Hơn 25 năm qua, ông Phùng Quang Oánh đã trở thành người duy nhất ở TP.HCM tạo hình hàng ngàn nhân vật rối nước, phục vụ cho các gánh diễn trong Nam, ngoài Bắc.
Sinh ra trong một gia đình bình thường, không có truyền thống “cha truyền con nối” với nghề làm rối nước, thời điểm trưởng thành ông Oánh tình cờ gặp và theo học một nghệ nhân làm nghề rối nước trong vùng, từ đó bén duyên với cái nghiệp theo mình nửa đời người.
Ông Oánh theo học nghề tạo hình rối nước từ khi còn trẻ
Năm 1984, sau khi học nghệ tinh thông, ông Oánh quyết định mở xưởng tạo hình rối nước. Thế nhưng, với một người trẻ như ông Oánh lúc bây giờ thì việc cạnh tranh với các gánh diễn và các cơ sở chế tác nổi tiếng khác là điều không dễ dàng. Năm 2007, ông quyết định Nam tiến, hành trang mang theo là niềm đam mê với nghệ thuật tạo hình rối nước. Ông Oánh nhớ lại: “Hồi tôi mới vào Nam, nghệ thuật múa rối nước cũng phát triển nhưng không phổ biến như ngoài Bắc. Ở đây chỉ có một vài trung tâm ca múa nhạc nhỏ lẻ, rất ít khi tổ chức vì kén người xem, cho nên nghệ thuật tạo hình rối này cũng ế ẩm lắm”.
Trải qua bao thăng trầm, hiện tại để phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước xem loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này, các trung tâm văn hóa, nhà hát nghệ thuật ở miền Nam thường tìm đến cơ sở của nghệ nhân Phùng Quang Oánh để đặt hàng các các nhân vật rối trong các trò diễn, vở kịch.
Theo ông Oánh, điểm đặc trưng nữa của nghệ múa rối nước là các nhân vật phải di chuyển và cử động linh hoạt. Và để làm được điều đó, phải tính toán chi tiết để khi đưa xuống nước, con rối có thể linh hoạt biểu diễn tất cả các động tác một cách nhuần nhuyễn. Ông Oánh cho biết: “Tùy theo vở diễn mà người ta đặt theo từng nhân vật. Thông thường, mỗi vở diễn từ 5 – 10 con. Và giá cả dao động tùy theo hình dáng, kích thước của con rối”.
Người thợ khéo léo tạo hình những chú rối nước tỉ mỉ, tinh tế
Đến thời điểm này, điều khiến ông Oánh đang trăn trở đó là tìm được truyền nhân. Không tự hào mình làm rối giỏi nhưng ông cực kỳ am hiểu về nghệ thuật rối, về những hình tượng rối. Thế nhưng, để tiếp tục lưu truyền nghề cha ông xây dựng là điều vô cùng khó khăn. Hơn ai hết, ông hiểu rằng nghệ thuật dân gian chỉ tồn tại nếu có người kế thừa bởi, bởi không có sách vở, trường lớp đào tạo nào chỉ dạy hết được.
Với ông Oánh, con rối nước từ lâu đã trở thành vật tri kỷ
Hiện tại, để lưu giữ và bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân gian này, ông Oánh cùng với một số bạn bè đã tự lập mô hình sân khấu nhỏ để lưu diễn đến tận từng gia đình qua các buổi sinh nhật, tiệc mừng… nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến một đặc sản nghệ thuật văn hóa dân gian đang dần mai một.
Đón xem Khoảnh khắc cuộc đời được phát sóng vào 22g45 trên kênh HTV9.
Mỹ Hạnh