Tâm sự nhói lòng của chàng trai từng phải xa cha mẹ

Dù được ông bà hay họ hàng chăm sóc tận tình, chu đáo nhưng trong suy nghĩ của một đứa trẻ hồn nhiên, không gì có thể thay thế được tình yêu thương của ba mẹ dành cho mình.


Sơn Lê chia sẻ về khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời mình

“Vì sao ba mẹ lại bỏ rơi mình?” Câu hỏi tồn tại suốt 20 năm, cũng là một hòn đá treo trong tim Sơn Lê chừng ấy thời gian, làm nảy sinh trong lòng anh cảm giác “căm thù” đối với đấng sinh thành. 

Từ lúc 2 tháng tuổi, Sơn Lê đã về sống với ông bà ngoại. Quãng đời thơ ấu 8 năm để hình thành tuổi thơ tươi đẹp của một đứa trẻ đã trôi qua trong hoang mang và giận dỗi. Hoang mang vì không biết “ai mới là ba mẹ của mình?”, giận dỗi vì sao bố mẹ lại không thể yêu thương, nuôi nấng mình bên cạnh như những đứa trẻ khác.

“Tôi đã không phân biệt được vai trò của ông bà ngoại và ba mẹ là như thế nào!”. Những đứa trẻ xa gia đình, sống với ông bà, cô chú có thể vẫn được chăm sóc cẩn thận, vẫn được hưởng điều kiện vật chất đầy đủ, nhưng tình cảm của họ hàng, dù sâu sắc, cũng không thể thay thế sự yêu thương của ba mẹ. Sơn Lê không có nhận thức rõ ràng về tình mẫu tử và những cảm nhận về một gia đình trọn vẹn.

“Từ bé đến lớn, do có nhiều u buồn và khúc mắc trầm lắng mỗi ngày, tạo cho tôi cảm giác là không thể mở lòng với mọi người”. Tình cảm là chìa khóa quan trọng để xây dựng trí tuệ, cảm xúc và bước đầu hình thành tính cách ở trẻ. Đó cũng là chất gắn kết mà thiếu nó, Sơn Lê đã rất khó khăn để hội nhập với gia đình khi được rước về nhà lúc tám tuổi. Nó khiến anh luôn có khoảng cách với ba mẹ. Cứ như thế, hoàn cảnh đã tạo ra một con người thu mình, sợ gặp người lạ, không hoạt bát, năng động và không thoải mái thể hiện cái tôi của chính mình, một khuôn mẫu như bao đứa trẻ khác cùng cảnh ngộ. 

“Tôi quyết tâm phải đi tìm câu trả lời” lúc kết thúc lớp học kỹ năng sống khi vừa tròn 20 tuổi, cũng là lúc anh đã không thể vượt qua được bài kiểm tra cuối khoá với yêu cầu “Hãy gọi điện và nói – con yêu ba mẹ lắm”. Câu nói nghẹn ở trong tim bởi không đủ tình cảm để biểu đạt thành lời. 

Những câu hỏi Sơn Lê đặt ra trong từng giai đoạn cuộc đời cũng là mẫu số chung của những đứa trẻ không sống chung với gia đình vì lý do nào đó. Hoàn cảnh cụ thể có khác nhau nhưng đọng lại sau những gương mặt là tâm lý bất an và sự khao khát tình thương. Các em luôn mơ về một gia đình hoàn hảo trong đó mình được nuôi dưỡng cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Câu trả lời đơn giản nhưng không ai thổ lộ cho đến khi Sơn Lê hai mươi tuổi, đã cất đi gánh nặng trong lòng, đem lại “hơi thở” thực sự cho cuộc sống của anh. Tám năm vắng bóng ba mẹ trong ký ức là thời gian họ bôn ba buôn bán ở nước ngoài để kiếm tiền nuôi gia đình và tạo dựng tương lai. Ba mẹ anh đã chọn lựa chọn gởi con về sống với ông bà, để con được chăm sóc tốt nhất. 

Giờ đây, chia sẻ với tiến sĩ Lê Thẩm Dương trong chương trình Khoảnh khắc cuộc đời, anh cho biết “mình đã mắc sai lầm” khi nhận định vấn đề một chiều xuất phát từ sự ích kỷ của bản thân. Tuy là sai lầm tất yếu do tuổi đời còn nhỏ, nhưng nếu được sữa chữa bằng cách rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ, được tâm sự, chia sẻ nhiều hơn, để sự thấu hiểu trở thành ngọn đèn soi sáng nhận thức, có lẽ nó đã không kéo dài đến thế. 

Tuy nhiên, tuổi thơ “không có nhiều sắc màu” lại trở thành động lực để Sơn Lê ước ao và cố gắng, khiến anh từ bé đã thích làm những công việc giúp ích cho đời và giúp ích cho người. Sau khi áp lực tâm lý được cởi bỏ, anh để hết tâm trí vun đắp cho sự nghiệp của mình, một nhà tạo mẫu tóc, một stylist thành công đồng hành cùng Quán quân và Á quân của các cuộc thi. Điển hình có diễn viên Song Ngư, quán quân của của cuộc thi Gương mặt điện ảnh trên sóng truyền hình và diễn viênThuý Nga rất nổi tiếng trong làng hài Việt Nam. 


Stylist Sơn Lê bên diễn viên Song Ngư, quán quân cuộc thi “Gương mặt điện ảnh”

Chia sẻ kinh nghiệm để những đứa trẻ xa gia đình có thể trưởng thành về mặt tâm lý, Sơn Lê đã đưa ra 3 lời khuyên: một là, hãy nhìn đa chiều, đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để hiểu được nguyên nhân, bản chất của sự việc diễn ra với mình; hai là, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người lớn, không nên giữ khoảng cách với con trẻ mà hãy là người bạn, người đồng hành; và cuối cùng, hãy yêu thương nhau ngay từ bây giờ, bởi được hội ngộ trong một gia đình là cái duyên của tạo hoá mà mỗi người chỉ có một cuộc đời để trân trọng nó. 

“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái muôn đời là như thế. Cách thức có thể khác nhau tùy vào hoàn cảnh, nhưng họ luôn mong cho con mình những điều tốt nhất. Và dưới góc nhìn của TS. Lê Thẩm Dương, Sơn Lê đã nhận được “sự chăm sóc tốt nhất” từ ba mẹ tại thời điểm lịch sử đó.


Cuối cùng Sơn Lê đã vượt qua được thử thách để gửi lời yêu thương đến ba mẹ trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi