Phổ cập chữ ký số cá nhân

Trong thời đại số, với 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, công dân phải có "chữ ký số - CA" để xác thực điện tử các giao dịch số.

Cấp miễn phí

Trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia, Việt Nam cũng đã xác định mỗi công dân trưởng thành bên cạnh mã số định danh cá nhân còn có một chứng thư số cá nhân (CA).

Đây là CA cá nhân, khác với CA của các tổ chức, có giá trị tương đương với chữ ký tay cá nhân. CA được sử dụng để xác thực danh tính cá nhân thông qua các trường hợp: ký các văn bản hoặc tài liệu điện tử như hợp đồng, hóa đơn… cũng như sử dụng trong các giao dịch trực tuyến như kê khai giao dịch cá nhân, giao dịch qua ngân hàng điện tử - mobile banking hoặc giao dịch chứng khoán, kê khai BHXH điện tử…

Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam đặt mục tiêu 50% dân số trưởng thành sở hữu CA vào năm 2025. Trong thời gian qua, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đã phối hợp cùng Câu lạc bộ CA và Giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC), các nhà cung cấp dịch vụ CA công cộng triển khai nhiều giải pháp để người dân sở hữu và sử dụng CA. Nổi bật là các chiến dịch tuyên truyền, cấp CA cá nhân miễn phí cho người dân. Theo đó, các dịch vụ CA công cộng đã có nhiều chính sách miễn, giảm giá dịch vụ như miễn phí dùng CA từ xa cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; có chính sách giảm giá cho bác sĩ, giáo viên với mức giá khoảng 50.000 đồng/năm sử dụng. Các dịch vụ CA cũng linh hoạt hóa thiết kế nhiều phương thức thanh toán cho CA từ xa như các gói cước trả trước, ký theo lượt, gói cước ngắn hạn với giá chỉ từ 300 đồng/lần ký khi thực hiện các giao dịch trực tuyến khác. Tại Hà Nội, gian hàng cấp miễn phí CA cho công dân khai trương từ giữa tháng 4-2023 tại khu vực Phố đi bộ Hồ Gươm đến cuối năm 2023. Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC, cho biết: "Việc triển khai áp dụng CA rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp (DN) và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các dịch vụ công do Chính phủ cung cấp tới người dân, DN".

Tập đoàn VNPT cam kết cung cấp miễn phí toàn bộ CA cho công dân khi thực hiện các giao dịch ký số với các thủ tục hành chính trên toàn bộ các cổng dịch vụ công quốc gia/bộ, ngành/tỉnh, thành phố.

Tạo hành lang pháp lý để nhân rộng

Tuy nhiên, rào cản lớn với người dân chính là chi phí CA cá nhân dù ban đầu được cấp miễn phí và thậm chí được sử dụng miễn phí một thời gian. Sau đó, người dân vẫn phải gia hạn CA với chi phí không hề nhỏ.

Tham khảo giá thuộc loại rẻ là các gói VNPT-CA cá nhân, thấp nhất là 715.000 đồng/năm và 550.000 đồng khi gia hạn. Có những dịch vụ khác thu phí tới hơn 1 triệu đồng cho một năm sử dụng CA cá nhân. Hạn chế thứ hai là cho đến nay, số dịch vụ để sử dụng CA còn quá ít. Theo NEAC, có một số nguyên nhân chính dẫn đến số lượng sử dụng CA cá nhân còn thấp như người dân, DN chưa hiểu rõ lợi ích, cách thức sử dụng CA; quy định về áp dụng CA chưa phủ rộng đến khắp các loại hình giao dịch điện tử... Ông Nguyễn Khơ Din, Tổng Giám đốc Công ty Nền tảng chuyển đổi số DN thuộc Bkav - Phó Chủ nhiệm, Tổng Thư ký CLB CA và Giao dịch điện tử Việt Nam, cho rằng hiện nay, các ứng dụng và dịch vụ chấp nhận CA vẫn còn hạn chế. Do vậy sau khi người dân được cấp CA, họ chưa biết ứng dụng vào việc gì.

Trước thực tiễn này, Luật Giao dịch Điện tử 2023 (Luật số 20/2023/QH15) do Quốc hội khóa 15 ban hành có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 đã dành nguyên Chương III cho chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy các dịch vụ tin cậy có sử dụng chữ ký số phát triển mạnh. Tại TP HCM, UBND thành phố đã chỉ đạo trong kế hoạch phát triển năm 2023 phải đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dưới dạng trực tuyến. Dịch vụ công trực tuyến sẽ đi vào thực chất khi sử dụng CA cá nhân để pháp lý hóa hồ sơ số của người dân, kết quả xử lý của cơ quan nhà nước.

Nhiều giải pháp xác thực CA từ xa qua thiết bị di động đã được các nhà cung cấp dịch vụ CA phát triển. Hiện Tập đoàn VNPT đã xây dựng giải pháp VNPT SmartCA cho phép xác thực và chứng thực số trở nên dễ dàng bằng ứng dụng di động. Cá nhân/công dân sử dụng VNPT SmartCA có thể thay thế hoàn toàn chữ ký tay để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, đăng ký tạm trú, tạm vắng, kết hôn, nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nộp hồ sơ giáo dục hay nhập học cho con… trên các cổng dịch vụ công… VNPT SmartCA đã được hơn 200.000 giáo viên, bác sĩ sử dụng trong các công việc chuyên môn nghiệp vụ: giáo án, học bạ điện tử…, đơn thuốc, bệnh án điện tử… giúp tiết kiệm 85% thời gian và chi phí so với việc sử dụng hồ sơ giấy truyền thống, đặc biệt là trong các hoạt động tạo, gửi, lưu trữ, tìm kiếm các hồ sơ trước đây. 

Gần 3 triệu CA đang hoạt động

Đến nay, 100% DN tại Việt Nam đã sử dụng CA chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, BHXH... Theo thống kê, tính đến hết tháng 8-2023, cả nước đã có hơn 2,8 triệu CA đang hoạt động, trong đó có gần 1 triệu CA cá nhân. Riêng các chiến dịch cấp CA cá nhân miễn phí - tính đến cuối năm 2023 - đã cấp được hơn 260.000 CA cá nhân.

Sỹ Thành (Theo: chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn)