Đối với trẻ em những chất gây ngộ độc có thể xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả tại nhà. Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ ngộ độc càng cao, do trẻ luôn thích tò mò khám phá nhưng chưa biết phân biệt an toàn hay nguy hiểm.
Trẻ em có thể ngộ độc vì những thứ sau đây:
- Thực phẩm bẩn là thức ăn nước uống nhiễm chất độc như thuốc trừ sâu, chất bảo quản bị cấm, thức ăn nhiễm khuẩn do chưa nấu chín kĩ hoặc bị ôi thiu
- Các hóa chất gia dụng như bột giặt, nước tẩy rửa
- Các loại thuốc bổ, thuốc chữa bệnh và mĩ phẩm. Nếu dùng quá liều, sai đối tượng có thể gây ngộ độc nặng
- Một món đồ thông dụng nhưng dễ gây nguy hiểm cho trẻ chính là những viên pin
- Ngộ độc khí do bình ga rò rỉ hoặc khói do gia đình đun nấu bằng bếp than trong phòng kín
- Ngộ đốc chì và thủy ngân do tiếp xúc với những lớp sơn trên các loại đồ vật chất lượng kém
Phương pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm chúng ta cần:
- Mua thực phẩm ở những chỗ bán có uy tín. Sau khi mua về phải chế biến sạch sẽ, đúng cách với những thức ăn dễ gây ngộ độc như nấm, cóc, khoai mì, măng. Để riêng thực phẩm sống và chín
- Rửa tay trước khi ăn
- Ăn chín, uống nước đun sôi để nguội
- Nếu đồ ăn còn dư thì gói lại và cho vào tủ lạnh để tránh ruồi, gián, kiến bu vào
- Coi kĩ hạn dùng thực phẩm. Không ăn uống thực phẩm hết hạn hoặc hộp đóng bị phồng, nứt, bể
Phương pháp phòng tránh ngộ độc hóa chất và khí:
- Để riêng các loại hóa chất. Không để lẫn lộn cùng đồ ăn, thức uống
- Không lấy chai đựng thực phẩm để đựng hóa chất
- Các hóa chất, rượu bia phải để ngoài tầm tay trẻ em
- Cẩn thận với nhiệt kế có thủy ngân. Nếu nhiệt kế bị vỡ thì phải dọn dẹp thật kĩ, không để thủy ngân lưu lại trong nhà
- Nếu nấu ăn bằng bếp than phải đặt ở nơi thoáng khí
- Thường xuyên kiểm tra van bình ga, tắt bếp sau khi nấu nướng
Kha Đồng