Trong cuộc tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968, nữ trinh sát anh hùng Võ Thị Tâm cùng các chiến sĩ và nhân dân trên khắp các chiến trường miền Nam đã chiến đấu kiên cường. Họ đã viết nên bản hùng ca bất hủ mùa xuân 1968 mãi vang vọng trong trái tim Việt Nam.
Vì nhỏ người và rất nhanh nhẹn, bà Tâm được đồng đội gọi là Trực Thăng Cá Lẹp
Mùa Xuân Mậu Thân 1968, có người con gái độ tuổi 23 đã trở thành nữ trinh sát dẫn dắt nhiều đoàn quân tiến vào Sài Gòn, góp phần tạo nên bản hùng ca mùa xuân.
Người con gái ấy chính là nữ trinh sát anh hùng mang tên Võ Thị Tâm. Đồng đội yêu mến gọi bà bằng cái tên thân thương là Trực Thăng Cá Lẹp. Sinh năm 1944 trong gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống cách mạng của quê hương Đồng Khởi, Bến Tre, ở tuổi 13, Võ Thị Tâm đã rất tháo vát trong vai trò giao liên ở tỉnh đội. Bà vinh dự được đứng vào Đảng Cộng Sản Việt Nam khi tuổi tròn 18.
Bà Võ Thị Tâm kể chuyện tấn công mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất
Với sự mau trí, nhanh nhẹn, thông thạo địa hình và nắm vững quy luật hoạt động của địch, nữ du kịch xinh đẹp cùng đội trinh sát đã dẫn đường cho đoàn quân hơn 1.000 chiến sĩ Phân khu 2 áp sát được mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau trận đánh mở màn ở sân bay Tân Sơn Nhất, như kế hoạch đã định, đơn vị phải đến điểm hẹn Quận 6, phối hợp với cánh quân Tiểu đoàn 6 Bình Tân và Biệt động thành đánh vào khám Chí Hòa và Biệt khu Thủ đô. Dù đã trải qua nhiều năm tháng bám trụ, hoạt động đơn tuyến tại Sài Gòn, nhưng để đưa được đoàn quân đến được điểm hẹn là điều không dễ dàng với đội trinh sát của Tâm.
Ký ức của bà Tâm vào chiều 10/5 trong đợt 2 tấn công và nổi dậy năm 1968
Sau hơn hai ngày hành quân, vừa đánh vừa lo cho thương binh vừa chôn cất đồng đội, Tâm và đội trinh sát đã hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn quân đã có mặt đúng tại điểm hẹn ở Quận 6.
Tại điểm hẹn Quận 6, tiểu đoàn mũi nhọn Bình Tân do Tâm dẫn đường đã không liên lạc được với đơn vị bạn như kế hoạch đã định. Trước tình thế đó, đơn vị vừa hành quân vừa đánh địch trên các tuyến đường từ Quận 6 qua Quận 3 rồi trở ra Quận 10. Đúng 8 giờ ngày 8/2/1968, địch tổ chức phản công, đổ quân xuống Trường đua Phú Thọ.
Sau ba ngày đêm chiến đấu quyết liệt, nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Được lệnh cấp trên, đội trinh sát của Tâm đã dẫn đơn vị vừa chiến đấu vừa di chuyển ra ngoại thành.
Quyết định mở đợt 2 tấn công và nổi dậy năm 1968 vào nội đô Sài Gòn
Dù đã đưa được đồng đội về nơi an toàn nhưng người nữ trinh sát vẫn còn canh cánh trong lòng vì nỗi mất mát quá lớn này. Cuối tháng 3/1968, trên cơ sở báo cáo từ các chiến trường và tin tức tình báo, sau khi sơ bộ tổng kết đánh giá tình hình đợt 1, Trung ương cục và Quân ủy miền Nam đã đề nghị với trung ương cho mở đợt 2 tổng tấn công và nổi dậy năm 1968.
18 giờ ngày 4/5/1968, Tâm và đoàn trinh sát đưa đội quân Trung đoàn 31 cùng các đơn vị của Phân khu 2 vào đợt 2 của chiến dịch. Trung đoàn 31 Phân khu 2 cùng nhiều cánh quân đồng loạt tấn công vào nội đô Sài Gòn. Dù vấp phải sự chống trả của kẻ thù với những vũ khí hiện đại, nhưng mỗi đợt tấn công là mỗi lần gây tiếng vang mạnh mẽ trong nước và trên thế giới.
Sức nặng của cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968
Đợt thứ 3, nữ trinh sát anh hùng Võ Thị Tâm tiếp tục dẫn đoàn quân trở lại chiến trường. Họ ra đi với ý chí quyết chiến quyết thắng với khát vọng hòa bình, độc lập cho toàn dân tộc.
Xuân năm 1968, nữ trinh sát Võ Thị Tâm đang rực rỡ ở độ tuổi 23, bà đã góp nhặt nhiều thành tích như xây hơn 32 cơ sở cách mạng, dán 20 truyền đơn tại nhà sĩ quan ngụy, ba lần treo cờ cách mạng tại nơi công cộng, đặc biệt là ba lần dẫn cánh quân chủ lực khu Sài Gòn - Gia Định tấn công vào nội đô.
Đại tướng Lê Đức Anh đã từng nhận định, cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã thực sự tạo nên một đòn đánh đủ sức nặng, làm nhụt ý chí của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt mới về chiến lược của một cuộc chiến tranh, buộc chúng phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Paris, thừa nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, không tiếp tục can thiệp quân sự vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam.
Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.
8g ngày 6/5 - Phim tài liệu "Trở lại Điện Biên" - Tập 1
8g ngày 7/5 - Phim tài liệu "Trở lại Điện Biên" - Tập 2
8g ngày 8/5 - Phim tài liệu "Điện Biên Phủ trong lòng người Nam Bộ" - Tập 1
8g ngày 9/5 - Phim tài liệu "Điện Biên Phủ trong lòng người Nam Bộ" - Tập 2
8g ngày 10/5 - Phim tài liệu "Điện Biên Phủ trong lòng người Nam Bộ" - Tập 3
8g ngày 11/5 - Phim tài liệu "Điện Biên Phủ trong lòng người Nam Bộ" - Tập 4 |
Thiên Bình