Chúng tôi đến Sơn Mỹ - Nay là xã Tịnh Khê, Thành phố Quảng Ngãi những ngày giữa tháng 3/2018. Trên khắp cánh đồng làng quê đều trải mượt một màu xanh của lúa, bắp, xen lẫn những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Thật khó có thể tưởng tượng, cách đây 50 năm nơi đây đã xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng vào ngày 16/3/1968, quân đội Mỹ đã gây ra vụ thảm sất Sơn Mỹ giết chết 504 thường dân vô tội, trong đó hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em.
Bà Phạm Thị Thuận bên căn nhà tái hiện tại Khu chứng tích Sơn Mỹ
NỖI ĐAU CÒN MÃI
Sau khi thắp nén nhang cho những người thân đã mất, ông Phạm Thành Công (61 tuổi) - nguyên Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ và là nhân chứng còn sống sót sau vụ thảm sát, chia sẻ: “Tưởng niệm 50 năm ngày xảy ra vụ thảm sát, mấy ngày nay, hầu như đêm nào tôi cũng giật mình thức giấc. 50 năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên được…”.
Ông kể lại với chúng tôi rằng, khoảng 8 giờ sáng ngày 16/3/1968, sáu mẹ con ông đang ở trong nhà thì nghe tiếng súng đạn, tiếng gào thét của người dân. Lính Mỹ đến nhà và dồn mẹ con ông xuống hầm rồi bắn tới tấp. Nhờ người mẹ đã dùng thân mình che chắn nên ông chỉ bị thương và được người dân trong vùng đến cứu sau khi lính Mỹ đi khỏi. “Mẹ và 4 anh chị em tôi đã chết và được người dân ở xóm bên chôn chung một nấm mồ. Lúc đó, tôi chỉ mới 11 tuổi, nhưng những hình ảnh tang thương lúc bấy giờ vẫn còn hằn sâu trong tâm trí”- ông Thành ngậm ngùi.
Không chỉ riêng ông Phạm Thành Công, những ký ức đau thương, kinh hoàng trong buổi sáng hôm ấy vẫn còn âm ỉ, ám ảnh trong mỗi người con Sơn Mỹ, nhất là những người may mắn thoát chết trong vụ thảm sát năm xưa. Bà Nguyễn Thị Thuận năm nay đã ngoài 80 tuổi, hôm nay trở lại nơi này, bà nhớ rõ như in buổi sáng kinh hoàng đó. Đi dọc theo cái mương nước trong Khu chứng tích Sơn Mỹ, chỉ tay về phía xa, bà nghẹn ngào nói: “Nhà tôi ở phía kia, còn đây là nhà của ông Đỗ Ký, gia đình ông cũng có nhiều người mất trong vụ thảm sát. Sáng sớm ngày 16/3/1968, lính Mỹ dồn chúng tôi xuống cái mương nước này và bắn chết cả trăm người. Ba mẹ con tôi sống sót nhờ may mắn nằm bên dưới những xác người khác…”.
50 năm đã trôi qua, nhưng những đau thương mất mát vẫn còn trong mỗi người dân Sơn Mỹ bởi di chứng chiến tranh đã theo họ trong suốt quãng đời còn lại. Bà Trần Thị Hoanh (58 tuổi) cũng là nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát nhưng chân trái của bà vẫn còn vết tích của làn đạn của lính Mỹ năm xưa. Bà nói với chúng tôi trong nước mắt: “Gia đình, họ hàng của tôi có 11 người mất trong vụ thảm sát. Tôi không thể nào quên nỗi đau tột cùng khi chứng kiến cảnh hàng trăm người dân vô tội trong đó có người thân của mình bị sát hại dã man. Năm nay tưởng niệm 50 năm, mong mọi người nhớ đến chúng tôi, những người đã mất và còn sống sau vụ thảm sát này, và mong rằng những vụ việc như thế không bao giờ xảy ra nữa”.
Ông Phạm Thành Công đang thắp nhang tưởng nhớ những người đã mất trong vụ thảm sát Sơn Mỹ
ẤM LÒNG CHO NGƯỜI ĐÃ KHUẤT
Phần lớn người bị thảm sát tại Sơn Mỹ là người già, phụ nữ và trẻ em, 50 năm đã trôi qua, nhưng chưa ai quên được nỗi đau này. Để tưởng nhớ đến người đã khuất và theo nguyện vọng của đông đảo người dân Sơn Mỹ, tháng 4/ 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư xây dựng một gian thờ trang nghiêm dành cho những người đã khuất. Đúng ngày tưởng niệm 50 năm - 16/3/2018, Ban quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ đã làm lễ rước vong linh những người đã mất về thờ tự tại đây.
Thắp nén nhang cầu nguyện cho những người đã mất mà không có ai thờ tự, ông Nguyễn Tấn Giản (61 tuổi) thành viên của buổi lễ an vị cũng là người sống sót sau vụ thảm sát, chia sẻ với chúng tôi: “Ba tôi là người đã mất trong vụ thảm sát này nhưng ông may mắn vì còn có con cái để cúng kiếng, giỗ chạp. Nhưng trong số 504 người chết, thì có 24 gia đình không còn ai để thờ phụng, tức gia đình họ chết hết, không có nơi thờ, hôm nay Nhà nước quan tâm xây gian thờ này là một việc làm rất nhân văn”.
Trao đổi với chúng tôi tại ngày khánh thành gian thờ, ông Đặng Ngọc Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói: “Nhận thức là cả một quá trình, nhưng còn phải do điều kiện nữa. Chúng tôi muốn làm gian thờ nay sớm nhưng đến bây giờ mới làm được. Phong tục chúng ta là sống có cái nhà, chết có cái mồ. Hôm nay cũng là ngày giỗ, chúng tôi tổ chức lễ an vị và cúng mâm cơm, thắp nhang tưởng nhớ 504 người đã mất trong vụ thảm sát. Gian thờ có diện tích 207 mét vuông được xây dựng theo kiến trúc nhà rường truyền thống. Việc đưa vào sử dụng gian thờ này nhân kỷ niệm 50 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ không chỉ có ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà còn góp phần cải thiện hạ tầng khu Chứng tích Sơn Mỹ và phần nào làm ấm lòng người dân đang sinh sống trên quê hương Sơn Mỹ hôm nay”.
Nghi thức lễ an vị 504 thường dân bị thảm sát
Trước khi khánh thành gian thờ, Khu chứng tích Sơn Mỹ cũng đã cho đúc quả chuông đồng, kịp đưa về treo ở khu chứng tích Sơn Mỹ nhân lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai. “Chuông đồng nặng hơn 1 tấn, cao hơn 2 mét, đường kính rộng nhất 1 mét. Xung quanh chuông đồng được chạm nổi các biểu tượng lịch sử văn hóa làng quê Sơn Mỹ như: Đền thờ anh hùng Trương Định, núi Ấn, Sông Trà, thôn Tư Cung, biển Mỹ Khê, dòng sông Kinh…” - bà Cao Thị Hồng Hạnh - Phó giám đốc phụ trách Khu chứng tích Sơn Mỹ cho biết: “Theo thông lệ, trước lúc bình minh mỗi ngày, cán bộ nhân viên làm việc tại Khu chứng tích Sơn Mỹ sẽ gõ 5 hồi, một hồi 4 tiếng chuông tượng trưng cho lời cầu nguyện 504 linh hồn thường dân vộ tội bị thảm sát ngày 16/3/1968” - bà Hạnh chia sẻ thêm.
Hơn 2 năm qua, Quỹ Hòa bình Mỹ Lai đã có đóng góp tích cực và hỗ trợ cho nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục hàn gắn vết thương chiến tranh và các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đồng hành với Quỹ hòa bình Mỹ Lai là những mạnh thường quân có tấm lòng nhân ái nhằm truyền cảm hứng, phát đi thông điệp về hòa bình đến với cộng đồng trong và ngoài nước.
Buổi chiều yên bình nơi làng quê Sơn Mỹ
Bà Trương Ngọc Thủy - Giám đốc Quỹ Hòa bình Mỹ Lai chia sẻ: “Nhân lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, Quỹ Hòa bình Mỹ Lai cũng đã thông báo đến người dân về dự án công viên Hòa bình Mỹ Lai với diện tích 41 héc ta, có tổng kinh phí 348 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau khoảng từ 3 đến 5 năm tới. Ngoài xây dựng công viên Hòa Bình, Quỹ Hòa bình Mỹ Lai còn có nhiều hoạt động khác nhằm hỗ trợ những người thân của các nạn nhân trong vụ thảm sát Sơn Mỹ phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.
Từ vùng đất hoang tàn năm nào, nay được hồi sinh với những tuyến đường bê tông kiên cố, nhà cửa khang trang. Sức sống ở vùng quê nghèo đang trỗi dậy từng ngày. Ông Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê - TP. Quảng Ngãi nói với chúng tôi: “Trong những năm đất nước đổi mới, Sơn Mỹ - Tịnh Khê đã có bước phát triển kinh tế - xã hội đáng kể. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho việc kết nối lưu thông và đi lại của người dân. Đời sống của người dân Sơn Mỹ vì thế được nâng lên đáng kể. Những trường học, bệnh xá, những công trình phúc lợi dân sinh được xây dựng khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Sơn Mỹ ngày một cải thiện, nâng cao”.
50 năm trôi qua, chắc hẳn không ai có thể quên những người thân bị sát hại trong ngày 16/3/1968. Nhưng điều đáng quý, đáng trân trọng là nhân dân Sơn Mỹ đã nén nỗi đau thương tột cùng để có thể đứng vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đi lên từ vùng đất mang trong mình vết thương của chiến tranh, nhưng đến nay, quê hương Sơn Mỹ - Tịnh Khê đã có những bước khởi sắc đáng mừng, tất cả đều hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Anh Dũng – Nguyễn Trường thực hiện