Với nhịp sống cởi mở, dễ tiếp nhận và dung hòa cái mới, TP.HCM là nơi hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa của từng nhóm dân tộc. Thành phố có đến 44 trong tổng số 53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống và chung tay xây dựng thành phố phát triển.
TP.HCM có 16 giáo khu theo đạo Hồi, 10 thánh đường và 16 tiểu thánh đường
Qua bộ phim tài liệu " Thành phố đa sắc màu - Dân tộc Chăm Islam" (TFS), khán giả HTV đã có dịp tìm hiểu nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Chăm Islam đang sinh sống tại thành phố mang tên Bác.
Phim theo chân những người trong xóm Chăm Islam nằm ở đường Dương Bá Trạc (Quận 8), nơi được gọi vui là xóm không bao giờ uống rượu bia. Xóm được hình thành từ những năm thập niên 50 của thế kỷ XX đến nay, có khoảng 1.550 nhân khẩu với hơn 300 hộ dân.
TP.HCM hiện có 16 giáo khu theo đạo Hồi, 10 thánh đường và 16 tiểu thánh đường, trong đó xóm Chăm Islam ở đường Dương Bá Trạc có số dân đông nhất toàn thành phố. Họ sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông.
Lớp học truyền kinh Koran bằng mẫu tự Ả-rập
Cầu nguyện là một nghi thức trang trọng và thiêng liêng đối với cộng đồng người Chăm Islam. Trước khi thực hiện nghi thức cầu nguyện, họ bắt buộc phải tẩy trần, mặc đồ lễ riêng biệt. Trong lúc cầu nguyện, không ai được chạm vào nhau, họ toàn tâm toàn ý nghĩ đến Thượng đế Allah.
Trong một tuần, vào đúng thời gian quy định, người Chăm Islam sẽ hướng về các thánh đường để cầu nguyện mỗi ngày. Hiện nay, mỗi thánh đường trong các xóm Chăm Islam ở TP.HCM đều có các lớp học truyền kinh Koran bằng mẫu tự Ả-rập, do các thầy giáo dạy cho con em trong cộng đồng.
Mặc dù sống giữa thành phố nhộn nhịp với nhiều nền văn hóa, người Chăm Islam ở TP.HCM vẫn cố gắng giữ gìn nét đẹp riêng của văn hóa đặc trưng, trong đó có tập tục cưới hỏi. Những sắc màu của tập tục cưới hỏi người Chăm đã tô điểm sự phong phú muôn màu cho một thành phố được mệnh danh là trung tâm văn hóa hài hòa đa sắc của cả nước.
Thu hút du khách theo đạo Hồi trên thế giới đến với TP.HCM
Có thể nói, du khách Malaysia và Indonesia thường đến TP.HCM để mua vải và lựa chọn quần áo đặc trưng cho tín ngưỡng của họ. Và họ gần như chọn TP.HCM là địa điểm giao thương tốt nhất cho những sản phẩm may mặc này.
Con đường Nguyễn An Ninh - ở cửa Tây chợ Bến Thành, Quận 1 - hơn 20 năm qua được nhiều người biết đến là khu tập trung buôn bán, ăn uống sầm uất bậc nhất dành riêng cho khách du lịch Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Brunei. Nắm bắt thị trường thế giới, nhiều gia đình người Chăm chọn vải may mặc làm kinh doanh chính và có được thành công nhất định.
Những người buôn bán tại đây hầu như sử dụng ngôn ngữ Malaysia, Indonesia và tiếng Anh thành thạo, giao tiếp nhanh nhạy, thân thiện, chân thành và vì thế, TP.HCM trở thành điểm đến lý tưởng cho các du khách đặc biệt này. Cũng như người Chăm Hồi giáo Nam bộ nói chung, cộng đồng người Chăm ở TP.HCM tuân thủ chặt chẽ giáo luật Islam và có quan hệ gắn bó với cộng đồng Islam trên thế giới, nhất là các nước lân cận.
Lễ Ramadan là một trong những thánh lễ quan trọng, thiêng liêng nhất
Theo thời gian, do sự hội nhập sâu của đạo Hồi, những phong tục tập quán của người Chăm Islam TP.HCM cũng có những biến đổi căn bản. Nếu người Chăm Bà La Môn vẫn duy trì chế độ mẫu hệ thì người Chăm Hồi giáo ở TP.HCM đã đổi sang phụ hệ, con cái theo họ cha và hôn nhân với người khác dân tộc được chấp thuận, với điều kiện cô dâu hoặc chú rể nếu ngoại đạo phải theo đạo Hồi Islam một cách tự nguyện.
Mỗi dân tộc đều có một lễ hội đặc trưng riêng, với người Chăm Hồi giáo, Lễ Ramadan - tháng ăn chay hay tháng nhịn ăn là một trong những thánh lễ quan trọng, thiêng liêng nhất. Đây là một tín điều, một nghi lễ đặc biệt và là một trong năm nghĩa vụ đặc biệt đối với đức tin của mình với Thánh Allah và tiên tri Muhammad.
Trong tháng Ramadan, những tín đồ đã trưởng thành và khỏe mạnh không được ăn, không được uống, không được hút thuốc, không được động phòng, không được làm chảy máu và hạn chế lao động từ khi Mặt Trời mọc đến khi hành lễ xong vào buổi tối. Đúng 30 ngày ấy, khi thấy phía Tây có trăng non ló dạng, các tín đồ mới trở lại sinh hoạt, ăn uống bình thường.
Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.
8g ngày 15/1 - Phim tài liệu "Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị - Đi để trở về" - Tập 1
8g ngày 16/1 - Phim tài liệu "Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị - Đi để trở về" - Tập 2
8g ngày 17/1 - Phim tài liệu "Không thể nào quên"
8g ngày 18/1 - Phim tài liệu "TP.HCM - Đô thị thông minh" - Tập 1
8g ngày 19/1 - Phim tài liệu "TP.HCM - Đô thị thông minh" - Tập 2
8g ngày 20/1 - Phim tài liệu "TP.HCM - Đô thị thông minh" - Tập 3 |
Thiên Bình