Mái nhà Tây Nguyên - Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà không chỉ là nơi sinh sống của hàng trăm loài nấm, nhà của những loài chim đặc hữu và thú rừng quý hiếm, mà còn là nơi sinh sống của loài cổ thực vật được mệnh danh là sứ giả thời tiền sử.
Cây thông hai lá dẹt lớn tuổi tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Câu chuyện của loài cổ thực vật này đã được kể trong bộ phim tài liệu "Dưới mái nhà Tây Nguyên - Thông điệp của những loài lá kim" (HTV9). Trước Kỷ Phấn Trắng, thảm thực vật trên hành tinh của chúng ta chú yếu là ngành thực vật hạt trần hay còn gọi là ngành thông và dương xỉ.
Cuối Kỷ Phấn Trắng tức hơn 65 triệu năm trước, sự thống trị của loài cây có hoa tức ngành hạt kín được thiết lập ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, bắt đầu cuộc xâm lăng lãnh địa của những loài hạt trần.
Cuộc xâm lăng này chiếm hết những diện tích ở dưới thấp, khiến loài thực vật hạt trần chỉ còn có thể tiếp tục tồn tại ở những vùng có vĩ độ cao. Đó là lý do mà tại sao ngày nay, ta chỉ gặp những loài cây thuộc ngành hạt trần ở những vùng núi cao.
Thông đỏ tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Nằm ở độ cao từ 800m đến trên 2.000m, với diện tích trên 60.000ha, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) là nơi tập trung của hầu hết các loài lá kim ở Việt Nam.
Trong những cánh rừng nguyên sinh này có thể dễ dàng bắt gặp những cây du sam bên cạnh những rừng thông hai lá, ba lá, hững cây thông hai lá dẹt, thông tre cùng tái sinh bên nhau, những cây thông năm lá, những cây thông đỏ... Đặc điểm chung, chúng là những loài thông nằm trong danh sách những loài thông có nguy cơ tuyệt chủng. Trong số 11 loài thông có nguy cơ tuyệt chủng của Việt Nam, có đến 10 loài đang tồn tại ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà.
Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nói về thông hai lá dẹt
Và cũng vì thế, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà được đánh giá là vườn đa dạng về các loài thông thứ hai Việt Nam, đang chứa đựng những giá trị đặc hữu sinh thái to lớn cho nhân loại. Hiện tại, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà có khoảng hơn 200 cây thông đỏ, mọc thành những quần thể nhỏ và rải rác.
Nếu như để tìm kiếm loài thông đỏ, người ta phải bắt đầu cuộc tìm kiếm từ dưới những tán rừng nguyên sinh, thì việc tìm kiếm thông hai lá dẹt thuận lợi hơn vì chỉ cần nhìn phía trên những tán rừng mênh mông, nơi nào có những tầng lá cao vượt lên khỏi tán rừng thì đó chính là cây thông hai lá dẹt. Thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm. Một năm, đường kính của cây chỉ tăng trưởng 1mm.
Chuyện của thông năm lá dẹt ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Theo khảo sát của các nhà khoa học, những cây thông lá dẹt cổ thụ hiện nay có tuổi đời không dưới 600 năm. Đây chính là những lý do khiến các nhà khoa học chọn nó để nghiên cứu, nhằm tìm hiểu những bí ẩn cuộc sống mà nó đang lưu giữ trong những vòng đời kéo dài từ Kỷ Phấn Trắng đến nay. Hiện tại, thông hai lá dẹt được xếp cấp độ R - mức độ cực kì hiếm và đe dọa có thể bị tuyệt chủng. Không chỉ có mình thông lá dẹt, cả những người họ hàng của nó cũng trong tình trạng này. Đó là chuyện của thông năm lá.
Chứa đựng trong mình những giá trị khoa học hiếm có, chuyển tải thông điệp từ hàng trăm năm trước đến hiện tại, song các loài lá kim - thông đỏ, thông hai lá dẹt, thông năm lá dẹt - đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Cần hàng trăm năm nữa, những cây thông con tái sinh hiếm hoi trong tự nhiên mới có được sự bề thế như bố mẹ của chúng, để tiếp tục ghi nhận những biến đổi của môi trường sống vào từng vòng đời của mình. Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.
15g ngày 15/4 - Phim tài liệu "Lời nguyền chiến thắng" - Tập 1
15g ngày 16/4 - Phim tài liệu "Lời nguyền chiến thắng" - Tập 2
15g ngày 17/4 - Phim tài liệu "Lời nguyền chiến thắng" - Tập 3
15g ngày 18/4 - Phim tài liệu "Lời nguyền chiến thắng" - Tập 4
15g ngày 19/4 - Phim tài liệu "Nữ trinh sát anh hùng" |
Thiên Bình