Năm 2009, chàng robot Wall-E làm nên chiến thắng khi bất ngờ đánh bại gấu trúc Po (phim Kungfu Panda) và chú chó Bolt (phim Chú chó Tia Chớp), để giành giải Quả cầu vàng 2009 ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất.
Wall-E luôn ao ước có một tình yêu lãng mạn
Robot tưởng chừng vô tri lại biết yêu
Trong tương lai, Trái đất bị bao phủ bởi rác thải, loài người buộc phải rời khỏi và thay thế vào đó là hàng triệu con robot nhỏ bé với nhiệm vụ thu dọn rác thải cho đến khi hành tinh mẹ có thể ở được.
Nhưng chương trình đó thất bại chỉ trừ một chú robot nhỏ bé, tính cách ngây thơ vẫn chăm chỉ làm công việc của mình, đó chính là Wall-E, robot duy nhất bị bỏ lại trên Trái đất bắt đầu có một lỗi nhỏ trong hệ thống: phát triển tính cách của con người. Bao năm tận tụy làm việc, Wall-E lãng mạn mơ ước rằng một ngày cậu sẽ kết giao được với ai đó, và cuộc đời này hẳn còn nhiều điều thú vị hơn công việc buồn tẻ mà cậu làm hàng ngày.
Wall-E cũ kĩ luôn tận tụy với công việc của mình
Cho đến một ngày, Eve xuất hiện. Eve là một con robot thuộc hạm đội người máy được Phi trưởng của tàu Axiom (con tàu mẹ khổng lồ và sang trọng, là chỗ ở cho hàng nghìn người) phái xuống Trái đất thăm dò. Khác với vẻ ngoài rỉ sét, bẩn thỉu và xấu xí của Wall-E, Eve đẹp, nhanh nhẹn, có thể bay và được trang bị súng laser khiến chàng robot "đổ" ngay lập tức.
Khi phát hiện có sự sống ở Trái đất, Eve ngay lập tức trở lại không gian để thông báo cho loài người, vốn đang thiết tha chờ ngày trở lại quê nhà. Khi Wall-E tặng Eve một cây con màu xanh – bằng chứng của sự sống trên Trái đất, Eve mừng rỡ cất vào trong khoang ngực, nhưng đột nhiên nàng “đứng máy”, mặc cho Wall-E làm hết cách để người yêu tỉnh lại.
Wall-E tặng cho Eve xinh đẹp một chồi cây làm cô xúc động
Rồi một ngày phi thuyền từ không gian xa lạ đáp xuống đưa Eve đi, Wall-E không đành lòng nhìn cảnh mất người yêu, cậu quyết không từ bỏ người mình yêu và đuổi theo Eve vào vũ trụ. Chính cậu cũng không thể ngờ rằng mình sẽ vượt qua dải ngân hà và bước vào một chuyến phiêu lưu kì thú vượt xa sự tưởng tượng của chính mình.
11 năm trôi qua chúng ta học được gì từ Wall-E?
Theo chân Eve, Wall-E được đưa tới phi thuyền vũ trụ Axiom, nơi con người tạm cư. Tại đây, con người đã thay đổi một cách lạ kỳ: họ không làm việc, họ gần như quên hết thế giới chung quanh, người nào người nấy béo ù, suốt ngày chỉ ngồi-nằm để coi “màn hình di động”. Phục vụ cho họ là hàng loạt người máy hiện đại. Ngay cả vị thuyền trưởng của họ cũng không nhấc nổi thân mình ra khỏi cái ghế nằm vì quá mập… Và quan trọng hơn hết là họ không còn nhiều cảm xúc cho đến khi Wall-E xuất hiện cùng tình yêu với Eve.
Dựa dẫm vào máy móc, con người tại Axiom dần mất đi cảm xúc và ù lì
Người ta bỗng có cơ hội đứng dậy ngắm dải thiên hà lung linh, huyền ảo. Người ta tập chào hỏi nhau bằng những câu đơn giản. Người ta chợt nhớ đến việc phải quay về Trái đất thân thương. Sau đó, một cuộc chiến giữa Wall-E, Eve và vị thuyền trưởng - những người muốn trở về Trái đất và phe chống đối diễn ra quyết liệt... Cuối cùng, mọi người trở về Trái đất, và quan trọng hơn, họ đã tìm lại được chính mình.
Thật đáng ngại khi cơ hội sống thứ hai của con người lại phải cậy vào sự tận tụy dọn dẹp Trái đất và tình yêu vô tư, mãnh liệt của Wall-E bé nhỏ. So sánh với hiện tại, con người cứ vô tư tàn phá môi trường sống, đồng thời cũng rất nhiệt huyết trong việc tìm kiếm sự sống mới ở nơi khác. Nhưng họ không nhận ra có nơi đâu ấm áp, mát lành bằng hành tinh xanh của chúng ta (như thông điệp của toàn bộ phim). Trái đất sẽ mãi là môi trường sống lý tưởng của "chúng ta" khi mỗi người là một Wall-E.
Thành công từ nỗ lực của ê-kíp làm phim
Chỉ cần một vài lời thoại xuyên suốt chuyến hành trình của người máy Wall-E, các nhà làm phim đã chuyển tải câu chuyện chủ đề người lớn về bảo vệ môi trường, về cuộc sống hiện đại khiến con người ta xa nhau như thế nào, khiến con người trở nên ích kỷ như thế nào… một cách trọn vẹn mà vẫn khiến trẻ em thích thú.
Robot biết yêu đã đưa khán giả đến một không gian khác, làm người xem thực sự tin vào những thế giới đó tồn tại ngoài kia, thực sự tin rằng đây là những cỗ máy bước ra ngoài đời thực. Đó là nhờ nỗ lực của ê-kíp làm phim sau khi dành thời gian ghé thăm những nhà khoa học của NASA, tham dự hội nghị về người máy, thậm chí còn mua cả một số con robot thật để nghiên cứu kĩ lưỡng.
Để có những hình ảnh chân thật, ê-kíp làm phim đã tìm hiểu kĩ về người máy
Với cách kể chuyện bằng hình ảnh, lời thoại ít thì âm nhạc trong phim đóng vai trò quan trọng hơn so với các phim khác. Đặc biệt là bản phóng tác phim năm 1969 của nhạc kịch Hello, Dolly đã khiến Wall-E nảy nở tình cảm như con người và bắt đầu chuyện tình yêu của mình.
Robot biết yêu ra mắt năm 2008 là tác phẩm hoạt hình của Andrew Stanton (đạo diễn/tác giả kịch bản/phó chủ tịch khâu sáng tạo của Xưởng phim hoạt hình Pixar). Stanton là một trong bốn tác giả kịch bản nhận được đề cử giải Oscar năm 1996 cho bộ phim Câu chuyện thế giới đồ chơi (Toy Story). Ông cũng là tác giả kịch bản của Thế giới côn trùng (A bugs life), Câu chuyện thế giới đồ chơi 2 (Toy story 2), Công ty Quái vật (Monster, Inc.), Đi tìm Nemo (Finding Nemo). Và là đồng đạo diễn bộ phim được Oscar 2008 - Chú chuột đầu bếp (Ratatouille).
Đón xem bộ phim hoạt hình "Robot biết yêu" (Wall-E) phát sóng lúc 11g15 ngày 23/6 trên kênh Fox Movies thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.
Kha Đồng