Phim tài liệu: Dân tộc Chăm Bà La Môn

Người Chăm gọi các Tháp Chàm là Kalan - có nghĩa là đền lăng, và những cụm tháp thờ thần linh được kết hợp với lăng mộ thờ vua chúa. Người Chăm quan niệm vạn vật hữu linh, vì vậy mọi của cải vật chất, con cháu, tên vùng tên đất đều mang tên thần thánh.

Đoàn người Chăm rước y trang do người Raglai đem đến

Bộ phim tài liệu "Dân tộc Chăm Bà La Môn" phát sóng tuần qua trên kênh HTV9, thông qua việc tìm hiểu Lễ hội Katê, đã cho khán giả hiểu hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm theo đạo Bà La Môn.

Theo truyền thuyết, trong gia đình Chăm Pa, người Chăm là chị cả, người Raglai là em út. Em gái út trong gia đình mẫu hệ Chăm sẽ là người cất giữ đồ gia bảo của tổ tiên. Vì vậy, y phục của các vị thần của người Chăm do người Raglai cất giữ.

Theo luật tục, người con gái út trong gia đình có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, thờ phượng cha mẹ khi về già. Cho nên, từ xa xưa, người Raglai được giao vai trò đảm trách việc bảo quản y trang của vua chúa và các đồ cúng lễ trên đền thác, để thờ phượng ông bà tổ tiên và thần linh. 



Y trang được chuẩn bị xong xuôi trước ngày lễ Katê chính thức

Cứ đến mùa Katê, người Raglai và người Chăm lại gặp gỡ nhau trong không khí ngày hội thiêng liêng của dân tộc, thể hiện mối quan hệ lâu đời trong lịch sử phát triển của hai tộc người. Hầu như, ai có mặt trong khoảnh khắc này đều có chung cảm xúc, như gặp lại những người thân, anh em trong đại gia đình lớn sau một năm xa cách.

Mùa lễ hội Kate không chỉ là mùa cúng lễ và hưởng thụ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn là mùa hội của ngày đoàn kết tình cảm thiêng liêng giữa người Chăm và người Raglai. Qua đó, thấy được những giá trị bản sắc văn hóa của người Chăm và người Raglai vẫn bền vững trong tiến trình lịch sử phát triển tộc người. Họ là những đóa hoa ngát hương trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. 


Hiểu hơn về văn hóa Chăm Bà La Môn qua thước phim về lễ Katê

Người Chăm gọi các Tháp Chàm là Kalan - có nghĩa là đền lăng, và những cụm tháp thờ thần linh được kết hợp với lăng mộ thờ vua chúa. Người Chăm quan niệm vạn vật hữu linh, vì vậy mọi của cải vật chất, con cháu, tên vùng tên đất đều mang tên thần thánh.

Người Chăm xây tháp để thần linh trú ngụ, che chở cho muôn loài. Được coi là nơi trú ngụ linh thiêng cho các thần linh, tháp Chăm chính là trung tâm rực rỡ nhất cho mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Chăm Bà La Môn. Gia đình truyền thống của người Chăm chỉ có những người con gái mới được tiếp tục truyền họ lại cho con cái.

Trong gia đình mẫu hệ, người phụ nữ là chủ gia đình, nắm giữ và quản lý tài sản bao gồm nhà cửa, ruộng đất, vật nuôi, lúa gạo, tiền bạc và quyết định mọi việc chi tiêu của gia đình. Người vợ cũng là người quyết định cưới chồng cho con gái và gả cho con trai. Đặc biệt, người vợ là người chủ lễ, đảm nhận việc thực hành các nghi lễ của gia đình theo phong tục truyền thống của người Chăm Bà La Môn. 

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

8g ngày 8/1 - Phim tài liệu "Thành phố trẻ"
8g ngày 9/1 - Phim tài liệu "Dáng xưa"
8g ngày 10/1 - Phim tài liệu "NYM - Trí tuệ nhân tạo" - Tập 1
8g ngày 11/1 - Phim tài liệu "NYM - Trí tuệ nhân tạo" - Tập 2
8g ngày 12/1 - Phim tài liệu "NYM - Trí tuệ nhân tạo" - Tập 3
8g ngày 13/1 - Phim tài liệu "NYM - Trí tuệ nhân tạo" - Tập 4

Thiên Bình