Phim hình sự tâm lý tội phạm (bao gồm các khía cạnh khác nhau của tội phạm và việc điều tra nó) trên thế giới luôn thu hút đông đảo người xem. Nhưng ở Việt Nam, số lượng phim về đề tài này còn ít bởi khó làm.
Cảnh trong phim “Vòng tròn tội lỗi”
Tâm lý tội phạm là trạng thái tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của tội phạm có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện tội phạm, sự hình thành tâm lý phạm tội, ý đồ phạm tội và những biện pháp, phương thức thực hiện tội phạm. Phim hình sự tâm lý tội phạm là thể loại hấp dẫn, bởi dẫn dắt người xem vào thế giới nội tâm của kẻ thủ ác có những biểu hiện tâm lý phức tạp, và khiến họ cuốn theo các tình tiết phim với những thắt nút - mở, từ đó phần nào lý giải thói quen, suy nghĩ và hành vi tội phạm.
Sự hấp dẫn của thể loại này còn là việc sẽ kích hoạt tư duy và thử tài phán đoán của người xem khi lần giở những bí mật được vén màn theo diễn biến của phim. Nhiều bộ phim hình sự tâm lý tội phạm của Mỹ, Ý hay Anh, Hồng Kông… được đông đảo người xem yêu thích và đánh giá là hồi hộp, gay cấn từ đầu tới cuối.
Ở Việt Nam từ hơn 20 năm trước, khi phim truyền hình dài tập bắt đầu “chiếm lĩnh” màn ảnh nhỏ thì thể loại hình sự cũng ra đời. Có thể kể đến chuỗi phim dài tập Cảnh sát hình sự rất thu hút khán giả.Thời gian đầu, các bộ phim hình sự chủ yếu khai thác những cuộc đối đầu, điều tra phá án của lực lượng công an với các nhóm tội phạm hay phản ánh cái nhìn trực diện về những tiêu cực trong xã hội hiện đại, nhân vật phản diện chỉ một màu theo kiểu “tà không thể thắng chính”.
Cảnh trong phim “Người phán xử”
Sau này có những phim khai thác sâu về khía cạnh tâm lý tội phạm như: Chạy án, Kẻ giả danh, Chạy án, Cảnh sát đặc nhiệm, Kẻ giấu mặt, Mặt nạ hoàn hảo, Bản di chúc bí ẩn, Câu hỏi số 5, Đô la trắng, Bí mật tam giác vàng, Ruby máu, Hồ sơ lửa, Đồng tiền quỷ ám, Sáu mặt rubik, Vòng tròn tội lỗi, Mật danh roker, Mật mã hoa hồng vàng, Biệt thự trắng, Mê cung, Người phán xử… Không chỉ là cuộc chiến gay cấn chống tội phạm của lực lượng công an, ở những phim này khán giả còn thấy cuộc chiến ngầm khốc liệt trong giới tội phạm với những nhân vật phản diện được khắc họa tính cách rất đặc biệt, thậm chí là nhân vật chính dẫn dắt đường dây câu chuyện.
Ở thời điểm hiện tại, đang phát sóng trên kênh HTV9 của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Kẻ sát nhân cô độc có những điểm mạnh của phim hình sự tâm lý tội phạm và được xem là cách làm mới phim hình sự. Theo đó, Kẻ sát nhân cô độc không chỉ là phim hình sự điều tra phá án đơn thuần của công an, mà đó là những màn đấu trí khá căng thẳng vận dụng cách phác họa chân dung tội phạm bằng tâm lý, khai thác ám ảnh tâm lý để phục vụ điều tra khi những chứng cứ để lại khá mơ hồ, dấu vết hầu như bị xóa sạch. Các nhân vật trong phim hầu như đều có số phận đặc biệt, tâm sinh lý phức tạp, dị thường. Các tình tiết, gút thắt - mở phim được kể nhiều bằng hình ảnh và tình tiết bất ngờ, các câu chuyện chồng chéo đan xen với nhau, giữa ảo giác và hiện thực, giữa quá khứ và hiện tại.
Cảnh trong phim “Mật danh rocker”
Lâu nay, trên thế giới đề tài tâm lý tội phạm được khai thác làm phim rất nhiều, nhưng ở Việt Nam có lẽ chưa đụng chạm nhiều về đề tài này. Vì vậy, phim hình sự phá án khá nhiều, mà phim khai thác tâm lý tội phạm như Kẻ sát nhân cô độc còn chiếm số lượng khiêm tốn. Ngay cả ở mảng phim điện ảnh, số lượng tác phẩm về đề tài tâm lý tội phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng chỉ được sản xuất trong vài năm gần đây, như: Siêu trộm, Ống kính sát nhân, Bằng chứng vô hình, Song song…
Một thành viên trong ê-kíp làm phim Ống kính sát nhân từng chia sẻ rằng: Làm phim về điều tra phá án và tâm lý tội phạm khó nhất vẫn là kịch bản hay khá hiếm vì đòi hỏi cao ở kỹ thuật viết, xây dựng tình tiết, lẫn tính cách nhân vật rất kỳ công. Bên cạnh đó, kinh phí quay các pha hành động cũng không thể thấp được. Nhà báo – biên kịch Minh Diệu nhận xét: Tâm lý tội phạm luôn là đề tài hấp dẫn các nhà làm phim, nhưng lý giải căn nguyên chiều sâu trong tâm lý phức tạp của tội phạm và thực hiện một bộ phim hay là một thách thức đến mạo hiểm.
Cảnh trong phim “Mê cung”
Đạo diễn Trần Đức Long của phim Kẻ sát nhân cô độc cho biết, anh đã mất 6 tháng tìm ý tưởng, 9 tháng trao đổi và viết kịch bản cùng biên kịch. Anh còn dành thời gian dài nghiên cứu tham khảo về phân tâm học, chuyên sâu về tâm lý con người. Bởi khó khăn lớn nhất của Kẻ sát nhân cô độc là khai thác tâm lý của những nhân vật có tâm lý bất thường. Những hành động, hành vi của các nhân vật phải được thể hiện hợp lý nhất phù hợp với sự phát triển của tâm lý, nếu không dễ bị rơi vào giả tạo.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, dù phim tâm lý tội phạm thường đem đến cho khán giả những cảm nhận của sự căng thẳng đến nghẹt thở, sợ hãi đến cực điểm, nhưng trong nội dung vẫn đan xen những câu chuyện sâu sắc về tình yêu, tình bạn bè, tình cảm gia đình… Do đó, nhiều phim tâm lý tội phạm đã nhận được sự yêu thích của cả những khán giả khó tính nhất. Kẻ sát nhân cô độc cũng vậy, song song với đi tìm và giải mã bí ẩn những góc khuất về tâm lý tội phạm, phim truyền tải đến khán giả những giá trị nhân văn về tình yêu, sự quan tâm và chữa trị kịp thời những rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến hiện nay như: trầm cảm, trầm cảm sau sinh, hội chứng sợ đám đông…
“Kẻ sát nhân cô độc” được xem là cách làm mới và “dũng cảm” khai thác sâu đề tài tâm lý tội phạm
Được biết, phim quay gần 4 tháng, hậu kỳ khoảng 4 tháng nữa. Tính cả thời gian chuẩn bị và viết kịch bản, hơn hai năm Kẻ sát nhân cô độc dài 30 tập mới hoàn thành. Sau những nỗ lực và sáng tạo, ê-kíp đã mang lại sự chỉn chu, chuyên nghiệp trong từng khung hình, màu sắc phim hiện đại, tiết tấu nhanh và bất ngờ, cuốn hút, những pha hành động ấn tượng, dàn diễn viên chính và phụ đều khá hợp vai, diễn xuất nội tâm tốt.
Hi vọng, sắp tới TFS và những nhà sản xuất khác sẽ tiếp tục đầu tư, sản xuất phim về đề tài tâm lý tội phạm – “mỏ vàng” tiềm năng có thể thu hút đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ.
Đan Khanh