Ký ức là nhân tính của từng người, truyền thống là nhân tính của từng dân tộc. Ký ức tồn tại làm nên phẩm chất của mỗi công dân. Ở vùng đất Gia Định - Sài Gòn, ký ức đi cùng tục thờ tự các bậc tiền hiền, các anh hùng yêu nước - những vị thần dân phong.
TP.HCM xưa là đất Gia Định - Sài Gòn
TP.HCM xưa gọi là Gia Định - Sài Gòn, một vùng đất mới khai phá trên dưới 300 năm với lịch sử khẩn hoang và chống giặc ngoại xâm để lại nhiều dấu tích, những công đức lớn lao của các bậc tiền hiền khai canh và các bậc anh hùng đã hy sinh trong các cuộc chiến khốc liệt hồi cuối thế kỉ XIX.
Tất cả các sự kiện lịch sử đó đã trở thành ký ức, được tích lũy theo thời gian và làm nên một thực tại văn hóa, tạo nên giá trị tinh thần cho cộng đồng. Tại mỗi thôn làng, các sự kiện nối tiếp xảy ra mà ở đó, chí khí của cha ông đã tạo nên cái hồn cho vùng đất, gò bãi, sông rạch... và được kết tụ nên những thần tích thiêng liêng, gắn với những danh nhân lịch sử được tôn thờ ở đình, miếu.
Lưu giữ ký ức qua truyền thống uống nước nhớ nguồn
Ở vùng đất Gia Định - Sài Gòn nay là TP.HCM này, tục thờ tự các bậc tiền hiền khai khẩn và các anh hùng đã hy sinh trong cuộc kháng Pháp suốt nửa thế kỷ XIX là những điều đáng trân trọng và tôn quý. Bộ phim tài liệu "Các vị thần dân phong ở đất Gia Định" tập 1 là những thước phim quý, lưu giữ câu chuyện về các đình thần, nơi thờ phụng các vị thần dân phong cho những bậc tiền hiền có công khai khẩn, cai quản, bảo hộ vùng đất này.
Sắc thần được vua ban cho đình Bình Triệu vào năm Tự Đức thứ năm, tức năm 1852
Từ xưa đến nay, người dân ở ven Quốc lộ 13 cách cầu Bình Triệu, hướng về Thủ Dầu Một (Bình Dương) chừng hơn cây số đều kiêng gọi từ "đèn", bởi kiêng húy khi gọi tên ông Đèn. Tên chính thức của ông là Nguyễn Quang Đăng, một vị quan có công khai phá và quản lý vùng đất nay là Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức và được dân chúng tôn làm Thần Thành Hoàng của làng.
Vào đầu thế kỷ XIX, được vua sai trấn nhậm cai quản ba vùng đất thuộc TP Thủ Đức ngày nay, Nguyễn Quang Đăng cùng vợ đến định cư ở làng Bình Triệu, nay là phường Hiệp Bình Phước. Từ đó đến nay đã sáu đời, trải qua biết bao đổi thay, song ngôi từ đường thờ tự ông vẫn được con cháu bảo tồn, tôn tạo và duy trì việc tế tự hàng năm nghiêm cẩn. Lệ thường, lễ giỗ ông hàng năm vào ngày 16 tháng Chạp, còn đình làng cúng thần Kỳ Yên vào ngày ngày 16 tháng 2 Âm lịch.
Chia sẻ của ông Nhứt, cháu đời thứ 6 của ông Nguyễn Quang Đăng
Theo gia phả, Tôn thần Nguyễn Quang Đăng thuộc dòng dõi của Nguyễn Phước Trú, cháu đời thứ sáu của chúa Nguyễn Hoàn. Thần sinh ở đất Quảng Nam trong một gia đình hai trai, một gái. Đầu thế kỷ XIX, hai anh em Nguyễn Quang Hoàng, Nguyễn Quang Đăng đều làm quan dưới quyền của Tống trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Riêng Nguyễn Quang Đăng được cắt cử cai quản ba vùng đất thuộc huyện Bình An, trấn Biên Hòa tức vùng Thủ Đức, Thủ Dầu Một sau này.
Làng Bình Triệu hồi đầu thế kỷ XIX, nơi ông Nguyễn Quang Đăng trấn nhậm vùng Thủ Đức, thuộc tổng An Thủy, huyện Bình An, trấn Biên - tức Biên Hòa sau này. Khi ông mất, nhân dân tôn ông làm thần và lập nên đình Bình Triệu để hương khói. Đình Bình Triệu nằm ở tả ngạn sông Sài Gòn, nay thuộc phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP.HCM.
Việc dân làng tôn ông Nguyễn Quang Đăng làm thần và đưa vào thờ tự trong đình từ thời điểm nào đến nay không thể truy cứu được, song dân chúng xác tín chính áo mão, ấn tín của ông được thờ trong đình là truyền thống lâu đời và việc tế lễ ông đã trở thành việc không thay đổi từ xưa đến nay.
Vài nét về nghi thức tế lễ Kỳ Yên ở đình Bình Triệu
Tuy xác tín Thần Thành Hoàng của đình làng là ông Nguyễn Quang Đăng, song sắc thần được ban cho đình Bình Triệu vào năm Tự Đức thứ năm, tức năm 1852 có nội dung chung nhất cho các đình làng Nam bộ thời bấy giờ.
Theo đó, thần Bổn Cảnh Thành Hoàng được phong cho thôn Bình Triệu có mỹ hiệu Quảng Hậu Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng Chi Thần. Qua đó cho phép hậu thế đoán rằng, ông Nguyễn Quang Đăng vốn được dân phong làm thần bảo hộ cho cộng đồng cư dân thôn Bình Triệu từ trước đó, tức khoảng những thập niên trước mốc 1852.
Mặc dù có được sắc thần vua ban, song người dân ở đây vẫn xác tín Thần Thành Hoàng của thôn là ông Nguyễn Quang Đăng và đồng nhất vị thần dân phong này với Thần Thành Hoàng được vua phong cấp. Hàng năm, trong lễ tế Kỳ Yên, vào 16/2 Âm lịch, đối tượng được xác tín của tế lễ trong dịp này là ông Nguyễn Quang Đăng.
Hậu nhân lưu truyền chuyện ông Trần Quang Đạo
Bộ phim cũng giới thiệu về vị thần dân phong Trần Quang Đạo ở đình Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Đình Bình Khánh thờ ông Trần Quang Đạo làm Thần Thành Hoàng từ cuối thế kỷ XIX. Trần Quang Đạo vào những thập niên đầu thế kỷ XIX đã cùng mẹ đến khẩn hoang vùng đất cửa sông Xoài Rạp. Khi quy tụ số dân đông đủ, Trần Quang Đạo đứng ra xin lập thôn Bình Khánh và được cử làm thôn trưởng.
Ông qua đời khoảng vào năm 1886, mộ ông và thân mẫu được dân làng an táng trong khuôn viên đình Bình Khánh hiện nay và được nhân dân tôn làm Thần Thành Hoàng, thờ tự trong đình, tổ chức cúng giỗ và khói hương từ đó đến nay không dứt. Bia mộ ông ghi rõ: Tiền hiền Trần Quang Đạo chi vị với cặp đối "Bình sanh trung hiếu đạo phước đức/ Khánh thành danh thuận hiển anh linh".
Người dân cúng tế tri ân công đức của ông Trần Quang Đạo
Tục truyền ông Trần Quang Đạo là người có hiếu với mẹ, lại có sức khỏe hơn người, khiếp cọp, sấu trong vùng đều khiếp sợ, tránh xa, không dám mon men vào làng hại người. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, mặc dù đã lớn tuổi song Trần Quang Đạo vẫn luôn dốc sức, đem tiền gạo ủng hộ cho lực lượng kháng Pháp vùng Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh, An Khánh, Thủ Thiêm suốt nhiều năm đến khi qua đời.
Chính những công đức lớn lao đó mà ông Trần Quang Đạo được tôn làm tiền hiền khai khẩn và khi ông qua đời, dân trong làng tôn làm Linh thần bảo hộ cho dân chúng trong làng và xác tín rằng, ông là Thần Thành Hoàng của vùng đất Bình Khánh. Hàng năm, tổ chức lễ cúng tế trang nghiêm để tri ân công đức to lớn của ông đối với thôn làng và cầu mong sự phù trợ từ cõi thiêng cho cuộc sống an lành của nhân dân.
Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.
8g ngày 29/1 - Phim tài liệu "Trong thế giới cà phê" - Tập 1
8g ngày 30/1 - Phim tài liệu "Trong thế giới cà phê" - Tập 1
8g ngày 31/1 - Phim tài liệu "Thế trận lòng dân"
8g ngày 1/2 - Phim tài liệu "Tổng Bí thư Trần Phú"
8g ngày 2/2 - Phim tài liệu "Tổng Bí thư Lê Hồng Phong"
8g ngày 3/2 - Phim tài liệu "Tổng Bí thư Hà Huy Tập" |
Thiên Bình