“Tiếng lòng tôi” là câu chuyện về những người mẹ, người cha một đời thầm lặng kể chuyện nghề, chuyện đời bằng những âm thanh của tiếng chổi.
Cuộc sống muôn vẻ, và ở bất cứ nơi đâu, cũng có những con người bình thường mà vĩ đại. Như những người công nhân quét đường, họ là những người không tuổi, không tên; nhưng lại là nhưng con người đáng quý, đáng trân trọng.Tiếng chổi của họ đã âm thầm góp công sức làm đẹp thêm cuộc sống của thành phố, của đất nước.
Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường, lao động chính của nghề này là những người phụ nữ, với vóc dáng nhỏ bé, trong bộ áo lao công màu xanh đặc trưng, trên tay là những chiếc chổi, kéo xe rác trên khắp con đường, ngõ hẻm.
Thành phố hối hả với những bộn bề đời thực nhanh chóng chìm sâu trong màn đêm. Những người lao công đêm - ngày, nắng– mưa, giữa sự ồn ào, bụi bặm của đường phố, họ âm thầm quét dọn sạch đẹp đường phố; họ tỉ mẩn nhặt từng cọng rác dính bết vào vỉa hè, lòng đường; bỏ lại phía sau lưng mình là một quãng đường tinh tươm, thoáng sạch.
Nhớ mỗi chiều đi học về, thấy cha, mẹ đang cặm cụi quét đường, những người thân, đứa con nhỏ, lại ra giúp; quét, hốt rác đổ lên xe, đẩy xe rác. Chuyện những đêm 30 tết, đón giao thừa trên tay chiếc chổi và trước mặt là con đường hun hút. Sự tủi thân và hạnh phúc. Nhưng vì công việc... Song an ủi, có lời chúc Tết của khách qua đường.
Mỗi con người dù là ai, dù làm bất cứ công việc nào cũng đều phải hoàn thành tốt nhất công việc của mình bằng khả năng, nhiệt huyết, trách nhiệm, để cống hiến cho cuộc sống. Khi ấy, họ đều xứng đáng là những con người vĩ đại, xứng đáng được tôn trọng, ngợi ca.
“Chị lao công đêm ngày quét rác” không chỉ là niềm yêu thương mà còn là mong muốn được đồng cảm, sẻ chia của tất cả mọi người trong xã hội.
Phim tài liệu Tiếng lòng tôi do TFS sản xuất được phát sóng vào 8g thứ năm (ngày 15/2, tức 30 Tết) trên kênh HTV9.
Lam Khanh