Sau khi Nữ Giới Chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Sài Gòn bị đình bản thì tờ Phụ Nữ Tân Văn ra đời. Đây là tờ báo thọ nhất thời kỳ Pháp thuộc (từ tháng 5/1929 đến tháng 4/1935), được phát hành rộng rãi khắp cả ba kỳ.
Tranh biếm họa trên báo PNTV, cổ động cho Hội chợ phụ nữ
Ngày 1/2/1918, một tờ báo phụ nữ lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn, đó là tờ Nữ Giới Chung. Bà Sương Nguyệt Anh, con gái của nhà nho yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là chủ bút của tờ báo này.
Trực ở tòa soạn là Lê Đức, người đã tham gia phong trào Duy Tân ở miền Bắc hồi đầu thế kỷ 20. Tờ báo này có tuổi thọ rất ngắn, bị đình bản ngay trong năm 1918, chỉ được non 6 tháng tuổi.
Tờ báo nữ thành công nhất
Tính từ tờ Nữ Giới Chung cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945, trong cả nước có hơn 10 tờ báo phụ nữ ra đời, nhưng tất cả chỉ ra được trên dưới 10 số rồi tuyệt tích, như các tờ Phụ nữ Tân Tiến (Huế, 1934), Tân Nữ Lưu (Hà Nội 1935 – 1936), Việt Nữ (Hà Nội, 1937), Phụ nữ Hà Nội (1938 – 1939). Cũng tính đến Cách mạng Tháng Tám, Phụ nữ Tân Văn là tờ tuần báo duy nhất ở Sài Gòn được phát hành rộng rãi khắp cả nước và gặt hái thành công ngoạn mục.
Theo thông báo của ban biên tập, báo Phụ nữ Tân Văn là một “cơ quan để phổ thông trí thức và bênh vực quyền lợi của đàn bà”. Thật ra, đối tượng độc giả của nó rất rộng. Những mục như “tin tức trong nước, giới thiệu nhân vật, phê bình sách mới, văn uyển, tiểu thuyết, y học, luật pháp” không chỉ dành riêng cho phụ nữ như “việc trong bếp”. Ngay trong số 1 (2/5/1929) Phụ nữ Tân Văn cũng tự xác định là một tờ báo chung cho cả quốc dân Việt Nam”.
Phụ nữ Tân Văn có bộ biên tập đầy năng lực cùng những cộng tác viên có tên tuổi. Trong số cộng tác viên, có thể kể: nữ sĩ Vân Đài, Nguyễn Thị Kiêm (tức nữ sĩ Manh Manh), Thiếu Sơn, Quách Tấn, Thượng Tân Thị, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Trần Thanh Mại, Lưu Trọng Lư.
Trong ban biên tập, có 2 chủ bút (thay nhau từng lúc) nổi bật nhất là Đào Trinh Nhất và Phan Khôi. Quán xuyến mọi việc của tờ báo là ông bà Nguyễn Đức Nhuận. Bà (nhũ danh Cao Thị Khanh) là chủ nhân sáng lập, ông là chủ nhiệm. Từ thương trường chuyển sang làm báo, cả hai người đều sớm biết người, thạo việc, thành công trong nghề. Cả hai đều là những người yêu nước, tiến bộ, muốn có phần cống hiến cho đất nước, giúp ích cho đồng bào, đặc biệt là nữ giới, tiếp nối tinh thần truyền thống yêu nước của phong trào Duy Tân hồi đầu thế kỷ.
Với chính quyền thuộc địa, báo ít phê phán trực diện bằng những bài chính luận, xã luận. Nhưng những tin vắn thì lại hàm súc phê phán. Có phê phán trực diện thì lời cũng không mạnh bạo (để tránh bị kiểm duyệt hay đóng cửa). Nhưng từ số này đến số khác, cứ liên tục đưa những tin tức không hợp với phẩm vị của nhà cầm quyền.
Cũng có trường hợp, báo Phụ nữ Tân Văn đả kích chính quyền thuộc địa thông qua những đối tượng tay sai. Báo tố cáo Đảng Lập hiến của Bùi Quang Chiêu là bộ hạ của mấy tay từ bản gộc là đồng minh của chính quyền thuộc địa. Những người trong Đảng Lập hiến ra ứng cử Hội đồng quản hạt như Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Khá, Trương Văn bền đều không có đức, có tài, không đủ tư cách làm đại biểu cho dân.
Thế là sau bài báo nói trên, tờ Phụ nữ Tân Văn bị đóng cửa sau số 82 (20/12/1930), cho đến 5 tháng sau mới được cho ra lại.
Đóng góp cho văn học
Tuy Phụ nữ Tân Văn tự cho là cơ quan tranh đấu cho nữ quyền, nhưng thật ra, tờ báo có nhiều đóng góp cho văn học. Tờ báo được đánh giá là phất cờ cho phong trào thơ mới. Nhắc đến thơ mới lúc đó, người ta khó thể quên hai tên tuổi nổi bật: một vừa có tân học và có cựu học là Phan Khôi, và một thiếu nữ tân học là cô Nguyễn Thị Kiêm (bút danh Manh Manh).
Năm 1932, vì muốn thoát khỏi ràng buộc của thơ cũ, Phan Khôi hô hào “Duy Tân đi”, “Cải lương đi” và bày ra một lối thơ mới với bài “Tình già”. Từ đó, ông được coi như người đề xướng thơ mới.
Phan Khôi ra tuyên ngôn, còn Nguyễn Thị Kiêm thì ra trận, đăng đàn diễn thuyết về đề tài thơ mới tại trụ sở Hội khuyến học Nam Kỳ ở Sài Gòn (26/7/1933). Lưu Trọng Lư, một cộng tác viên tích cực của báo Phụ nữ Tân Văn, nhận xét: “Đại biểu của khuynh hướng thơ mới đáng kể nhất thì ngoài Bắc có ông Thế Lữ, còn trong Nam có cô Nguyễn Thị Kiêm”.
Giáo sư Dương Quảng Hàm, trong quyển “Việt Nam văn học sử yếu” nhận xét rằng, báo chí thời đó giúp cho sự thống nhất tiếng nói ba kỳ. Những tạp chí như Nam Phong tạp chí và Phụ nữ Tân Văn được người ba kỳ đọc, nên lâu dần, người Bắc hiểu được các tiếng dùng riêng ở trong Nam và ngược lại.
Thời đó, tiểu thuyết đăng báo đã xuất hiện, thường có ghi tính danh hay bút danh của tác giả. Riêng với tờ Phụ nữ Tân Văn có hai trường hợp ngoại lệ.
Một là truyện Mảnh trăng thu với truyện Cậu Tám lọ của B.Đ. Tên tác giả được ghi tắt, nhưng thời đó, một số người trong số cầm bút cũng biết đó là Bửu Đình, nguyên chủ bút tờ Tân Thế kỷ (1926). Ông phê phán hoàng tộc và nhà cầm quyền bảo hộ. Ngày 20/2/1923 ở Huế, Bửu Đình và một số người bạn kéo đến nơi ở của chí sĩ Phan Bội Châu để chúc mừng năm mới. Sau những sự việc trên, ngày 23/2/1927, ông bị bắt đưa ra Hội đồng tôn nhân phủ xét xử và bị kết án 9 năm khổ sai, đầy đi Lao Bảo (sau đó là đày ra Côn Đảo).
Trường hợp thứ hai là truyện Hai ngôi sao ái tình, tác giả khuyết danh. Tòa báo trịnh trọng giới thiệu là tiểu thuyết do một vị danh nhân viết ra và hiện đang gởi nhờ một vị nho danh nhân nữa bình duyệt. Mất một phần ba thế kỷ sau, nữ sĩ Ái Lan mới vén bức màn bí mật và cho biết tác giả tiểu thuyết đó chính là Phan Bội Châu (báo Tiếng Nói Dân tộc, số 3, ngày 19/10/1968).
Đánh giá về mảng văn học trên tờ Phụ nữ Tân Văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân nhận xét: “Tờ Phụ Nữ Tân Văn là tạp chí thành công nhất từ trước đến nay ở miền Nam, là thành tựu rất cao của những cố gắng của trí thức miền Nam trên đường hiện đại hóa văn học và báo chí”.
Đường Kênh Lấp xưa (nay là đường Nguyễn Huệ)
Hoạt động văn hóa xã hội
Trong những năm 1930 – 1935, ở Sài Gòn không có một tờ báo phụ nữ nào có nhiều sáng kiến hoạt động văn hóa xã hội hữu ích như Phụ nữ Tân Văn. Sáng kiến có cái đã được thực hiện, có cái chưa. Cũng có sáng kiến do báo khởi xướng, rồi nhà cầm quyền thuộc địa noi gương làm theo.
Những sáng kiến đã được thực hiện:
- Việt Nam Phụ nữ học bổng. Với thiện ý đào tạo nhân tài, Phụ nữ Tân Văn ngay từ số đầu đã có bài cổ động đồng bào quyên góp để gây quỹ cấp học bổng cho học sinh nghèo du học ở Pháp. Tiền dành cho học bổng được trích từ lợi nhuận của báo chứ không phải do quyên góp. Tháng 10/1929, có hai người được cấp học bổng đầu tiên, một ở Hà Nội và một ở Thủ Dầu Một đáp tàu sang Pháp.
- Tổ chức Hội chợ Phụ nữ, tạo quỹ giúp Hội dục anh. Ngày 28/11/1930, bà Nguyễn Đức Nhuận được mời làm cố vấn Hội dục anh. Để giúp hội có quỹ mở Viện dục anh, ông bà Nguyễn Đức Nhuận tổ chức Hội chợ Phụ nữ, nội dung là đấu xảo nữ công. Kèm theo, còn có 4 buổi diễn thuyết về các vấn đề xã hội và văn học. Điều đáng chú ý là 4 diễn giả đều là phụ nữ.
Hội chợ diễn ra trong bốn ngày từ 4 đến 7/5/1932. Cuối năm đó, Hội dục anh mở cửa tại Cầu Kho. Năm sau, một Viện dục anh khác được mở gần chợ Sài Gòn.
Đặc biệt ở hội chợ, có một chuyện nghe rất khó tin nhưng mà có thật. Cô Phan Thị Chấn, 36 tuổi ở Bến Tre tham gia hội chợ bằng việc đăng ký tỉ thí võ nghệ. Bất kỳ đàn ông hay đàn bà, ai muốn tỉ thí võ nghệ với cô, cô cũng bằng lòng. Nhưng không có ai đăng ký nên đến ngày hội chợ bế mạc, không có diễn ra trận đấu nào.
Cô Phan Thị Chẩn, người phụ nữ đăng đàn thí võ tại Hội chợ phụ nữ
- Mở quán cơm bình dân cho người nghèo. Những năm gần đây, ở Sài Gòn xuất hiện nhiều quán cơm từ thiện, quán cơm 2.000 đồng cho người nghèo. Nhưng có ai biết rằng cách đây hơn 80 năm, báo Phụ nữ Tân Văn đã tổ chức những quán “cơm thí” (cơm bình dân) cho người nghèo, lần lượt ở đường d’Ormay” (Mạc Thị Bưởi) ở bên hông trường Taberd (nay là trường Trung học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) và sau cùng là đường Amiral Roze (Trương Định).
- Nữ lưu học hội. Năm 1933, báo Phụ Nữ Tân Văn đề xướng việc thành lập Nữ lưu học hội, với mục đích “muốn cho Sài Gòn này, nổi lên một cái học hội để cho những chị em nào cần học, cần tiêu khiển, cần tập nhiều món công nghệ hay, đều có thể họp lại một nơi”.
Báo cũng ủng hộ việc tổ chức Hội cựu học sinh Nữ học đường. Ngày 1/8/1933, Hội cựu học sinh nhóm họp lần đầu với Nguyễn Thị Kiêm (nữ sĩ Manh Manh) làm tổng thư ký.
Kênh Tàu Hũ
Có thể nói, trong hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn (tính đến năm 1975), không có một tờ tuần báo phụ nữ thứ hai nào có vai trò quan trọng và thành công vẻ vang như Phụ nữ Tân Văn.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng đánh giá: “Phụ Nữ Tân Văn thiên về đại chúng nên đã thành công vẻ vang”. Có thể nói, đây là tạp chí quan trọng nhất mở màn cho thời kỳ văn học mới 1929 – 1945”.
Tóm lại, với quan điểm chính trị, tinh thần tranh đấu cùng những đóng góp trong hoạt động xã hội và sinh hoạt văn học, báo Phụ nữ Tân Văn xứng đáng có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học và báo chí miền Nam.
Trần Vĩnh An