Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng được nhiều người biết đến là một nhà giáo đầy nghị lực. Ông không chỉ góp công sức trong lĩnh vực giáo dục mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nữa.
Nói về cuộc đời của mình, thầy Hùng chia sẻ: "Lúc mới 3 tuổi, tôi đã mồ côi cha. Mẹ tôi một mình vượt qua sóng gió trong suốt những năm tháng chiến tranh để nuôi con ăn học. Bà đã tìm được đường lánh nạn vào Sài Gòn. Lúc bấy giờ, tôi được gửi vào một trường dòng để tiếp tục việc học. Do chưa có nơi cư trú ổn định, nhiều đêm tôi phải ẩn nấp trong Thư viện Khảo cổ Sài Gòn dưới sự che chở của người Quản thủ thư viện. Đây chính là khoảng thời gian đặc biệt đã dẫn dắt tôi đến với những tư liệu quý về thủ phủ của vùng đất phía Nam".
Từ cái duyên tình cờ ấy, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã ngày đêm chuyên cần tìm hiểu về những kiến thức vô tận của lịch sử Việt Nam. Ông chính là người phát hiện đầu tiên công trình nghiên cứu của Henri Joseph Oger (người Pháp thực hiện từ năm 1908 đến 1909 tại Hà Nội) về đề tài Technique du peuple Annamite (Kỹ thuật người An Nam) và đã bị quên lãng khoảng một thế kỷ, cho đến khi được thầy Nguyễn Mạnh Hùng phát hiện tại Thư viện Sài Gòn năm 1962 và được Hãng Alpha Phim chụp lên phim, công bố trên toàn thế giới.
Bên cạnh công trình nghiên cứu kỳ công ấy, thầy Nguyễn Mạnh Hùng còn có những công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa quý giá khác như: Nghiên cứu và thực hiện luận án tiến sĩ sử học với đề tài "Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thông qua công trình Kỹ thuật Người An Nam" vào năm 1996 tại Hà Nội; Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20; Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông...
Thời gian qua, ông đã giới thiệu bộ ấn phẩm 4 bộ sách Tết. Bộ sách là tập hợp những nội dung sưu tập, phân tích và nhận định trên nguồn tư liệu quý giá được ông sưu tầm tài liệu và nghiên cứu từ hơn 50 năm qua. Với ông, niềm hạnh phúc đó là được nghiên cứu, sưu tập các loại sách cổ Việt Nam học từ hơn 50 năm nay và thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, viết báo, viết bài tiểu phẩm… Dù khi có trăm công ngàn việc, ông vẫn luôn duy trì việc sưu tầm, nghiên cứu cho đến hiện nay.
Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Kim Quyên