"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng..." – lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giản dị nhưng ẩn chứa triết lý sâu sắc. Con người cần có một thứ tài sản đặc biệt, vô hình mà vô giá. Đó chính là tình thương - "nguyên liệu" để tạo nên điều kì diệu.
Chị Phan Hà Phương
"Tình thương" với nhiều cung bậc khác nhau, giúp gắn kết nhiều mảnh đời, nâng đỡ nhau vượt qua gian truân, trắc trở của cuộc sống. Theo sự dẫn dắt khéo léo của đạo diễn Lê Hoàng trong tập 7 của chương trình Khoảnh khắc cuộc đời, chị Phan Hà Phương - CEO của một công ty đại diện cho một hãng mỹ phẩm Pháp đã mở lòng chia sẻ, rằng nhờ tình yêu, chị đã vượt qua căn bệnh "trầm cảm sau sinh".
Theo nghiên cứu của một Bệnh viện Phụ sản trên 321 sản phụ, tỷ lệ sản phụ bị trầm cảm giai đoạn sau sinh là 5,3%. Điều đáng nói là gần 90% bệnh nhân ở mức độ vừa hay nặng, 41,2% có ý nghĩ hay hành vi tự tử và trên 50% bệnh nhân có hội chứng sầu uất kèm theo.
Những con số biết nói minh chứng cho những khoảnh khắc chị Phương nghẹn ngào khi kể lại tâm lý vô cùng... “ngược”, phát sinh từ nỗi lo lắng không thể làm một người mẹ tốt, buồn phiền vì mất mát thể chất do sinh nở, đã khiến chị gây đau đớn cho đứa con vừa lọt lòng. Trong lúc bản năng người mẹ bất lực, nỗi sợ hãi và cảm giác bị tổn thương dồn nén, chị đã không thể đối diện với con, với thế giới bên ngoài và cũng không thể chấp nhận bản thân mình.
Khi ấy, như ánh sáng chợt lóe lên trong đường hầm tối tăm, người chồng - người đã luôn bên chị cùng tình yêu chân thành và bản lĩnh giải quyết khủng hoảng, thức tỉnh chị với câu nói: “Con cần một người mẹ hạnh phúc, chứ không cần một người mẹ hoàn hảo, em làm được không?” Câu nói đi từ trái tim đến trái tim, từ tình yêu đến hạnh phúc, từ người chồng đến người vợ. Anh đã đưa chị về bên con, hàn gắn tổn thương, vẽ lại một bức tranh gia đình hoàn hảo.
Tài sản vô giá của chị Phương chính là bờ vai vững chắc của người chồng, sự thấu hiểu tâm lý và hành động chung tay chia sẻ trách nhiệm, công việc gia đình, nắm tay nhau cùng vượt qua thời điểm khó khăn.
Và như thế, người chồng trở thành chủ thể quan trọng, “tạo nên” một người vợ, người mẹ hạnh phúc. Để rồi đến lượt “người mẹ hạnh phúc” trở thành liệu pháp hiệu quả để phòng và chống trầm cảm sau sinh, đưa người mẹ cùng những đứa con đến tương lai của gia đình yêu thương, bền vững.
Chị Phương cùng gia đình hạnh phúc
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con” - Chế Lan Viên
Trong vai trò là một người con, nhận được sự thương yêu và... "mạng sống thứ hai" từ mẹ mình, anh Trần Nghĩa xúc động kể lại quá trình gian nan vượt qua căn bệnh thận mãn tính với host chương trình Hamlet Trương.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, một thời thanh xuân để vùng vẫy. Nhưng anh, ở tuổi 20, đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, chiến đấu với căn bệnh quái ác, hiểu rõ mỗi một ngày trôi qua quý giá vô cùng. Trái tim còn đó, lửa sống vẫn cháy bỏng, anh không chọn "đầu hàng số phận" mà xoay xở kinh doanh, bán mật ong, mở quán trà..., kiếm tiền san sẻ gánh nặng thuốc thang và tự khẳng định bản thân trước bệnh tật.
Để khỏi bệnh hoàn toàn, anh phải được ghép thận. Sau một năm chờ đợi mẹ chữa bệnh viêm gan siêu vi C, cha lo lắng đến già đi chục tuổi, trời đã không phụ lòng người, anh lại được “tái sinh” bằng chính quả thận của mẹ mà không để lại bất kì di chứng nào. Kết quả của hành trình gian nan ấy cùng với nghị lực bản thân, tia sáng của hi vọng lại được thắp lên, tạo ra một nhà kinh doanh bất động sản tài năng, trẻ trung và thành công ngày nay.
Qua câu chuyện của anh Nghĩa, ta thấy được mỗi phút giây của cuộc đời đều quan trọng, vì vậy hãy sống với tinh thần lạc quan và thái độ tích cực, dù khiếm khuyết, dù áp lực. Và tình thương yêu của gia đình là một bệ phóng giúp con người đạt được thành công, vượt lên nghịch cảnh.
Anh Trần Nghĩa, Hamlet Trương và MC Phương Uyên
"Luôn đặt mình vào vị trí của người khác. Nếu trong vị trí đó, bạn thấy đau, có lẽ người kia cũng cảm thấy như vậy." Đó cũng là tấm lòng của người bảo vệ Đào Công Dân trong câu chuyện về phút tình cờ nhặt được túi vàng được chia sẻ với tiến sĩ Lê Thẩm Dương trong tập 8 của chương trình Khoảnh khắc cuộc đời.
Bác Dân kể lại khi tình cờ nhặt được túi vàng 6,3kg, biết rõ giá trị của nó, câu hỏi đầu tiên bác trăn trở là "người ta có chết vì mất số tiền này không?" Trong tình huống cân não lấy lửa thử vàng, “đốt cháy ý chí và nhân tính của tui”, bác đã chọn hướng lòng mình đến khổ chủ, đặt nỗi đau của họ vào suy nghĩ của mình để đồng cảm, để vượt qua cám dỗ vật chất, hoàn vật về nơi nó thuộc về. Thậm chí đến khoảnh khắc thứ hai, trước cơ hội sở hữu món quà cảm ơn trị giá 72 triệu đồng một cách hợp pháp, bác cũng kiên quyết từ chối, vì tình người không phải là thứ có thể “mua đứt bán đoạn”.
Bác Đào Công Dân chia sẻ câu chuyện của mình
Bác chọn sống thanh thản, dạy con nên người bằng cách làm việc tốt nêu gương. Bác trân trọng giá trị của lao động chân chính chứ không sống nhờ vào “của trời cho”. Tài sản quý giá nhất của bác chính là cái tình “thương người như thể thương thân”. Đức tin vào con người tốt đẹp, được bác khẳng định và nhân rộng đến cộng đồng và xã hội.
Bác Dân, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương và MC Phương Hiếu
Hành động đẹp của bác Đào Công Dân khiến tiến sĩ Lê Thẩm Dương vô cùng thán phục. Tiến sĩ dùng câu nói của Marx để tôn vinh bác: “Đạo đức là ta làm được những gì chứ không nằm ở địa vị xã hội mà ta đang có”.
Chương trình "Khoảnh khắc cuộc đời", phát sóng lúc 22g45 hàng ngày trên kênh HTV9.
Phạm Nhi