“Sống gượng”: Hành trình từ truyện lên màn ảnh

Bộ phim là câu chuyện về một cuộc đời của chính tác giả truyện ngắn "Sống gượng". Khi đọc bản thảo, biên kịch Hạnh Ngộ đã không thể ngừng lại và đã quyết định chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình.


“Sống gượng” là câu chuyện có thật được hư cấu lại qua cái nhìn của nhân vật Như Ngọc (do Lê Chi Na đảm nhận - trái)

Sống gượng vốn là câu chuyện có thật của một cuộc đời bị quá nhiều dằn xé được hư cấu lại qua cái nhìn của nhân vật Như Ngọc. Và thông qua hình ảnh của Như Ngọc, người xem sẽ thấy được bức tranh cuộc sống gia đình từ thuở bé bên mẹ, người thân và những tình bạn thơ ấu của cô trong hoàn cảnh người bố ruột đã mất và mẹ bước thêm bước nữa. 

Tất cả những ký ức cuộc sống mà Như Ngọc trải qua cho đến lúc trưởng thành đều mang dấu ấn đậm nét về bạo lực gia đình. Đến khi Như Ngọc lấy chồng, người đàn ông vốn là một nghệ sĩ chơi nhạc, kiêm thầy giáo dạy nhạc lại là chính “hung thần” trong gia đình nhỏ của cô. 

Qua câu chuyện xúc động về một Như Ngọc rất Việt Nam, kịch bản Sống gượng chuyển tải thông điệp: Ngoài lòng thương yêu, sự kiềm chế cảm xúc bản thân để gia đình được êm ấm, thì hơn hết, giá trị bình đẳng trong gia đình và quyền được sống đúng với phẩm giá của người phụ nữ cần được coi trọng. Nếu là nạn nhân của bạo hành, họ cần đứng lên khi mọi sự “cam chịu”,“nhẫn nhịn” không đem lại kết quả.


Biên kịch Hạnh Ngộ đã quyết định chuyển thể truyện ngắn “Sống gượng” lên màn ảnh sau khi đọc qua bản thảo

Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn Sống gượng của tác giả Lê Tuyết bởi nhóm Bút Nắng Sài Gòn. Để hiểu hơn về hành trình từ truyện lên màn ảnh của câu chuyện đầy xúc động này, biên kịch Hạnh Ngộ - một trong hai thành viên của  Bút nhóm Nắng Sài Gòn đã có những chia sẻ về khoảng thời gian khi chị cầm bản thảo Sống gượng trên tay.

Chào biên kịch Hạnh Ngộ! Cơ duyên nào đưa chị tiếp cận với “Sống gượng” và chuyển thể câu chuyện này thành kịch bản phim truyền hình?

Đó là một sự kiện thật lạ, nó khác với những cơ duyên khác khi mình chuyển thể tác phẩm văn học trở thành phim. Thông thường sẽ là biên kịch chủ động tìm kiếm tác phẩm đã xuất bản rồi mới chuyển thể khi thấy phù hợp và yêu thích. Còn với Sống gượng, đó cũng là một hành trình hoàn toàn khác và khá dài. 


Đây là câu chuyện của hai thân phận người phụ nữ - truyền thống năm xưa và xã hội hiện đại

Ngày ấy, tôi còn là chuyên viên khai thác bản thảo cho công ty sách Phương Nam, tác giả tìm đến tôi một cách rất “cầu thị”. Cô phải mất công nhiều lần lắm để hẹn được đúng người - là tôi, vì khi ấy, cô chưa quen ai. 

Tôi còn nhớ, trước mặt mình khi đó là một người phụ nữ quá tự ti, nhưng rất cầu thị. Cô không có một chút tự tin nào của một người sáng tác, điều này làm tôi chủ quan mà chỉ nhận cho có lệ. Sau đó, cô đến tìm tôi rất nhiều lần vì đứa con tinh thần này, khi đó, Sống gượng có tên là Có một cuộc đời như thế. 

Tôi nghĩ thôi thì cứ đọc, dù sao cũng vì một người viết lớn tuổi có lòng, chứ tôi không tin một người như thế có thể viết hấp dẫn để in sách được, bởi tiêu chí chọn bản thảo của Phương Nam book khi đó khá cao. Thế là tôi phải mang Có một cuộc đời như thế về nhà đọc vì trong cơ quan còn quá nhiều bản thảo của những nhà văn nổi tiếng cần ưu tiên hơn. 


Dàn diễn viên đã thể hiện trọn vẹn cuộc đời của từng nhân vật trong câu chuyện

Điều làm tôi bất ngờ và cả đau đớn, đó là tác phẩm cũng chính là cuộc đời thật của cô. Bản thảo không hề dài dòng hay lan man thường gặp của một tự truyện do người viết văn không chuyên viết. Cô viết rất hấp dẫn bằng chất liệu thực cuộc đời mình. 

Ngay khi tác phẩm Sống gượng chuẩn bị được Phương Nam book ấn hành, tôi đã quyết tâm chuyển thể nó lên phim truyền hình. Bởi vì, tôi nghĩ đây là tác phẩm về Nữ quyền, người nữ lên tiếng “kêu cứu” vì không thể tiếp tục im lặng nữa, nếu tiếp tục im lặng, họ sẽ chết. Và tôi cũng là người nữ.

Vì sao chị lại muốn chuyển thể câu chuyện này lên màn ảnh nhỏ? Và khi chị đề nghị chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình, tác giả nghĩ gì về điều này? 

Trong cuộc sống, có rất nhiều đề tài cùng một lúc để mình có thể viết kịch bản lên phim. Đề tài về bạo hành gia đình đã có xuất hiện ở đâu đó, trên nhiều phim khác nhau, nhưng chưa có một phim nào thuần phản ánh về chuyện này. Đây là câu chuyện của hai thân phận phụ nữ, người mẹ truyền thống năm xưa và người con gái ngay sống trong xã hội hiện đại, vẫn chấp nhận bị bạo hành như thế. Cái khác lạ là họ vẫn yêu người đã bạo hành mình. 


Bộ phim là tiếng chuông cảnh báo cho cả người bị bạo hành và người bạo hành

Điều nhân văn của câu chuyện chính là tiếng chuông cảnh báo cho cả người bị bạo hành và người bạo hành, bởi nó khiến cả hai đều phải đau khổ. Tôi nghĩ, đây là câu chuyện mà khán giả muốn xem, nó vừa lạ vừa rất quen thuộc trong cuộc sống vì nó có thật và kịch tính.

Khi tôi đề nghị chuyển thể câu chuyện này thành kịch bản phim truyền hình, tác giả đã vô cùng hạnh phúc khi biết ý định của tôi. Bởi hơn ai hết, cô đã thức hơn 8 tháng trời trong đêm nhẫn tối bằng sự kiên để viết lại câu chuyện của đời mình. Cô ủng hộ tôi chuyển thể tác phẩm này và nay bộ phim được phát sóng, đó là hạnh phúc lớn lao dành cho một người viết như cô. 

Khi chuyển thể thành phim truyền hình, chị có thêm thắt những chi tiết khác để kịch bản trở nên thu hút?

Tôi không thêm thắt vì câu chuyện chưa hấp dẫn, tôi thêm vì để câu chuyện phim không quá nặng nề như trong truyện. Đọc truyện, các bạn có thể mất 2-3 ngày chìm đắm trong cảnh bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng xem phim truyền hình dài 30 tập, khán giả phải tiêu tốn nhiều thời gian hơn. Vì vậy, câu chuyện phim cần có một màu khác tươi sáng hơn và nó cũng vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống thật. 

Cảm ơn biên kịch Ngô Hạnh!

Hoàng Minh