Sau "Kính vạn hoa", "Nữ sinh", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua"… đến lượt "Ngồi khóc trên cây" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa được công bố chuyển thể thành kịch bản phim.
Cảnh trong phim "Đô đốc"
Từ nhiều năm nay, nhiều tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành kịch bản phim điện ảnh và truyền hình, như: Làng Vũ Đại ngày ấy dựa theo tuyển tập của nhà văn Nam Cao; Mê Thảo - Thời vang bóng từ tác phẩm Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân; Thời xa vắng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Lê Lựu; Mùa len trâu từ Hương rừng Cà Mau và Mùa len trâu của nhà văn Sơn Nam; Tơ hồng vương vấn, Hai khối tình, Lòng dạ đàn bà, Con nhà giàu, Con nhà nghèo… từ các tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh; Trò đời từ tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng; Dưới cờ đại nghĩa dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Hùng; Kính vạn hoa, Nữ sinh từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh; Thương nhớ ở ai từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng; Cánh đồng bất tận từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư....
Cảnh trong phim "Tơ hồng vương vấn"
Ở thời điểm này, Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đang được đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình; Cuối mùa nhan sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trở thành cốt truyện chính cho kịch bản phim Gạo chợ nước sông nói về số phận đào kép cải lương xưa; Đất rừng phương Nam đang được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dựng thành phim điện ảnh; Thiên thần nhỏ của tôi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đang được chuyển thể thành kịch bản phim.
Cảnh trong phim "Không có gì và không một ai"
Trên thực tế, những tác phẩm văn học như Lục Vân Tiên, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mùa lá rụng trong vườn, Trò đời đã từng “gây sốt” hoặc nhận được sự quan tâm rất lớn của khán giả khi được chuyển thể thành phim.
Gần đây nhất, Thương nhớ ở ai đã trở thành một trong số ít tác phẩm góp phần vực dậy tình cảm của khán giả dành cho phim truyền hình dài tập, đồng thời nhận được giải thưởng Cánh diều Vàng 2017.
Cũng cần nói rằng, trong nhiều giai đoạn khác nhau, chính các tác phẩm văn học đã trở thành “cứu cánh” cho tình cảnh thiếu kịch bản hay để làm phim. Và hầu hết các bộ phim điện ảnh và truyền hình có kịch bản chuyển thể hoặc dựa theo tác phẩm văn học đều ít nhiều tạo được ấn tượng tốt và chạm được tới cảm xúc của người xem, góp phần nâng cao chất lượng của phim Việt.
Hay nói một cách khác thì phim có kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học đã trở thành một nhánh quan trọng của các nhà làm phim Việt. Đứng ở phương diện thương mại hay nghệ thuật, phim chuyển thể đã trở thành một dòng chảy ngày càng mạnh mẽ.
Cảnh trong phim "Kính vạn hoa"
Tuy nhiên, với đặc thù ngôn ngữ khác hẳn nhau, công việc chuyển thể có thể gặp nhiều khó khăn. Đạo diễn nào làm phim chuyển thể cũng có áp lực vì mọi người thường hay so sánh xem phim có hay hơn tác phẩm văn học không, có giống trong truyện hay không.
Đã có những đạo diễn xem văn học chỉ là chất xúc tác, vì thế, nhiều khi lên phim, độc giả không còn nhận ra tác phẩm gốc nữa. Và cũng có khá nhiều tác giả văn học không hài lòng về việc đạo diễn không chuyển thể đúng như tác phẩm của họ, thậm chí có người còn đi kiện đạo diễn…
Có một thực tế rõ ràng là, việc văn học với điện ảnh kết duyên với nhau sẽ tạo được nguồn đề tài phong phú, giàu chất nhân văn. Đưa tác phẩm văn học trở thành sản phẩm điện ảnh là mở rộng biên độ người thưởng thức, tìm kiếm thêm đối tượng khán giả, đồng thời khẳng định một lần nữa giá trị, tầm ảnh hưởng, ý nghĩa nhân văn của tác phẩm văn học ấy.
Chính vì vậy, văn học là “mỏ vàng” để phim ảnh khai thác, nếu biết tận dụng một cách uyển chuyển, và đúng nghĩa sẽ có được những tác phẩm điện ảnh độc lập và có một giá trị khác biệt.
Đan Khanh