Đề tài nông thôn với những thay đổi trong cuộc sống, con người cùng vẻ đẹp của nếp sinh hoạt, làng nghề truyền thống, bối cảnh làng quê… được khắc họa đa dạng, luôn mang đến một màu sắc rất riêng trong mảng phim truyền hình Việt.
Cảnh trong phim “Đất mặn”
Nông thôn Việt Nam, trong đó có miền sông nước Tây Nam bộ từng là đề tài được khai thác trong nhiều bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích. Chẳng hạn như Vịt kêu đồng (TFS sản xuất) lấy cảm hứng từ hoạt động chăn vịt chạy đồng – một hoạt động sinh kế gắn liền với tự nhiên rất quen thuộc với nhiều bà con miền Tây Nam bộ qua bao đời. Hương phù sa (TFS sản xuất) kể về nghề đóng ghe xuồng truyền thống có lịch sử hơn 100 năm ở Bến Tre và quá trình khôi phục, phát triển công việc mà ông cha đã để lại của lớp trẻ ngày nay. Bồng bềnh trên sông (phát trên HTV7) đậm chất miền Tây sông nước với câu hò đối đáp, điệu nhạc của đờn ca tài tử, cảnh mua bán ở chợ nổi… và những số phân con người bồng bềnh trên sông nước.
Cá rô, em yêu anh (phát trên HTV9) xoay quanh ước mơ và hoài bão của những người trẻ tuổi ở làng vú sữa Vĩnh Kim (Tiền Giang) được xây dựng với đầy đủ những hỉ nộ ái ố. Ráng chiều ấm áp (TFS sản xuất) là phim tâm lý đương đại nhưng bối cảnh thực hiện ở nông thôn, chuyển tải câu chuyện về tình yêu với những nghịch cảnh, ma lực của đồng tiền khiến các giá trị đảo lộn…
Cảnh trong phim “Ráng chiều ấm áp”
Những bộ phim truyền hình có đề tài về nông thôn khác (từng phát trên HTV) như: Tình ca cao, Tiếng tơ đồng, Đua nhau làm giàu, Đất mặn,Về quê cưới vợ, Chuyện tình làng hoa, Qua ngày giông bão, Lúa trổ bông, Chuyện làng bè, Tay chơi miệt vườn, Bìm bịp kêu chiều, Hương bưởi, Cỏ biếc, Cá lên bờ, Sông trôi muôn hướng, Dòng sông định mệnh, Mặn hơn muối, Đảo khát… đều mang màu sắc sinh động, thời sự về đời sống người nông dân (nuôi cá tra, cá bè, trồng bưởi Năm roi, trồng lúa cao sản xuất khẩu, trồng rau sạch, trồng hoa, làm muối, đánh cá…), sự hồn hậu và giản dị của người dân miền quê được thể hiện qua từng nhân vật. Bối cảnh chính của chúng được quay ở nhiều nơi như Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An, Bình Dương, Củ Chi… với những khung hình làng quê thanh bình, không gian mở rộng và đem đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị.
Ở thời “hoàng kim” của phim truyền hình dài tập, đề tài về nông thôn “nở rộ” và trở thành một dòng phim được đông đảo khán giả ưa chuộng. Nhưng vài năm trở lại đây, phim về đề tài nông thôn dường như thưa vắng trước sự thành công về rating (chỉ số khán giả) của phim đề tài hôn nhân, gia đình hay chuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Chiều theo thị hiếu khán giả, phần lớn những bộ phim này thường có nội dung xoay quanh chuyện đôi lứa yêu nhau, mâu thuẫn gia đình: mẹ chồng - nàng dâu, ngoại tình… cùng dàn diễn viên ngoại hình đẹp, ăn mặc thời trang, bối cảnh sang trọng.
Cảnh trong phim “Cỏ biếc”
Thế nên, dù đề tài nông thôn và đời sống làng quê luôn là nguồn chất liệu phong phú và dồi dào cho các nhà làm phim, nhưng theo nhà biên kịch Châu Thổ thì kịch bản là một trong những nguyên do khiến phim đề tài nông thôn gặp khó khăn. Bởi vì kịch bản vừa phải giữ được đặc trưng của làng quê, vừa phải cập nhật xu hướng hiện đại, cùng cách xây dựng câu chuyện sao cho gần gũi với cuộc sống nông thôn mới ngày nay.
Song lâu nay, số đông nhà biên kịch đã quen với việc viết kịch bản mang tính giải trí thiên về chuyện tình yêu, gia đình… vừa dễ viết và viết nhanh. Ngay cả diễn viên hay các đạo diễn trẻ hiện nay cũng rất bận rộn với những đề tài khác, nên ngại đi thực tế để tìm hiểu kỹ về cuộc sống nông thôn để mà diễn xuất hoặc làm phim cho đề tài này.
Có một cái khó nữa là nhắc đến phim về nông thôn, muốn cho phần đông khán giả cảm thấy thú vị và quan tâm đến thì phải có cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre, cánh đồng lúa… Đây là những bối cảnh nông thôn vốn đã “ăn sâu” vào tâm trí của những người lớn tuổi và trở thành sự mới lạ, gây tò mò với giới trẻ đang quá quen với nông thôn đang được “thành phố hóa”. Chính vì vậy, để dựng lại những khung cảnh xưa thì rất khó, còn sử dụng kỹ xảo hay dựng cảnh bằng 3D thì khó đạt được sự sinh động và chân thật, thế nên các đạo diễn làm phim về đề tài nông thôn cũng bị hạn chế về sức sáng tạo và tốn thời gian tìm bối cảnh thật.
Cảnh trong phim “Lúa trổ bông”
Trên thực tế, đặt trong sự phong phú và đa dạng về đề tài của phim truyền hình, thì phim về nông thôn cũng là sự thay đổi để mang đến khẩu vị mới cho khán giả. Bởi nếu xem mãi những phim đề tài thành thị với bối cảnh quen thuộc của văn phòng, xe ô tô, trung tâm thương mại, nhà phố sang trọng… khán giả sẽ nhàm chán, nên khi chuyển sang bối cảnh sông nước, cánh đồng, làng quê thanh bình, họ cảm thấy thú vị hơn hẳn.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần – người từng rất thành công với những bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn miền Bắc tạo được tiếng vang về chất lượng cũng như rating khán giả – tin rằng, hiện nay tuy có nhiều cái khó nhưng phim đề tài nông thôn, nếu làm tốt thì sẽ vẫn hay và không bị lạc hậu. Ngay cả khi nông thôn đã được “bê tông hóa” thì tập trung khai thác đề tài nông thôn theo một hướng mới, gần gũi, pha lẫn bi - hài như đời thực sẽ tạo nên một diện mạo nông thôn mới trên màn ảnh nhỏ.
Cảnh trong phim “Cô Thắm về làng”
Vì vậy, gần đây sự xuất hiện một vài phim truyền hình có đề tài hay bối cảnh liên quan đến nông thôn mới như: Cô Thắm về làng, Về quê ăn tết, Ráng chiều ấm áp, Con ông Hai Lúa, Con nhà người ta… đã nhận được sự quan tâm của cả khán giả lớn tuổi lẫn giới trẻ. Được biết, vẫn đang có một số nhà sản xuất và đạo diễn dành tâm huyết cho việc đầu tư và thực hiện phim truyền hình (hay sitcom) về đề tài nông thôn.
Đan Khanh