Khi được hỏi về số lượng kịch bản đã cộng tác với HTV, tác giả Vương Huyền Cơ bảo rằng, không nhớ hết. Chị chỉ kể sơ lược vài vở kịch có nội dung về Tết gần đây như “Tình Xuân”, “Mùa Xuân đầu tiên”, “Hạnh phúc bất ngờ”…
Cảnh trong "Táo Quân HTV - 2019"
Là một thành viên trong nhóm tác giả kịch bản Táo HTV năm 2019, chị có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình khi bắt tay vào thực hiện công việc này?
Tôi tham gia viết kịch bản Táo Quân HTV - 2019 cũng là một sự bất ngờ, bởi ý tưởng, đường dây kịch bản đã do Ban Văn nghệ của HTV - mà cầm trịch là đạo diễn Minh Hải nghĩ ra với nhiều sắc màu đổi mới, không giẫm vào lối mòn đã làm thời gian qua. Đường dây, ý tưởng đã có, công việc của tôi là triển khai chi tiết, viết làm sao để phản ảnh được vấn đề xã hội mà không nhàm chán (bởi những vấn đề này, báo chí đã đưa tin chi tiết), phải hấp dẫn và mang tính châm biếm, hài hước. Khán giả xem cảm thấy hài lòng, mà người bị phê phán cũng không có cảm giác bị xúc phạm.
Với tư cách một công dân, chị quan tâm tới những vấn đề nào của Thành phố và của cả nước?
Vấn đề tôi quan tâm nhất của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung là Giáo dục, Giao thông, Môi trường và Y tế. Những vấn đề này ngày càng có chuyện để nói. Đây cũng là những vấn đề mà Ban Văn nghệ của HTV định hướng để xoáy sâu, còn những vấn đề khác, kịch bản cũng sẽ đề cập đến, nhưng ở mức độ thấp hơn.
NSƯT Lê Tứ vào vai Ngọc Hoàng
Từ ý tưởng và theo đường dây kịch bản, chị đã mất thời gian bao lâu để hoàn thành công việc của mình?
Sau khi có ý tưởng, đường dây để triển khai kịch bản, tôi có hứa với đạo diễn Minh Hải và đạo diễn Lý Khắc Lynh sẽ cố gắng hoàn thành trong 1 tháng. Khi về nhà, tôi cảm thấy căng thẳng vì áp lực phải cho khán giả xem cái gì đây? Vì tiêu chí của Táo Quân phải vui vẻ, nhẹ nhàng, ý nghĩa nhưng không thể kém phần sâu sắc. Tôi suy nghĩ, đắn đo nên viết thế nào để không căng quá, cứ thế mất hai tuần, khi viết ra thì nhanh hơn bởi chỉ ghi lại những gì có trong đầu.
Quá trình thực hiện, chị nhận thấy điều gì là dễ nhất và điều gì là khó nhất?
Khi sáng tác, thì phần khó nhất là tìm sự hài hước trong những sự việc không hài chút nào, sao cho khán giả cười mà đau, cười mà ngẫm. Cái khó thứ hai là tiết chế câu từ, phê phán nhưng không thể nói nặng. Cái khó thứ ba là không thể chỉ nêu ra hiện tượng mà cần phải hiểu biết cái gốc phát sinh, hướng giải quyết và quan trọng là phải có tính dự báo. Vượt qua mấy cái khó thì phần viết ra giấy dễ nhất!
Theo chị, nội dung kịch sẽ thỏa mãn bao nhiêu % khán giả?
Về cá nhân thì tôi hài lòng với những gì làm được, còn khán giả có thỏa mãn khi xem hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phép màu sáng tạo của đạo diễn; tài năng, sự chăm chút của diễn viên. Tập kịch bản Táo Quân không hề dễ dàng, bởi đa phần là Văn vần, khi đọc cần biết nhấn nhá trọng tâm, nhưng tôi tin, Táo Quân 2019 sẽ thành công bởi dàn nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm; đạo diễn giàu ý tưởng sáng tạo, sẽ cống hiến cho khán giả một chương trình tổng kết cuối năm vô cùng bổ ích.
Táo Giáo dục do nghệ sĩ Tấn Beo (giữa) đảm nhận
Sản xuất chương trình Táo có vẻ như “ngày càng khó”, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, sứ mệnh của các chương trình Táo đã hoàn thành! Quan điểm của chị về những ý kiến này?
“Sản xuất chương trình Táo Quân ngày càng khó, nên cho nó hoàn thành sứ mệnh”… nếu chúng ta không làm mới được, không có sáng tạo, không có kịch bản tốt thì nên ngưng, chớ đừng cố sức để cho ra một chương trình nhạt nhẽo. Nhưng tôi tin rằng, chúng ta có tâm huyết, có khát vọng thì sẽ làm tốt thôi bởi 1 năm - 12 tháng, cuộc sống xã hội có bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu chuyện “Tốt, Xấu” - chẳng lẽ không thể chuyển tải ra được thành một tác phẩm!
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Đăng Minh