Phim tài liệu "Lặng thầm một ngọn lửa"

Nhà điện ảnh, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Luân Kim mang đến cho lĩnh vực điện ảnh - truyền hình hàng trăm tác phẩm nghiên cứu lý luận phê bình, những tác phẩm phim truyện, phim tài liệu... trở thành nguồn tư liệu quý giá cho nhiều thế hệ làm phim Việt Nam.


Trần Luân Kim những ngày học điện ảnh tại Liên Xô

Câu chuyện của ông đã được giới thiệu trong bộ phim tài liệu "Lặng thầm một ngọn lửa", phát sóng cuối tuần qua trên kênh HTV9. Nhà điện ảnh, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Luân Kim sinh ra ở Phú Yên và lớn lên tại Đà Lạt - mảnh đất của hoa thơm trái ngọt và hương sắc mộng mơ.

Khi chiến tranh chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc, sau Hiệp định Genève năm 1954, ông theo cha tập kết ra Bắc. Thời niên thiếu, ông được đưa đi Trung Quốc học nghề đóng tàu biển. Phải đến năm 1971, con đường nghệ thuật mới mở ra với Trần Luân Kim.

Đó là khi ông được cử đi học ở trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô, Khoa Lý luận - Phê bình. Năm 1978, ông về nước và công tác ở Cục Điện ảnh Việt Nam. Kể từ đây, ông thực sự bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của mình. Do nhu cầu xây dựng và phát triển nhân lực ngành điện ảnh lúc bấy giờ, năm 1985, ông được cử vào làm Hiệu trưởng Trường Điện ảnh Việt Nam tại TP.HCM. 

Nhà điện ảnh, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Luân Kim (phải)

Như một ngọn lửa thầm lặng, ông đã thổi bùng lên sức sống cho một thế hệ vàng của điện ảnh phía Nam bằng những sáng kiến táo bạo, mới mẻ trong môi trường nghệ thuật này. Ông xây dựng lại toàn bộ hệ thống cơ bản từ cơ sở vật chất đến nội dung đào tạo, mở thêm các lớp hệ đại học với các khoa biên kịch, đạo diễn, diễn viên, kĩ thuật - công nghệ, lý luận phê bình... có đủ tư cách chuyên sâu của một trường điện ảnh.

Ông còn tạo ra các cơ sở vệ tinh của trường, để vừa tạo ra môi trường học tập vừa đưa điện ảnh đến gần hơn với người xem, gắn mọi hoạt động của nhà trường với thực tiễn xã hội. Nhờ đó, ông đã tạo nên một đội ngũ lớn với hàng loạt đạo diễn, biên kịch, diễn viên... gánh vác sự nghiệp điện ảnh trong nhiều năm về sau. Họ được phân bổ vào các hãng phim như: Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, Đài Truyền hình TP.HCM... Cũng ngay từ thời điểm đó, ông còn là người táo bạo dấn thân và đã thành công trong mô hình xã hội hoá điện ảnh.


Một góc kho lưu trữ phim - nguồn tư liệu quý giá của điện ảnh Việt Nam

Không chỉ viết sách và có nhiều công trình nghiên cứu lý luận để lại những tư liệu nghề quý giá cho các thế hệ, PGS-TS Trần Luân Kim còn là người đặt nền móng, là người tiên phong trong việc tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp lưu trữ phim. Khi được điều động phụ trách quản lý trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam tại TP.HCM, ý thức tìm tòi sáng tạo luôn thường trực trong ông bằng sự đam mê và dấn thân.

Ông nghiên cứu mọi phương tiện kĩ thuật, mọi chủng loại hóa chất, mọi kinh nghiệm xa gần... để bảo quản và lưu giữ chất lượng phim lâu dài trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại Việt Nam. Từ đây, ông tạo điều kiện để các lớp sinh viên có thể tiếp cận và học hỏi từ nguồn tư liệu vô giá này. Hiện dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn đảm nhận công tác Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, vẫn tiếp tục ngọn lửa thầm lặng của mình để tiếp tục cống hiến sự nghiệp điện ảnh, truyền hình nước nhà. 

Cuối tuần này, các phim tài liệu "Lê Trung Quân kể chuyện" và "Hoàng Mai Lưu - Những nghệ sĩ tiên phong" sẽ lần lượt được phát sóng lúc 22g các ngày thứ Sáu (18/8) và thứ Bảy (19/8) trên kênh HTV9. 

Thiên Bình