Với nhiều diễn viên thì việc học hỏi kinh nghiệm diễn xuất từ những bạn diễn trên phim trường đã giúp họ có được những kiến thức thực tế để trưởng thành hơn…
Quý Bình và Nghệ sĩ Thanh Nam trong phim “Sông dài” (đã phát sóng trên HTVC- Thuần Việt)
Từng tốt nghiệp khoa diễn viên của trường Cao đẳng (nay là Đại học) Sân khấu và Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, nhưng với Quý Bình thì sau chục năm đi đóng phim, phần lớn kinh nghiệm diễn xuất của anh là nhờ học được từ các đàn anh, đàn chị, và cả bạn diễn ngoài phim trường. Bởi họ với thâm niên lao động nghệ thuật đã có được “kho” kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú.
Một trong số người mà Quý Bình học hỏi được nhiều bài học thiết thực về diễn xuất là NSƯT Thanh Nam, khi cùng đóng trong phim truyền hình Sông dài. Trong phim Quý Bình vào vai Niễng có ngoại hình xấu xí và tật nguyền, còn NSƯT Thanh Nam đóng vai cha của Lượm - cô gái mà Niễng hết mực yêu thương, nhưng bị người cha quyết liệt ngăn cản. Trước khi phim bấm máy, Quý Bình nghiên cứu rất kỹ kịch bản, tập đi đứng và cử chỉ sao cho giống với yêu cầu của vai diễn. Nhưng để có được dáng đi phù hợp của Niễng – một người bị đánh què chân như trên màn ảnh thì phải nhờ nghệ sĩ Thanh Nam gợi ý, thị phạm và hướng dẫn tận tình. Trong những cảnh diễn chung, nghệ sĩ Thanh Nam còn chỉ dẫn cho Quý Bình cách phối hợp sao cho ăn ý và chân thực nhất.
Ôn Bích Hằng và Trọng Hải trong phim “Biệt thự Pensée” (đã phát sóng trên HTV9)
Vào nghề từ 10 năm trước, Ôn Bích Hằng đã mất 5 năm để học diễn xuất, học trong đoàn phim, học bạn diễn trẻ tuổi hơn: “Tôi không ngại bị chê dốt, bị chê dở vì học hỏi là tốt cho nghề của mình. Mà học trên phim trường, học từ bạn diễn đâu có tốn đồng nào”. Đến nay, gia tài vai diễn của Ôn Bích Hằng đã kha khá, trong đó chị để lại ấn tượng sâu đậm qua vai diễn trong các phim Đường chân trời, Huyền thoại tím, Biệt thự Pensée… Đặc biệt, khi đóng chung phim Biệt thự Pensée cùng diễn viên Trọng Hải, Ôn Bích Hằng luôn được anh chỉ dẫn cho nhiều cách diễn đạt nội tâm sao cho tốt nhất. Bản thân chị cũng không ngại hỏi ý kiến Trọng Hải cho cảnh diễn này hay cảnh diễn kia, vì anh không chỉ là diễn viên lâu năm mà còn là một đạo diễn có nghề.
Diễn viên Huỳnh Thảo Trang – đã đóng các phim: Vợ của chồng tôi, Trở về 3, Biệt thự Pensée, Trại cá sấu, Bản sao nguy hiểm… bày tỏ: “Lúc bắt đầu đóng phim tôi đã 26 tuổi, xuất thân từ người mẫu, đã lập gia đình và lại đã làm mẹ rồi. Điều may mắn là tôi luôn nhận được nhiều sự chỉ dẫn tận tình của các đạo diễn. Bên cạnh đó, ở hiện trường mỗi khi ngồi chờ đến phân đoạn của mình, tôi thường rất chú ý đến cách diễn của các anh chị đi trước để học hỏi khả năng diễn xuất .Tôi quan niệm, trường học thực tế là quan trọng nhất, nếu mình có năng khiếu, có đam mê thì phải biết học hỏi từ bạn diễn, từ bộ phim mình xem, biết trau dồi, hạn chế cái dở, phát huy cái tốt thì dần dần diễn xuất sẽ tiến bộ hơn. Mặt khác, diễn xuất tròn vai thì đơn giản, làm sao phải dẫn dắt được khán giả bằng cảm xúc chân thật và có hồn mới khó”.
Hoài An và Thanh Thức trong phim “Con dâu” (đã phát sóng trên HTV7)
Theo các đạo diễn và diễn viên lâu năm nhận định, thì chỉ những người khao khát làm nghề, ham học hỏi mới ý thức được chuyện học nghề ở phim trường là cơ hội quý báu. Các diễn viên “tay ngang” như Hoài An, Kinh Quốc, Trương Minh Quốc Thái, Quốc Trường, Thân Thúy Hà, Bình Minh, Hoàng Thanh, Thanh Thức, Thúy Diễm, Anh Thư… đều ý thức được việc học hỏi từ thực tế phim trường. Tất nhiên, nghề diễn viên rất cần có nền tảng là được học bài bản, song quan trọng vẫn là năng khiếu cá nhân và quá trình cọ xát trên thực tế ở phim trường. Vì trong trường lớp vẫn chủ yếu giảng dạy nghiêng về lý thuyết, ít thực hành, hơn nữa thực tế trên phim trường những vai diễn luôn khác nhau, không thể rập một khuôn. Bởi vậy, những diễn viên không học qua trường lớp nhưng nhờ chịu khó rèn luyện, trau dồi thì sẽ càng diễn càng hay và thực tế đã chứng minh, nhiều diễn viên “tay ngang” đã thành danh.
Dù không theo học chính thức về diễn xuất, bước vào nghề như một “cơ duyên trời định” song Ngọc Lan đã giúp khán giả có cái nhìn tích cực hơn về một diễn viên không chuyên. Nhờ nỗ lực học hỏi không ngừng từ cuộc sống, từ bạn diễn lớn tuổi, đồng trang lứa mà ngày càng “chặt bị” kinh nghiệm nghề nghiệp. Những vai diễn “nặng ký” của Ngọc Lan trong phim Thuyền giấy, Mặn như muối… cùng giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình của Cánh diều Vàng 2013 và Nữ diễn viên chính được yêu thích nhất của HTV Awards 2014… cho thấy khả năng diễn xuất ngày càng dày dạn của cô.
Ngọc Lan trong phim “Mặn hơn muối” (đã phát sóng trên HTV7)
Diễn viên Ôn Bích Hằng cho biết thêm: “Việc học là không bao giờ đủ, thời điểm này đóng vai này thì phù hợp, thời điểm khác lại là dạng vai khác, các vai diễn ngày càng khó hơn, đa dạng hơn. Bởi vậy, việc trau dồi của bản thân, việc học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm, kỹ năng từ bạn diễn trên phim trường sẽ diễn ra lâu dài, suốt cuộc đời làm nghề. Không chỉ học lúc diễn cùng nhau, mà khi tranh thủ đến đoàn phim sớm hay lúc nghỉ chờ đến cảnh quay tiếp, ngồi trên xe di chuyển đến các địa điểm quay… cũng đều là cơ hội để mình học hỏi”.
Đã kinh qua những năm tháng mới vào nghề bỡ ngỡ hay từng lận đận trên đường phát triển nghề, nên nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Thanh Nam, NSƯT Việt Anh, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Hữu Châu, Thanh Thủy, Trọng Hải, Lê Bình… đều hết lòng truyền nghề, chia sẻ kinh nghiệm diễn xuất cho các diễn viên trẻ tuổi hay có diễn xuất còn non yếu.
Trương Minh Quốc Thái (trái) và Quốc Trường trong phim “Oan nghiệt” (đã phát sóng trên HTV7)
Đấy cũng là cách để họ cùng nhau tung hứng, phối hợp diễn xuất ăn ý, không phải mất nhiều thời gian quay đi quay lại trên phim trường. Và khi có ý thức nghề nghiệp tốt chắc chắn diễn viên sẽ thể hiện tốt nhân vật mà mình đảm nhận.
Đan Khanh