Phim kịch bản thuần Việt đang trở lại mạnh mẽ và được yêu thích

Những bộ phim truyện được trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2019 như: Đảo khát, Những khúc sông dậy sóng… hay tạo được “sốt” với rating cao trong năm 2019 đều có kịch bản thuần Việt và chỉn chu về chất lượng.

Phim “Không có gì và không một ai”

Sau vài năm bị trào lưu “remake” (làm lại) phim nước ngoài lấn lướt, năm 2019 chứng kiến sự khởi sắc trở lại của phim truyền hình có kịch bản thuần Việt. Không chỉ đa dạng về đề tài và thể loại, trong đó nhiều phim tạo được mức rating khán giả từ khá cao đến rất cao khi phát sóng trên các kênh truyền hình có độ phủ sóng rộng khắp. Có thể điểm danh loạt phim kịch bản thuần Việt đã phát sóng như: Cô Thắm về làng - phần 4, Hoa cúc vàng trong bão, Ngũ Hợi tấn hỉ, Thế là Tết, Vương tơ, Bến bờ yêu thương, Bán chồng, Nàng dâu order, Hoa hồng trên ngực trái, Về nhà đi con, Đánh cắp giấc mơ, Tình mẫu tử, Nhà ông Hoàng có vàng, Trả em kiếp này…

Đặc biệt, được truyền cảm hứng và những tín hiệu khả quan từ khán giả dành cho phim truyền hình dài tập, Hãng phim TFS (Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh) đã ra mắt nhiều phim kịch bản thuần Việt phát sóng trên khung 22g của HTV9, như: Mùa cúc susi, Sóng mồ côi, Sóng ngầm, Sống gượng, Ráng chiều ấm áp, Rừng thiêng, Những chuyên án lạ, Dặm đường công lý, Đảo khát… Trên kênh HTVC Thuần Việt cũng giới thiệu khá nhiều phim có kịch bản thuần Việt như: Hoàng tử anh ở đâu, Lẩn khuất một tên người, Lao công bí ẩn, Sao miệt vườn, Mật danh Rocker, Không có gì và không một ai, Những sắc màu hôn nhân…


Phim “Lẩn khuất một tên người”

Theo đánh giá của giới làm nghề thì nhiều bộ phim kịch bản thuần Việt phát sóng trong năm 2019 đã kịp thời nắm bắt thị hiếu khán giả và phân khúc khán giả trẻ, khán giả đô thị rất được quan tâm. Còn các bộ phim mới sản xuất và nhanh chóng được phát sóng như Mùa cúc susi, Rừng thiêng, Ráng chiều ấm áp… cho thấy một Hãng phim TFS trong tâm thế mới, đánh dấu phong cách và xu hướng mới, xác định mục tiêu theo hướng “khán giả luôn là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu, nội dung phim vì thế sẽ có nhiều yếu tố phù hợp với thị hiếu khán giả hiện nay hơn, như: hiện đại, hấp dẫn, bắt mắt hơn”.

Phim “Sống gượng”  

Nhìn trên bức tranh tổng thể thì nhiều bộ phim có kịch bản thuần Việt phát sóng trong năm 2019 được đầu tư khá chỉn chu từ kịch bản hấp dẫn, đạo diễn đổi mới phong cách, bối cảnh chân thực và bắt mắt, diễn xuất của dàn diễn viên đồng đều và tròn vai. Bởi để có thể thu hút đông đảo khán giả trở lại thì phim truyền hình Việt ở thời điểm hiện tại bắt buộc phải thực tế hơn, gai góc hơn về kịch bản, càng bám sát đời sống xã hội càng tốt. Về mặt kỹ thuật, ngoài những yếu tố đầu tư về bối cảnh, nhịp phim phải được đẩy nhanh, tránh sự rườm rà, lan man và các đạo diễn nhất định phải thay đổi gu làm phim. 

Ở phía Nam, cùng với sự trở lại vững vàng của TFS, một số nhà sản xuất lâu năm như M&T Pictures, Mega GS, Blue Light… cũng rất chú trọng chọn lọc kịch bản, đội ngũ làm phim từ đạo diễn đến dàn diễn viên có tay nghề và thực lực, chỉn chu về bối cảnh, kỹ thuật... để có được sản phẩm chất lượng tốt nhất. 

Tuy nhiên, có một thực tế đã ghi nhận nhiều năm qua là nguồn kịch bản phim thuần Việt dù có được cải thiện đến đâu thì cung vẫn không đủ cầu. Bởi sau đội ngũ biên kịch có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm để sáng tác kịch bản thuần Việt như: Phạm Thùy Nhân, Châu Thổ,  Đỗ Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Mộng Thu… đang thiếu người kế nghiệp. Theo biên kịch Đặng Thanh thì đội ngũ người viết kịch bản trẻ hiện nay khá đông, tuy nhiên các bạn trẻ nhiều ý tưởng nhưng không “gút” được, không có người truyền lửa, không được đào tạo chuyên sâu về biên kịch. 

Phim “Sóng mồ côi”

Hơn nữa, kha khá biên kịch trẻ hiện nay không chỉ thiếu vốn sống, thiếu kinh nghiệm mà còn bị phân tán bởi nhiều loại hình giải trí khác, thế nên ngại đầu tư thời gian và chăm chút cho kịch bản phim truyền hình dài tập. Trong khi để thành công trong nghề biên kịch cần có sự tổng hợp của nhiều yếu tố: đam mê, năng khiếu, vốn sống, trí tưởng tượng và kỹ năng viết. Bởi không đủ số lượng kịch bản thuần Việt có chất lượng tốt, nên các nhà sản xuất vẫn phải khai thác từ nguồn kịch bản “remake” (làm lại) từ phim nước ngoài để bù đắp.

“Dù phim làm lại hay phim kịch bản thuần Việt thì điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng nội dung phải chạm đến trái tim khán giả. Cho nên phim truyền hình Việt muốn chinh phục được đông đảo khán giả thì đầu tiên phải có được những kịch bản thuần Việt hay, đề tài được xã hội quan tâm, sự đầu tư chỉn chu của nhà sản xuất và một ê-kíp làm phim chuyên nghiệp” - Đại diện Mega GS cho biết. 

Phim “Ngũ Hợi tấn hỉ”

Bước sang năm 2020, mong rằng sẽ có nhiều hơn những bộ phim truyền hình Việt phát sóng thu hút được khán giả màn ảnh nhỏ với chỉ số raiting cao, hay tạo được “trend” (xu thế) và gây “sốt” mang đến nhiều cảm hứng và động lực, tiếp sức cho các nhà sản xuất càng nâng cao chất lượng và đầu tư hơn nữa. Có như vậy, phim truyền hình Việt mới có được “ đà” để dần dần trở lại thời hoàng kim của loại hình như từng xác lập. 

“Trong các loại hình giải trí trên màn ảnh nhỏ thì có thể ví phim truyện truyền hình dài tập là món “cơm” mà số đông khán giả nhiều độ tuổi khác nhau vẫn ưa dùng hơn cả ở cuộc sống hàng ngày. Nếu “cơm” thường xuyên ngon, hợp khẩu vị và không gây chán ngán thì họ sẽ ủng hộ nhiệt tình” – Một nhà sản xuất lạc quan chia sẻ. 

Đan Khanh