Khán giả đang thay đổi, ngày càng có thẩm mỹ và mong muốn được xem những bộ phim truyền hình kịch bản thuần Việt có nội dung hay. Và chỉ có những sản phẩm chất lượng mới đủ sức cạnh tranh để tồn tại lâu dài.
Cảnh trong phim "Ngày mai bình yên"
Sau những năm tháng hoàng kim, vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt trở nên ảm đạm. Phim hay khan hiếm cộng với sức ép rating và quảng cáo khiến chúng bị co cụm lại trên các đài truyền hình lớn. Từ chỗ chỉ để “lấp sóng”, sitcom đã trở thành thể loại phổ biến bởi ít kinh phí và dễ làm. Phim có kịch bản “Việt hóa” cũng “nở rộ” khiến cho phim có kịch bản thuần Việt trở nên lép vế.
Đáng mừng là trong năm 2018, có khá nhiều phim truyền hình kịch bản thuần Việt như: Nếu còn có ngày mai, Những khúc sông dậy sóng, Thương nhớ ở ai, Ngày mai bình yên, Cung đường tội lỗi, Giọt nước của dòng sông, Khép lại quá khứ, Mộng phù hoa, Con gái bố già, Quỳnh búp bê, Mật mã hoa hồng vàng, Mỹ nhân Sài Thành, Bên kia sông, Nhà ông Hoàng có ma, Con gái chị Hằng, Trả giá, Trái tim của sói, Trả em kiếp này… tuy không tạo nên “đột phá” mạnh mẽ, nhưng được đầu tư chỉn chu về chất lượng, đề tài khá hay, hoặc nêu bật được những vấn đề gần gũi của đời sống, nên ít nhiều đã “góp gió thành bão” giúp cho bức tranh chung của phim truyền hình Việt mang màu sắc tươi sáng hơn.
Cảnh trong phim "Bên kia sông"
“Thừa thắng xông lên” từ những tín hiệu vui ấy, Hãng phim TFS (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh), VFC và các nhà sản xuất tư nhân lâu năm như: M&T Pictures, Mega GS, Aqua Blue… đã và đang tiến hành đầu tư nhiều dự án phim kịch bản thuần Việt “đinh” cho năm 2019. Ngay từ tháng đầu của năm mới, khán giả được chứng kiến sự ra mắt của các phim kịch bản thuần Việt như: Cô Thắm về làng phần 4, Hoa cúc vàng trong bão, Ngũ hợi tấn hỉ, Thế là Tết… Trong đó đáng kể là Mùa cúc susi mở màn cho sự trở lại của TFS với một bộ phim “nóng hổi” vừa sản xuất xong. Thuộc thể loại tâm lý xã hội, câu chuyện trong Mùa cúc Susi dù không quá mới, nhưng thông điệp gửi gắm vẫn vẹn nguyên giá trị: Lưới trời tuy thưa nhưng lồng lộng, người tốt vẫn được trả lại những gì thuộc về mình và được sống trong tình yêu thương, hạnh phúc.
Cảnh trong phim "Khép lại quá khứ"
Theo lời chia sẻ của đạo diễn Phạm Lộc thì Mùa cúc susi là đại diện cho thay đổi sắp tới của TFS theo hướng “xác định khán giả luôn là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu, nội dung phim vì thế sẽ có nhiều yếu tố phù hợp với thị hiếu khán giả hiện nay hơn, như: hiện đại, hấp dẫn, bắt mắt hơn”. Ngoài Mùa cúc susi, TFS đang có những dự án phim kịch bản thuần Việt khác như: Rừng thiêng, Ráng chiều ấm áp được thực hiện theo định hướng vừa kể. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất tư nhân cũng có một loạt phim kịch bản thuần Việt như: Vòng tròn tội ác, Kẻ tàng hình, Ngày đông có nắng, Một chàng ba nàng, Tiếng thét trong mưa sẵn sàng lên sóng màn ảnh nhỏ nay mai.
Cảnh trong phim "Mùa cúc susi"
Có ý kiến cho rằng, quãng thời gian phim Việt thoái trào cũng là để sàng lọc vàng thau. Cuối cùng, chỉ những đơn vị sản xuất có tiềm lực, những nhà làm phim có nghề mới đủ sức trụ lại đến thời điểm này. Đại diện của nhà sản xuất Mega GS cho biết: “Hiện nay, chúng tôi chọn lọc kịch bản, đội ngũ làm phim từ đạo diễn đến dàn diễn viên đều có tay nghề và thực lực, chỉn chu về bối cảnh, kỹ thuật để có được sản phẩm chất lượng tốt nhất trong điều kiện có thể”. Còn đạo diễn Nhâm Minh Hiền từng làm các phim kịch bản thuần Việt như: Mặn hơn muối, Thuyền giấy (đã phát sóng trên HTV) thì chia sẻ: “Nhìn chung, hiện nay hầu hết diễn viên, đạo diễn đều hiểu khó khăn của nhà sản xuất nên họ không đòi hỏi quá nhiều và luôn cố gắng làm tốt vai trò của mình. Tập trung những bối cảnh lạ, hoành tráng; lựa chọn diễn viên kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, đạo diễn lên lịch quay và điều hành khoa học, tránh việc quay đi quay lại lãng phí mà vẫn đảm bảo chất lượng phim”.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền (phim Con gái bố già - đứng đầu top rating ở phía Nam khi phát sóng trong năm 2018) cũng nói rằng: “Hiện tại, kịch bản phim Việt rất cần có thêm những đề tài hay, phản ánh những vấn đề nóng của xã hội, được dư luận quan tâm. Thêm vào đó, đạo diễn cũng phải tự biết cách làm mới mình, thay đổi phương thức thể hiện, tìm kiếm chìa khóa làm nên sự hấp dẫn cho bộ phim. Hãy làm cho khán giả tin vào câu chuyện mình kể thì bộ phim sẽ thành công”.
Cảnh trong phim "Trái tim của sói"
Trên thực tế, sau đội ngũ biên kịch có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm để sáng tác kịch bản thuần Việt như: Phạm Thùy Nhân, Châu Thổ, Đỗ Thị Thanh Hương, Đặng Thanh… đang thiếu người kế nghiệp. Không ít biên kịch trẻ hiện nay không chỉ thiếu vốn sống, thiếu kinh nghiệm, ngại “lao” vào những vấn đề khó và phức tạp mà còn bị phân tán bởi nhiều loại hình giải trí khác để “đánh nhanh thắng nhanh” kiếm tên tuổi và kiếm tiền. Thế nên, phim kịch bản thuần Việt nói riêng hay phim truyền hình Việt nói chung muốn chinh phục được đông đảo khán giả thì đầu tiên phải có kịch bản hay, đề tài được xã hội quan tâm; sau đó là sự đầu tư chỉn chu của nhà sản xuất và một ê-kíp làm phim chuyên nghiệp.
Có thể nói rằng, sự thành công của một số bộ phim truyền hình Việt trong năm 2018 như: Quỳnh búp bê, Con gái bố già, Mật mã hoa hồng vàng… cho thấy sự nhạy bén trong phát hiện đề tài của nhà sản xuất, khả năng tiếp cận vấn đề của đạo diễn, diễn xuất đồng đều và thực lực của diễn viên, sự đầu tư chỉn chu từ đạo cụ, bối cảnh, trang phục, kỹ thuật quay, chiến lược PR và tiếp thị. Nhìn chung, khi tự tin đầu tư vào nội dung kịch bản, đổi mới cách làm phim theo nhu cầu của khán giả thì phim Việt vẫn là một trong những thể loại chương trình được yêu thích trên màn ảnh nhỏ.
Đan Khanh