ dấn thân theo đuổi đam mê âm nhạc, với dàn diễn viên là ca sĩ hot như: Tóc Tiên, Soobin Hoàng Sơn, Cường Seven sẽ ra mắt.
Cảnh trong phim Những nụ hôn rực rỡ
Chưa thể phát triển mạnh mẽ
So với các thể loại khác, phim ca nhạc Việt vẫn còn quá ít về số lượng. Vì thế, trong bối cảnh các thể loại phim khác đã “bội thực” thì phim ca nhạc vẫn là “mảnh đất giàu tiềm năng” để thu hút khán giả. Tuy nhiên, như đạo diễn Vương Quang Hùng của phim Vết xước (đã phát sóng trên HTV9) từng chia sẻ, làm phim ca nhạc phải đầu tư nhiều hơn thể loại phim tâm lý tình cảm. Trong khi một bộ phim tâm lý tình cảm thường chỉ sử dụng 3 - 5 bài hát, thì nhà sản xuất Vết xước phải bỏ thêm khoản chi lớn cho phòng thu, phối nhạc và trả tác quyền cho 120 bài hát sử dụng trong phim, dù có bài chỉ hát vài câu thôi. Còn đạo diễn phải suy nghĩ, cân nhắc chọn bài hát như thế nào cho phù hợp, cài bài hát vào tình huống nào, cho nhạc len lỏi ra sao cho dễ chịu để khán giả đỡ “sốc”, bởi có khi nhân vật đang ngồi chơi, ăn cơm hay uống cà phê, nấu bếp… bỗng cất tiếng hát.
Tương tự, Hát ca bềnh bồng (đã phát sóng trên HTV7) có 120 bài hát, trung bình 3 bài hát/tập với các thể loại nhạc: nhạc trẻ (Rock) sôi động, nhạc Pop- Ballad nhẹ nhàng, dân ca (hò, vọng cổ) hay kết hợp giữa hò và đọc rap. Được đánh giá: “Âm nhạc là yếu tố cốt lõi và làm nên cái hồn cho Glee”, ê kíp sản xuất phải đối mặt với thử thách rất lớn, khi những ca khúc nổi tiếng như Anh cứ đi đi, My Everything, Don’t You Go, Quá khứ còn lại gì, Yêu mình anh, Bác làm vườn và con chim sâu được phối mới, đầu tư kỹ về cách dàn dựng, mash-up (phối nhiều bài hát lại) để bắt tai và hấp dẫn hơn. Do vậy, chỉ riêng phần âm nhạc đã khiến một bộ phim ca nhạc có giá thành sản xuất cao hơn rõ rệt.
Cảnh trong phim Hát ca bềnh bồng
Một gian nan khác cho phim ca nhạc là chọn diễn viên. Nếu chọn diễn viên hay người mẫu có thể diễn xuất tốt nhưng lại không hát hay được; ngược lại chọn ca sĩ hát hay chưa chắc đã diễn xuất giỏi. Khi làm phim Những nụ hôn rực rỡ, nhà sản xuất đã tuyển chọn 4 chàng trai cho nhóm ca nhạc 4U từ hàng trăm thí sinh của cuộc thi Nốt nhạc ngôi sao trong suốt gần một năm.
Trong phim Vết xước, các diễn viên đóng vai chính Lân Nhã, Hồng Kim Hạnh ngoài đời là ca sĩ kiêm diễn viên nên diễn xuất và ca hát rất tốt. Ở phim Bếp hát, Cho một tình yêu, Glee các diễn viên như Mỹ Tâm, Quang Dũng, Tuấn Hưng, Tú Vi, Văn Anh, Lam Trường, Yaya Trương Nhi, Rocker Nguyễn, Thái Trinh… được khen về ca hát nhưng bị chê bởi diễn xuất gượng gạo.
Ca sĩ Issac trong phim Mùa viết tình ca
Một điểm cộng cho hầu hết phim ca nhạc Việt ra mắt trong thời gian qua là không chỉ chú trọng về phần âm nhạc mà còn chọn bối cảnh đẹp. Trong đó, Cho một tình yêu có bối cảnh chính ở phố cổ Hội An; Những nụ hôn rực rỡ trưng dụng cả một khu resort ở Khánh Hòa để quay những khung hình cực kỳ đẹp mắt, lãng mạn; Hát ca bềnh bồng có nhiều cảnh sông nước miền Tây Nam Bộ sống động; Vết xước có hơn 50% bối cảnh quay ở Lâm Đồng còn nguyên nét đẹp hoang sơ; Mùa viết tình ca là khung cảnh biển xanh, cát trắng mang vẻ đẹp tinh tế và sôi động của Mũi Né (Phan Thiết).
Nhưng để có được những khung hình đẹp long lanh, giàu cảm xúc thì cũng đồng thời tăng thêm ngân sách cho phim.
Dàn diễn viên trong phim Bếp hát
Nhìn chung, một số khó khăn trên đã khiến cho phim ca nhạc Việt chưa thể phát triển mạnh mẽ. Và trong khi phim ca nhạc Hollywood liên tục khuấy đảo toàn cầu, thì kỳ vọng về một vài tác phẩm có thể tạo nên cơn sốt khiến khán giả phát cuồng vẫn là “giấc mơ” với phim ca nhạc Việt.
Đan Khanh