Phim sitcom vẫn được… mùa

Trong bối cảnh phim truyền hình truyền thống vẫn chưa hết khó khăn thì sitcom tiếp tục là sự lựa chọn hiện nay.


SỰ “NỞ NỒI’ CỦA PHIM SITCOM

Có thể nói, năm 2017 đã chứng kiến sự nở rộ của hàng loạt sitcom ra mắt như: Biệt đội siêu hài, Vợ tui tui sợ, Cười lên vợ ơi, Tiệm tóc tình yêu, Vợ chúa chồng tôi, Con hơn cha, Lắm người nhiều ma, Oan gia bùm chéo, Gia đình vui nhộn, Glee… Trong đó, phải kể đến Gia đình số 1 phát sóng lúc 19g50 trên HTV7 là sitcom được Việt hóa rất thành công, nhờ một kịch bản đề tài gia đình chặt chẽ với những tiếng cười được bật ra từ các tình huống hợp lý, cộng với việc hội tụ một dàn diễn viên diễn xuất đều tay như: NSƯT Việt Anh, Phi Phụng, Quang Tuấn, Diệu Nhi, Tuất Kiệt, Sam, Phát La, Thu Trang, Tiến Luật, Anh Tú…

 Diệu Nhi trong phim "Gia đình là số 1"

Xê-ri sitcom được đầu tư quy mô lớn này đã đạt rating trung bình trên 4.0, có tập trên 8.0 ở khu vực TP. Hồ Chí Minh. Đây là mức rating rất lý tưởng trong thời điểm phim truyền hình đang phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí khác, đặc biệt là các chương trình trò chơi truyền hình.

 

 Phim "Biệt đội siêu hài"

Còn sitcom Xin chào ông chủ xoay quanh một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp, loay hoay với những dự định, ước mơ của bản thân… đã cán mốc 300 tập và đang tiếp tục sản xuất 200 tập tiếp theo để phát sóng trong năm 2018 này. Tuy nhiên, có không ít phim sitcom đã rơi vào vòng luẩn quẩn khi chủ yếu chọn khai thác các vấn đề về gia đình, hoặc bắt chước, mô phỏng theo những phim nổi tiếng, sử dụng những tình huống tạo tiếng cười dễ dãi…

Về thực trạng của phim sitcom, đại diện của M & T Pictures - đơn vị sản xuất phim sitcom cung cấp cho chương trình chiếu phim lúc 12g30 trên HTV7 thời gian qua, đã nhận định rằng, phim sitcom muốn hay thì kịch bản phải sắc sảo, câu chuyện mỗi tập phải có nội dung hấp dẫn. Hiện tại khâu biên kịch không tạo ra kịch bản sitcom hấp dẫn, vì thế không ít phim ra mắt không được khán giả chú ý…

Ở thời điểm này vẫn có hàng loạt phim sitcom đang lên sóng của các kênh truyền hình lớn như Bố là tất cả, Biệt đội tất tần tật, Xin chào hạnh phúc, Những đứa con từ trên trời rơi xuống, La La school, Khi ba mẹ biết yêu, Hội lắm chiêu, Thiên thần 1001, Tám công sở, Có giời mới biết, Chung cư rắc rối, Thần tượng tuổi 300… Bên cạnh đó, sitcom Gia đình Sô-bít của Điền Quân Media & Entertainment đang casting diễn viên...

NHỮNG TÍN HIỆU TÍCH CỰC  

So với năm trước, bên cạnh các câu chuyện về gia đình thì nhiều phim sitcom đang phát sóng của năm 2018 đã mở rộng sang khai thác những  vấn đề liên quan đến giới học đường, giới văn phòng, tuổi trẻ khởi nghiệp, tình yêu đôi lứa thời hiện đại… Ví như Thần tượng tuổi 300 (Group Cast và Điền Quân Media & Entertainment sản xuất) cố gắng mang đến sự mới lạ với một câu chuyện tình yêu lãng mạn, hài hước với những yếu tố huyền bí như hồ ly tinh, người ngoài hành tinh được đặt trong bối cảnh showbiz. Biệt đội tất tần tật với những câu chuyện hài hước, những tình huống oái oăm mang đến cái nhìn đa dạng và đầy bất ngờ về cuộc sống thực của nhóm phóng viên tập sự trong một tờ báo mạng… Ngoài ra, để phần nào giải quyết vấn đề thiếu kịch bản hay, nhiều nhà sản xuất phim sitcom đang tìm đến nguồn kịch bản ngoại từ Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ… mua bản quyền về Việt hóa.

 Phim "Thần tượng tuổi 300"

Cũng với mục tiêu tăng sự thu hút và hấp dẫn khán giả, nhất là giới trẻ, trong nhiều bộ phim sitcom thì ngoài một số vai diễn chính, thứ với sự góp mặt của những nghệ sĩ đã có tên tuổi, sẽ là những gương mặt diễn viên mới và triển vọng nhưng có lượng fan hâm mộ đông đảo trên các trang facebook, hay ở các lĩnh vực khác… đảm nhiệm vai diễn mang tính tạo dựng hình ảnh thần tượng. Chẳng hạn tham gia trong phim Thần tượng 300 đều là những gương mặt mới: Han Sara, các thành viên nhóm Uni5 như Toki (Thành Thỏ), K.O, Tùng Maru, Toof.p… song đều sở hữu lượng fan khá lý tưởng đến từ lĩnh vực ca hát mà họ đang theo đuổi.

Phim truyền hình truyền thống 45 phút/tập từng có những năm tháng hoàng kim, với số lượng phim mới được sản xuất tăng nhanh mỗi năm, lên tới hàng ngàn tập. Ba năm nay, phim 45 tập/phút rơi vào tình trạng èo uột, do chi phí sản xuất cao mà khó thu hồi vốn, đã khiến phim sitcom, vốn giữ vị trí “thế sóng” hay gia vị trước đây và có kinh phí sản xuất thấp… đã có cơ hội “nở nồi”. Nhưng như chia sẻ của một số nhà sản xuất phim 45 phút/tập chuyển qua làm phim sitcom thì tuy chi phí thấp hơn, song kiếm được nguồn kịch bản hay cho phim sitcom không dễ dàng. Việc nở rộ phim sitcom cũng tăng thêm tình trạng thiếu kịch bản. Điều này từng xảy ra với phim 45 phút/tập ở thời “nở nồi”, trước khi chúng bị trò chơi truyền hình soán ngôi. Vì thế, theo đánh giá của giới chuyên môn thì sự có mặt của sitcom là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xem phim trên màn ảnh nhỏ của đông đảo khán giả. Mong rằng, phim sitcom trong thời điểm “nở nồi” sẽ có được nhiều tác phẩm chất lượng với sự đầu tư nhiều mặt để làm hài lòng khán giả và cả giới chuyên môn.

Đan Khanh. Ảnh: Hg.A