Nếu ví một bộ phim truyền hình là ngôi nhà mà trong đó đạo diễn là kiến trúc sư thì nhà quay phim sẽ là thợ xây lành nghề. Được đi đó đi đây, nghề quay phim truyền hình tưởng như “chơi” mà thực tế cũng lắm gian nan.
Quay phim là người chuyển thể từng dòng kịch bản thành những thước phim sinh động trên màn ảnh. Trong một đoàn làm phim, vai trò của người quay phim chỉ xếp sau đạo diễn. Ngay từ khâu chuẩn bị quay, họ phải cùng đạo diễn đi chọn bối cảnh, địa điểm quay, bàn bạc về bố cục của những khuôn hình. Trước đó, họ phải dành thời gian để thấu hiểu nội dung và chủ đề bộ phim cần thể hiện.
Một cảnh đẹp trong phim "Bản sao nguy hiểm"
Ra hiện trường quay, quay phim điều khiển máy quay, kiểm tra và chịu trách nhiệm về các đoạn phim đã thực hiện. Ngoài sự cẩn thận với từng động tác máy, chỉn chu với từng khuôn hình, họ phải có nhiều kỹ năng khác: biết tạo hình về thị giác, xử lý về ánh sáng, màu sắc, sự phối hợp nhịp nhàng với diễn xuất của diễn viên để theo sát đến từng nhịp thở của nhân vật, bắt được cái hồn của khung cảnh thiên nhiên.
Họ cũng cần nắm rõ cấu tạo của máy quay để giải quyết những vấn đề kỹ thuật xảy ra. NSND - Nhà quay phim Lý Thái Dũng từng nói: “Quay phim là một nghề đặc biệt. Một nửa là nhà kỹ thuật thuần túy, lạnh lùng, chính xác, nửa kia là một người lãng mạn, nhạy cảm, sâu sắc, có vốn kiến thức xã hội tương đối sâu và rộng”.
Một cảnh quay từ trên cao của phim "Những thiên thần áo trắng"
Khoảng 10 năm trở lại đây, các nhà sản xuất phim truyền hình rất xem trọng những hình ảnh đẹp, trau chuốt và giàu cảm xúc… như một yếu tố quan trọng góp phần giúp bộ phim thu hút, hấp dẫn khán giả hơn. Công nghệ quay 2-3 máy cùng lúc, tốc độ quay từ 1,5-3 ngày/ tập phim càng đòi hỏi quay phim phải có nghề và còn có chức danh Đạo diễn hình ảnh (D.O.P). Thực chất là nhà quay phim, song D.O.P làm việc với tất cả các khâu: ánh sáng, phục trang, thiết kế, trang điểm… để xử lý lại thông qua ngôn ngữ hình ảnh, dẫn dắt người xem đi vào bộ phim, bóc tách tâm lý từng nhân vật qua màu sắc, chiều sâu không gian.
Có D.O.P, nhà sản xuất yên tâm vì bảo đảm góc máy của các máy quay cùng lúc đều thống nhất về phong cách thể hiện. Đạo diễn cũng nhàn hơn khi có D.O.P, vì họ triển khai và thể hiện đúng ý đồ của đạo diễn muốn chuyển tải lên phim. Đã có rất nhiều phim truyền hình được đầu tư phần hình ảnh quá đẹp, khiến khán giả xuýt xoa như được du lịch qua màn ảnh nhỏ như: Tuyết nhiệt đới, Mưa thuỷ tinh, Cô gái xấu xí, Bỗng dưng muốn khóc, Chuyện tình đảo Ngọc, Thiên đường ở bên ta, Ngôi nhà hạnh phúc, Chuyện tình mùa thu, Bản sao nguy hiểm, Đồng quê, Huyền thoại 1C, Cá rô anh yêu em, Mặn hơn muối, Mùa cúc susi, Mật danh rocker… là nhờ có D.O.P hoặc quay phim giỏi nghề.
Một cảnh quay trên bùn sình của phim "Huyền thoại 1C"
Cát xê cho quay phim khá cao, nhưng họ cũng là người dầm mưa, dãi nắng, đổ mồ hôi nhiều nhất trên trường quay. Bởi vậy, chủ yếu chỉ có nam giới theo nghề này. Bởi quay phim cần đủ sức khỏe để đứng ròng rã cả chục tiếng đồng hồ từ sáng đến khuya, có khi thức trắng xuyên mấy đêm để ghi hình, thậm chí phải vác máy quay nặng trĩu trên vai nhiều giờ liền. Không chỉ làm việc với cường độ cao, quay phim còn phải đối mặt với nhiều vất vả như trèo đèo, lội suối, leo dốc, leo cây, lên rừng, xuống biển, dầm mình trong nước lạnh cóng, lấm lem khi đứng trong đường mương, chịu nắng nung trên bãi cát, cheo leo trên giàn giáo, treo mình trên cành cây cao, cửa sổ hoặc mái nhà cao tầng, vắt vẻo trên cần cẩu, trên nóc xe hơi và ghe thuyền, tàu… đang chạy để quay toàn cảnh hay những pha hành động, rượt đuổi. Với phim tình cảm, tâm lý xã hội còn đỡ cực, chứ quay phim hành động hay phim xưa, lịch sử thì quay phim thật trần ai và nguy hiểm.
Một cảnh quay của phim "Mùa cúc susi"
Đằng sau các cảnh quay mà khán giả mãn nhãn hay xuýt xoa là chuyện hậu trường đôi khi thót tim mà quay phim gặp phải. Đó là một lần quay cảnh chiếc xe hơi đang chạy với tốc độ cao, do tài xế không kịp thắng đúng khoảng cách an toàn, nên chiếc xe suýt lao thẳng vào người quay phim Nguyễn Tranh. Hay trong cảnh rượt đuổi của phim Sóng đời, quay phim ôm máy ngồi xoay lưng lại với người chở trên chiếc xe gắn máy chạy tốc độ cao rượt theo cascadeur chạy xe hết tốc lực phía trước. Khi quay phim Lục Vân Tiên, nhà quay phim K’Linh trong lúc leo trèo ở hang Đá Dựng (Hà Tiên) để tìm một góc máy đẹp đã rơi từ độ cao hơn 10 mét, gãy xương sườn phải bó bột.
Để có những thước phim sông nước đẹp như trong Dưới cờ đại nghĩa (TFS), quay phim Võ Chiêu Dũng phải dầm mình dưới nước kênh rạch hàng tháng trời. Nhà quay phim Đặng Phúc Yên từng treo mình trên bậc cửa lên xuống của máy bay trực thăng đang bay trên cao để quay đại cảnh trong phim Đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong phim Bản năng nguy hiểm để quay cảnh một nhân vật kẹt bên sườn một chiếc xe tải, quay phim Võ Trần Trung phải nửa người được cố định dưới gầm xe, nửa còn lại treo ở một bên sườn xe và cầm máy quay trong lúc chiếc xe vẫn chạy trên con đường cát bụi và giằng xóc. Tuy hiện nay, đã có máy quay chuyên dụng hoặc thiết bị điều khiển từ xa (flycam) hỗ trợ đắc lực, nhưng vẫn có nhiều cảnh “nguy hiểm” mà người quay phim phải trực tiếp ôm máy ra hiện trường.
Quay phim "Đường Hồ Chí Minh trên biển" từ trực thăng
Mỗi năm, nước ta có cả trăm quay phim chính quy ra trường nhưng nhiều bạn trẻ đã chọn quay đám cưới, sự kiện, quảng cáo, gameshow, MV ca nhạc để “đánh nhanh, thắng nhanh”. Bởi bước chân vào nghề quay phim phim truyện là không dễ dàng. Những nhà quay phim giỏi ở Việt Nam đều phải trải qua nhiều năm lăn lộn ở đoàn làm phim từ phụ khuân vác máy quay, đẩy dolly, đặt phản quang... để học hỏi thực tế và tích lũy kinh nghiệm. Nhà quay phim K’Linh đúc kết: “Muốn theo được nghề này cần phải có tình yêu, lòng đam mê, sự dũng cảm và sức khỏe tốt”.
Đan Khanh