Chiếm vị trí chủ đạo trong hầu hết phim Việt phát sóng trên màn ảnh nhỏ gần đây, đề tài gia đình tuy đã khá quen thuộc nhưng vẫn còn là “mảnh đất màu mỡ” đầy ắp chất liệu, tạo được sức hút đáng kể với đông đảo khán giả.
"Những đứa con từ trên trời rơi xuống" là câu chuyện hài hước mà cảm động về tình cha con
Gần đây, bật qua giờ chiếu phim Việt của các kênh truyền hình mỗi ngày, khán giả dễ dàng điểm mặt một loạt phim đề tài gia đình hoặc có ít nhiều liên quan đang phát sóng. Chẳng hạn như: Gia đình là số 1- phần 2, Chồng à vợ ơi, Sống gượng, Muôn kiểu làm dâu, Bán chồng, Đánh cắp giấc mơ, Tiếng sét trong mưa, Hoa hồng trên ngực trái, Những đứa con từ trên trời rơi xuống, Tình mẫu tử, Vòng tròn tội lỗi, Tấm lòng của biển… Trong đó, nhiều câu chuyện, nhân vật, tình tiết phim đã trở thành những đề tài bàn tán, chia sẻ sôi nổi của khán giả từ trong nhà ra ngoài đường, trên các diễn đàn truyền thông, mạng xã hội.
Sở dĩ có được sự “ưu ái” phát sóng của các nhà đài dành cho loạt phim đề tài gia đình hiện nay là nhờ sự thành công ở mức “gây bão” của nhiều bộ phim dài tập trước đó, như: Gạo nếp gạo tẻ, Sống chung với mẹ chồng, Gia đình là số 1- phần 1… Về phía khán giả, tuy đề tài gia đình không hoàn toàn là mới, thậm chí đã trở nên khá quen thuộc, nhưng với người Việt thì bao giờ gia đình là nền tảng văn hóa, giáo dục góp phần hình thành tính cách, tâm lý hay quyết định quan trọng của mỗi người. Do vậy, khán giả Việt ưa chuộng phim đề tài gia đình là điều dễ hiểu.
Gia đình là số 1 – phần 2 lý giải những mối quan hệ của các thành viên trong một đại gia đình
Một điều khiến cho đề tài gia đình gần đây được khán giả quan tâm còn là bởi sự chuyển mình mạnh mẽ của các nhà làm phim. Dù cùng chung đề tài lớn là gia đình nhưng mỗi bộ phim lại có cách kể câu chuyện khác nhau. Chẳng hạn như có phim thì tập trung vào mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu (phim Muôn kiểu làm dâu), phim thì xoay quanh cuộc đời người cha, người mẹ và những đứa con gái hay cả trai lẫn gái (phim Những đứa con từ trên trời rơi xuống, Tấm lòng của biển), phim lại chọn sự khác biệt suy nghĩ, quan niệm giữa các thế hệ trong gia đình để phản ánh (phim Gia đình là số 1), phim kể về những đứa trẻ mồ côi lớn lên trong sự khát khao mái ấm gia đình và tình thân ruột thịt (phim Sóng mồ côi), phim lên án sự bạo hành trong gia đình - vấn nạn khiến xã hội luôn nhức nhối (phim Sống gượng)…
Chính sự phong phú, đa dạng ấy đã mang đến cho khán giả những bộ phim giàu chất “đời” và gần gũi, không đao to búa lớn hay đưa ra những thông điệp quá xa xôi, khiến họ đâu đó nhìn thấy cuộc sống, tâm tư và suy nghĩ bản thân, những người xung quanh trong câu chuyện trên màn ảnh nhỏ. Cách xây dựng các nhân vật tuy phải trải qua nhiều thăng trầm, bi kịch bởi “nhân vô thập toàn” hay mâu thuẫn trong gia đình vẫn là vấn đề muôn thuở, nhưng ở mỗi bộ phim đều đọng lại sự chân tình, tình cảm yêu thương, sự ấm áp của hai chữ “gia đình” thiêng liêng.
Cảnh trong phim Sống gượng lên án vấn nạn bạo hành trong gia đình
Từ sự thành công và hiệu ứng khán giả khá tốt của nhiều bộ phim gần đây cũng cho thấy, đề tài gia đình vẫn còn là “mảnh đất màu mỡ” với những người làm phim. Dù chất liệu luôn mới mẻ và đầy ắp nhưng làm sao để chuyển tải lên màn ảnh nhỏ thành những câu chuyện thu hút sự đồng cảm của đông đảo khán giả lại không dễ dàng. Một đại diện của nhà sản xuất Mega GS nhận xét: “Hiện nay, dù khán giả đang rất thích phim về đề tài gia đình nhưng sớm hay muộn cũng phải có hướng mở rộng sang cả đề tài mới. Bởi thực tế cho thấy, dù vẫn theo đề tài được ưa chuộng song không phải bộ phim nào cũng thành công. Có bột để gột nên hồ, kịch bản là khâu đầu tiên để có được một bộ phim hay, nhưng vẫn phải là sự đầu tư bài bản từ cả kịch bản, dàn diễn viên có diễn xuất tốt, lẫn kỹ thuật và công nghệ làm phim. Đây là những điều cần làm của phim truyền hình Việt nói chung, chứ không riêng phim đề tài gia đình”.
Theo dự báo, phim truyền hình dài tập, phim sitcom về đề tài gia đình vẫn sẽ nối tiếp nhau lên sóng màn ảnh nhỏ, khi đã có khá nhiều dự án hoàn thành hoặc đang quay, sắp khởi quay. Nhà biên kịch Châu Thổ cũng cho rằng, nếu phim truyền hình Việt cứ bám theo đề tài gia đình trong một thời gian dài thì khán giả rồi sẽ mau chóng cảm thấy nhàm chán. Bởi xã hội và cuộc sống hàng ngày vốn muôn màu muôn sắc, nên những câu chuyện trên phim truyền hình cũng cần phải có sự phong phú và đa dạng, mới mẻ.
"Tấm lòng của biển" kể về tấm lòng bao dung của một người mẹ
Do vậy, bên cạnh sự đầu tư sáng tạo và tâm huyết của tập thể biên kịch, đạo diễn, diễn viên, ê-kíp làm phim thì rất cần lắng nghe những ý kiến phản hồi của khán giả trên các diễn đàn, để qua đó có thể điều chỉnh và tạo ra những bộ phim đề tài gia đình luôn thú vị và cuốn hút. Có như thế, dòng phim về đề tài gia đình mới đứng vững được dài hơi trong dòng chảy chung của các đề tài khác, để góp phần làm nên sự hy vọng vào sự khởi sắc lâu bền của phim truyền hình Việt.
Đan Khanh