Giữa biển Đông, trên thềm lục địa của Tổ quốc, có những ngọn lửa ròng rã cháy cả ngày lẫn đêm trong hàng chục năm qua, kể từ khi Việt Nam gia nhập hàng ngũ những quốc gia có dầu mỏ. Câu chuyện hào hùng ấy đã được kể trong "Lửa giữa trùng khơi".
Từ những năm 1930, Bác Hồ đã đặt mục tiêu phát triển ngành dầu khí Việt Nam
Bộ phim tài liệu 2 tập "Lửa giữa trùng khơi" đã được phát sóng dịp cuối tuần qua trên kênh HTV9.
Ngay từ những thước phim đầu tiên, người xem như bị cuốn vào hình ảnh ngọn lửa giàn khoan không bao giờ tắt cùng hình ảnh lá quốc kì rực đỏ giữa trùng khơi. Đó vừa là ánh đuốc khẳng định chủ quyền quốc gia, vừa soi rọi chiến lược kinh tế biển của một đất nước đi ra từ chiến tranh, quyết tâm thoát đói nghèo và đi tới bằng nội lực.
Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Với hơn 3.000 hòn đảo và khoảng 1 triệu cây số vuông vùng biển kinh tế đặc quyền, rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, bờ biển nước ta chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, trong đó có dầu mỏ.
Hơn 10 năm trước, Việt Nam làm chủ công nghệ tiên tiến trong khai thác dầu mỏ
Và với tầm nhìn chiến lược, ngay từ thập niên 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa vào một số tài liệu ít ỏi của các nhà địa chất Pháp, đã đặt mục tiêu phải xây dựng một ngành dầu khí đạt tầm cỡ quốc tế.
Năm 1959, khi đến thăm khu công nghiệp dầu khí BaCu của Azerbaijan, Bác Hồ đã nói: "Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh như BaCu".
Từ đó, Bộ chính trị có những quyết sách đúng đắn, mở đầu cho sự hình thành và phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Một kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc được các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam từng bước triển khai. Ngày 6/8/1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố về việc xúc tiến tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải. Năm 1986, nước ta khai thác được tấn dầu thô đầu tiên từ lòng biển với sự giúp đỡ của Liên Xô.
Lửa cháy mãi trên giàn khoan và cháy mãi trong những trái tim nhiệt huyết
Sang thời kỳ đổi mới, Việt Nam đón nhận các công ty phương Tây bước vào lĩnh vực dầu khí trước khi thực sự làm chủ công nghệ tiên tiến này cách đây hơn 10 năm - với dự án Biển Đông 01.
Kể từ đây, "Lửa giữa trùng khơi" gửi đến người xem những thước phim sống động nhất về nhịp sống và làm việc trên giàn khoan với sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng chi tiết công việc; sự kết nối giữa anh em trên giàn khoan - như người thân dưới mái nhà thứ hai; sự gắn bó chặt chẽ của giàn khoan với lực lượng hải quân, ngư dân...; những nỗ lực không ngừng nghỉ của các kĩ sư, chiến sĩ trong việc đưa ra các sáng kiến, sáng tạo; những giải pháp khoa học công nghệ mới và việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI... để phù hợp với điều kiện địa chất riêng của Việt Nam.
Trên tất cả, đó là niềm vinh dự và tự hào của từng vị trí trên giàn khoan khi được làm việc giữa Biển Đông, giữa thiêng liêng đất trời Tổ quốc với sứ mệnh không chỉ góp công sức trong chiến lược kinh tế biển mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo và bảo vệ quê hương đất nước.
Cuối tuần này, phim tài liệu "Viện sĩ Nguyễn Chơn Trung" sẽ phát sóng lúc 22g thứ Sáu (4/8) trên HTV9; và phim tài liệu "Cuộc chiến sông và phố" sẽ phát sóng lúc 22g thứ Bảy (5/8) trên HTV9.
Thiên Bình